Góc Hồng Ngọc: Thành tựu và di sản của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

13/12/2013 18:25 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch VFF trong hai nhiệm kỳ, từ 2005-2013 Nguyễn Trọng Hỷ đã từ nhiệm với lý do sức khỏe và lẽ ra đã hết nhiệm kỳ, nhường lại vai trò đầu tàu cho Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng. Chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Anh đón nhận thông tin ông Nguyễn Trọng Hỷ từ nhiệm với suy nghĩ như thế nào, thưa anh Hồng Ngọc?

Hồng Ngọc: Tôi bị bất ngờ về thời điểm, khi SEA Games sắp bắt đầu, mà môn bóng đá nam luôn được quan tâm vượt trội so với các môn thể thao khác. Nhiệm kỳ lẽ ra đã hết nhưng đã Đại hội VFF đã được gia hạn, cũng không còn bao xa.

Về mặt thời điểm, nó khiến chúng ta có thể suy luận: Hay là ông Hỷ sợ phải đối mặt với áp lực thất bại có thể xảy ra ở SEA Games tới, một kỳ SEA Games mà bóng đá Việt Nam ít lạc quan nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hay là ông Hỷ từ chức để Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có thời gian làm quen và thể hiện vai trò lãnh đạo của mình. Những người quan tâm đến hậu trường VFF đều biết đến quan hệ khá mật thiết giữa hai nhà lãnh đạo này. Cũng cần phải nói thêm rằng, phát biểu trên mặt báo, chính ông Hỷ đã tuyên bố " Tôi và ông Lê Hùng Dũng như cặp bài trùng"!



Cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ

Chúng ta hãy tổng kết về thành tựu của ông Hỷ trong vai trò Chủ tịch VFF.

Với tôi, đánh giá vai trò của một nhân vật không chỉ nằm ở thành tựu mà quan trọng hơn là ở di sản. Xét về thành tựu thì thời ông Hỷ, đội tuyển Việt Nam từng đạt đến đỉnh cao với danh hiệu vô địch AFF Cup 2008.

Nhưng về di sản thì tệ hại. Giải chuyên nghiệp hỗn loạn, nào là bong bóng bùng nổ, rồi bong bóng xì hơi, nào là đội bóng đổi tên, đổi địa bàn vô tội vạ, nào là đội bóng bỏ cuộc và rút lui vô tội vạ. Tôi không thấy Quy chế bóng đá chuyên nghiệp có một bước tiến thật sự nào so với thời ông Hỷ mới bắt đầu.

Sau lần lên đỉnh cao với rất nhiều may mắn năm 2008, đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam có vị thế ngày càng tụt hậu trong khu vực.

Đào tạo trẻ thì tụt hậu. Chỉ có HAGL với nỗ lực đột phá cá nhân, và Qũy đào tạo bóng đá trẻ PVF thậm chí còn nằm ngoài phạm vòng quản lý của VFF là có bước tiến, tất cả còn lại hầu như thụt lùi về đào tạo. Trong khi dự án tự mở trung tâm đào tạo của VFF thì nhập nhằng về mục tiêu, đi đào tạo những cầu thủ trẻ thải loại của các địa phương, lãng phí tiền đầu tư của FIFA và của ngân sách.

Về phong trào bóng đá thì cũng không có tiến triển gì cả. Phong trào không, học đường không, và quan trọng nhất là VFF không nỗ lực làm gì để thúc đẩy nó.

Vậy thì bóng đá Việt Nam sẽ phát triển bằng gì trong những năm tới?

Anh có khắt khe hoặc mâu thuẫn không? Chúng ta hãy nói về tình hình bóng đá chuyên nghiệp, nó hỗn loạn là vì tình hình kinh tế vĩ mô nữa?

Đồng ý là khi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp có thể rút đi. Doanh nghiệp còn phải đóng cửa, nói gì là bỏ tài trợ bóng đá. Nhưng sao khi kinh tế thuận lợi thì không lường trước khó khăn, để bóng đá chuyên nghiệp bùng phát vô tội vạ? Người làm chính sách thì phải có trách nhiệm chuẩn bị cho cả những lúc như thế.

Doanh nghiệp có tiền và có nhu cầu thì họ đến, hết tiền và hết nhu cầu thì họ đi, tôi nghĩ đó là vấn đề cung cầu thị trường chứ?

Bóng đá còn là vấn đề xã hội và thể thao, không phải là sản phẩm kinh doanh đơn thuần. Chiếc xe Range Rover dù thuộc Ford hay thuộc Tata vẫn là Range Rover. Chiếc iPhone dù bán ở Mỹ hay ở nơi nghèo khó nhất trên thế giới thì nó vẫn là chiếc iPhone, có giá trị sử dụng tương đương. Nhưng bóng đá thì khác. Nếu tôi là fan của đội Công an Hà Nội, đừng bắt ngày mai tôi yêu đội Hàng không Việt Nam, ngày kia yêu đội ACB Hà Nội. Nếu anh là fan của Thể Công, không thể bắt anh ngày mai chuyển nơi sống vào Thanh Hóa để cổ vũ cho đội bóng xứ Thanh.

Nhưng bóng đá Việt Nam thì đang bắt khán giả làm điều đó. Vì sự đổi tên và đổi địa bàn tùy tiện. Đừng hỏi vì sao các khán đài V-League ngày càng trống vắng, dù tiền đổ ra ngày một nhiều.

Thì doanh nghiệp bỏ tiền ra, họ phải được đeo thương hiệu, và ở địa bàn mà họ thấy thuận lợi nhất phục vụ kinh doanh?

Thế VFF đang làm việc cho bóng đá hay làm việc cho doanh nghiệp? Chính sách của VFF chỉ có thể ủng hộ doanh nghiệp nếu việc đó có lợi cho bóng đá, chứ không phải là ngược lại. Ông muốn đổi tên à? Thời hạn 10 năm nhé! Ông muốn có đội bóng ở Sài Gòn chơi V-League à? Thế thì hãy mua một đội bóng ở đó, hoặc xây dựng từ đầu ở đó, chứ không phải bằng việc chuyển hộ khẩu như một cá nhân hay một gia đình di cư. Vì đó là vấn đề xã hội, không phải là lựa chọn cá nhân nữa. Nếu một doanh nghiệp phải xây dựng đội bóng từ đầu, hoặc hình dung được việc thời hạn tối thiểu 10 năm, họ sẽ phải đầu tư bài bản chứ không chợt đến và chợt đi như hiện nay.

Sẽ ra sao nếu doanh nghiệp đó phá sản, nhưng doanh nghiệp sau tiếp quản buộc phải giữ tên phiên hiệu cũ?

Nếu đã có quy định như vậy rồi thì không địa phương nào dễ dàng cho một doanh nghiệp đổi tên đội bóng gắn với tên của họ cả. Ông muốn đổi tên thì phải cam kết, đặt cọc. Còn không thì cứ để nguyên tên giùm chúng tôi mà không ghép tên với nhà tài trợ, nhỡ ngày mai ông buông.

Vì quá dễ dãi cho phép đổi tên và đổi địa bàn, nên đã khuyến khích các doanh nghiệp nhảy vào bóng đá kiểu ăn xổi, và là nguyên nhân của hiện tượng bong bóng bùng phát rồi xì hơi. Chứ kinh tế cả thế giới khủng hoảng, bóng đá thế giới có bị liên lụy đâu!

Nhưng về việc đào tạo trẻ, anh có trách nhầm không? Đào tạo là việc của các CLB, và VFF đâu có can thiệp được. Hơn nữa phải mất tới 7 năm mới cho sản phẩm ra lò như HAGL JMG?

Đào tạo là việc của các CLB. Nhưng VFF có thể tác động bằng chính sách. Nếu chính sách không bảo vệ CLB đã bỏ tiền ra đào tạo, thì chả ai dại gì mà làm cái việc cốc mò cò xơi cả. Mà chính sách bóng đá của chúng ta hiện như thế. Toàn là cầu thủ hưởng tiền lót tay thôi, CLB chả thu được mấy xu nhờ bán cầu thủ cả.

Tôi không trông đợi là thời ông Hỷ đã cho sản phẩm ra lò. Điều tôi trông đợi là ông ấy xây dựng được chính sách để khuyến khích các CLB đầu tư cho đào tạo sâu rộng hơn.

Có thể chúng ta chưa làm rõ về vai trò của Chủ tịch VFF chăng? Đó không phải là vị trí điều hành?

Điều hành thì có Tổng thư ký rồi. Vai trò của ông Chủ tịch được gọi chung là “lãnh đạo”. Vậy lãnh đạo ở đây là gì? Tôi cho rằng vị chủ tịch phải vạch được chiến lược, tập hợp được đội ngũ và kích thích tinh thần họ, và chuẩn bị đội ngũ kế cận. Chính sách là sự cụ thể hóa chiến lược thì như chúng ta đã nói là không có gì tiến triển cả. Vai trò lãnh đạo tinh thần của ông Hỷ thì chúng ta hãy hỏi bộ máy và nhân viên VFF. Còn đội ngũ kế cận? Không lẽ gọi ông Lê Hùng Dũng là đội ngũ kế cận?

Vậy ý kiến của anh về triển vọng ở vị trí Chủ tịch VFF của ông Lê Hùng Dũng?

Tôi bảo lưu quan điểm về vai trò của vị Chủ tịch VFF. Vì vậy, tôi không cho rằng ông Dũng là lựa chọn lý tưởng. Nhưng ít nhất thì sẽ là lựa chọn tốt hơn nhiều so với ông Hỷ, và tốt hơn những gương mặt đã từng được giới thiệu hay liên hệ.

Cafe Thể Thao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm