Góc Hồng Ngọc: Tất niên thôi đừng ôn chuyện cũ

09/02/2013 06:52 GMT+7 | Bóng đá Việt

Tất niên là dịp ôn lại năm cũ để đón năm mới. Thậm chí ôn lại cả những cái cũ hơn nữa với hy vọng để tìm ra cái mới. Nhưng nhà báo Hồng Ngọc đã “vùi dập” ý đồ này của Cà phê…

 Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Giờ là lúc chúng ta nói lời tạm biệt năm cũ Nhâm Thìn để chuẩn bị đón Xuân Qúy Tỵ trên tinh thần “ôn cố tri tân” (ôn cái cũ để biết cái mới.

Hồng Ngọc: Đó là câu nổi tiếng của Khổng Tử, mà theo tôi, nó đã “giúp” cho nước Tàu và cả nước Việt ta từ khi lấy tư tưởng Khổng Nho làm nền tảng, gần như không bước tiến nào trong lịch sử phát triển, không phát kiến mới, dù là về khoa học, kỹ thuật, tư tưởng, hay tổ chức xã hội. Chính Khổng Tử tự nhận ông không sáng tạo ra tư tưởng gì mới, mà chỉ tập hợp lại tinh hoa trong quá khứ với những nhà tư tưởng, trị quốc xuất sắc trong quá khứ như Nghiêu, Thuấn, Chu Công, và dạy mọi người chỉ cần học theo như thế là thái bình thịnh trị.

Tôi thấy quan điểm này…tầm phào. Thứ nhất, hầu hết các nhân vật đó mang đậm tính huyền thoại. Thứ hai, lịch sử luôn đối diện với những tình huống mới, và không thể nào tìm thấy giải pháp trong quá khứ vì quá khứ chưa phải xử lý tình huống ấy. Nếu cứ tìm xem Nghiêu, Thuấn, Chu Công đã làm gì để bắt chước thì không bao giờ tìm thấy ô tô, máy bay, hay thậm chí là xe đạp cả. Nếu chỉ đọc sách “thánh hiền” Khổng Tử thì không thể nào viết nên “Khế ước xã hội” như Rousseau, hay dựng nên học thuyết “tam quyền phân lập” như Montesquieu được…



Triết lý của Khổng Tử đã lỗi thời

 Qua điểm này có thể gây tranh luận đây. Vậy theo bạn chúng ta cần tiếp cận quá khứ như thế nào cho đúng?

Phát triển là một quá trình tiến về phía trước. Quá khứ là điểm xuất phát cho mỗi thế hệ, chứ không phải đích đến. Con người cần tiếp bước thế hệ trước, chứ không phải giẫm lại vết chân của cha ông. Để biết rõ mình đang ở đâu thì chúng ta phải hiểu quá khứ, cả những thành công và những thất bại của quá khứ, chứ không phải bằng cách công kênh và tô vẽ nó. Tô vẽ chỉ có giá trị “phép thắng lợi tinh thần” như kiểu AQ thôi. Nó khiến chúng ta không biết mình đứng ở đâu trong thế giới này, và cũng không biết mình hướng đến đâu. Nó giống như một đội bóng không biết phải phát bóng từ đâu, và cũng không biết khung thành đối phương nằm ở chỗ nào vậy!

 Một nền bóng đá đang hỗn loạn ở tầm mức lẹt đẹt phải đi thuê quản trị người Nhật, trong khi ở phía sau lưng là thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, và xa hơn nữa là cái thời mà bóng đá Nhật cũng phải nghiêng mình. Trách sao chúng ta chẳng ngoái lại phía sau?

Nếu thật sự quá khứ của chúng ta là tươi đẹp thì nó phải gieo mầm cho một hiện tại và tương lai còn tươi đẹp hơn. Nếu không, rõ ràng sự tươi đẹp đó hoặc là ảo giác, hoặc chỉ là một góc của sự phát triển lệch lạc. Tôi từng nói về người Nhật, họ rất khiêm nhường. Thời mà họ nghiêng mình trước bóng đá miền Nam, họ đã đoạt huy chương Thế vận hội rồi, còn chúng ta chưa bao giờ có danh hiệu tầm châu lục. Còn thời của Hồng Sơn, Huỳnh Đức thì đâu có xa. Nó làm khán giả chán ngấy vì tệ nạn dàn xếp tỷ số, bởi các lãnh đạo đội bóng và có cả sự can thiệp từ các trùm cá độ. Và họ cũng chưa bao giờ có chức vô địch Đông Nam Á hay HCV SEA Games cả.

Thế nhưng chúng ta vẫn cứ thích gặm nhấm quá khứ. Đó rõ ràng là một thứ bệnh trong tâm lý và tư tưởng, di sản của văn hóa Khổng Nho.

 Nhưng có những thứ chúng ta thụt lùi không thể chối cãi được: khán giả đến sân ít hơn, cầu thủ tài năng ít hơn, và môi trường bóng đá bất ổn hơn với hàng loạt đội bóng giải tán mới đây?Phải chăng “chuyên nghiệp hóa” đang có tác dụng ngược?

 Mỗi thời điểm có một hoàn cảnh khác nhau. Lúc trước bóng đá không tràn ngập trên truyền hình như bây giờ nên khán giả muốn đến sân. Học sinh cũng không phải học thêm tối ngày nên trẻ em có thời gian chơi bóng đá, từ đó mà có nhiều tài năng. Nhiều địa phương lại coi bóng đá là một hoạt động có mục tiêu chính trị nên bóng đá được quan tâm. Hai yếu tố đầu chúng ta không thể quay ngược lại với quá khứ được, khi truyền thông ngày càng phát triển, và khi giáo dục vẫn lấy việc học thuộc kiểu Khổng Nho làm đầu. Còn yếu tố thứ ba, chúng ta có muốn quay lại thời mà ông giám đốc Sở này gọi điện thoại đến xin ông giám đốc Sở khác xin một trận thắng để giữ ghế không?

Chuyên nghiệp hóa không có tác dụng ngược, mà tác hại gây ra bởi chúng ta hiểu sai về chuyên nghiệp hóa. Hơn 10 năm V-League, chúng ta hiểu chuyên nghiệp hóa là ném đội bóng cho các ông bầu. Đó là quy trình ngược. Chuyên nghiệp là làm chuyên một thứ, biến nó thành nghề nghiệp có thể kiếm sống và kinh doanh. Các ông bầu chỉ có tiền thôi, hiểu biết về bóng đá thì ít nhưng lại chi phối toàn quyền. Những người làm bóng đá mới biết làm thế nào để bóng đá phát triển, lẽ ra cần là người đặt ra các quy tắc để dẫn đồng tiền đến nơi phát triển bóng đá, thì họ đã để mặc cho các ông bầu tiêu tiền vào nơi phá hủy bóng đá.

 Thông điệp bạn muốn gửi đến bóng đá Việt Nam trong năm mới là gì?

 Chúng ta cần phải xác định lại bóng đá chuyên nghiệp là gì. Hiểu được bản chất rồi mới tìm ra con đường thực hiện. Và tìm ra con đường thì phải làm kiên trì và từ việc nhỏ nhất. Hãy xây dựng các câu lạc bộ bóng đá trước khi nghĩ đến các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Hãy gây dựng phong trào bóng đá trẻ em và học đường trước khi nghĩ đến tuyển mộ tài năng. Hãy đào tạo cầu thủ bài bản trước khi cho họ ra sân đá bóng kiếm tiền. Và hãy cắp cặp đi học xem một CLB kiếm tiền và tiêu tiền như thế nào, trước khi “trao thân” cho một ông bầu. Học bài bản cho mục tiêu dài hạn, chứ đừng cóp nhặt mỗi nơi một tý chỉ để giải quyết mục tiêu ngắn hạn.

 Tiếc qua, đây là chầu cà phê Tất niên. Chúng ta phải đợi hơn 2 tuần nữa mới có dịp quay lại để tiếp tục tranh luận về những ý kiến của bạn. Xin chào và hẹn sớm gặp lại.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm