Góc Hồng Ngọc: Quyền lực bầu Hiển ở V-League

28/07/2012 13:39 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Một ông bầu tốt có thể xây dựng được các câu lạc bộ bóng đá tốt, góp sức cho sự phát triển của bóng đá. Nhưng không có nghĩa là họ được làm chủ nhiều đội bóng ở V-League. Cà phê bóng đá gặp nhà báo Hồng Ngọc để nói về câu chuyện gây nhiều tranh cãi này.

Chào Hồng Ngọc! Chúng ta lại gặp nhau, và tôi muốn trao đổi với bạn về địa vị của bầu Hiển ở V-League.

- Tôi hiểu là bạn muốn nói tới vị trí áp đảo của hai đội bóng cùng của bầu Hiển, SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, hiện đang nắm hai vị trí dẫn đầu V-League, và gần như chắc chắn sẽ có một đội vô địch V-League năm nay. Trước hết, nó thể hiện bầu Hiển là người giỏi làm bóng đá, dù việc xây dựng đội bóng từ con số không như Hà Nội T&T, hay tiếp quản một đội bóng bao năm chỉ là “tiềm năng” như Đà Nẵng. Bầu Hiển làm tôi tôn trọng khi ông tạo dựng đội bóng vô địch không chỉ bằng cách đi giành giật cầu thủ giỏi từ các đội bóng khác, mà cả ở chính sách phát triển các cầu thủ trẻ tiềm năng, và đặc biệt là các huấn luyện viên trẻ. Tất cả các huấn luyện viên trẻ đã giành được vị thế đáng trân trọng ở V-League đều nhờ bầu Hiển tạo chỗ đứng, Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng. Không có sự ngẫu nhiên nào ở đây cả!


Bầu Hiển - Ảnh: N.V

Bạn lại thuyết phục tôi sang hướng nể trọng ông bầu này rồi. Ý tôi muốn phê phán việc ông ấy nắm tới hai đội bóng ở V-League và có thể sẽ có đội thứ ba…

- Bất kỳ ai tham gia cuộc chơi nào đều muốn có nhiều cơ hội giành chiến thắng. Rất ít ông chủ lớn chỉ sở hữu một công ty. Vấn đề là từ những người tổ chức cuộc chơi, anh có ngăn cấm điều đó không. Nếu đó là lỗi thì là lỗi của liên đoàn, chứ không phải là lỗi của bầu Hiển.

Theo Hồng Ngọc thì một ông bầu có nhiều đội bóng có phải là lỗi quản lý không? Tôi thì quan niệm rõ ràng rằng điều đó là không ổn.

Chúng ta hãy tiếp cận ở nhiều góc độ. Về quyền sở hữu, không ai bị giới hạn về tài sản cả. Vì thế, một ông bầu có quyền sở hữu nhiều đội bóng. Real Madrid hay Barcelona cũng có nhiều đội bóng. Xét trên góc độ cạnh tranh, một ông chủ, một tập đoàn hoặc một liên minh chỉ khi vượt quá thị phần khoảng 30% mới bị coi là có nguy cơ độc quyền, hoặc nó sẽ bị cơ quan quản lý đặt vào vòng kiểm soát, hoặc sẽ bị buộc phải chia tách. Nếu ta coi V-League là một thị trường với 14 đội bóng thì việc bầu Hiển sở hữu hai đội chưa đạt tới “thị phần độc quyền”. Nhưng ở góc độ thể thao, các trận đấu và giải đấu đều được bảo vệ trước mọi sự chi phối và sắp đặt. Không ai có thể chắc chắn trận đấu giữa SHB Đà Nẵng với Hà Nội T&T có bị sắp đặt hay không, ngoài những người trong cuộc.

Chúng ta từ bỏ bóng đá bao cấp là muốn thoát khỏi cái cảnh phải “hy vọng” các đội bóng chơi trung thực, để được chắc chắn rằng các đội bóng sẽ chơi trung thực. Mà không phải chỉ chúng ta hướng tới. Các nền bóng đá văn minh đã thực thi điều đó. Các đội bóng cùng một ông chủ, thậm chí cùng một nhà tài trợ, bị cấm tham gia cùng một giải đấu. Barcelona có nhiều đội, nhưng không được phép cùng chơi ở một hạng. Vài năm trước, ông chủ của Chelsea, Roman Abramovich, định đầu tư vào một đội bóng quê nhà, nhưng Liên đoàn bóng đá châu Âu đã cảnh báo rằng hai đội bóng của ông không được cùng tham dự Champions League, và thế là ông phải từ bỏ ý định đó.

Theo cách bạn nói ban đầu thì bầu Hiển là một ông chủ tốt cho bóng đá. Phải chăng một ông chủ như thế lúc này có thể được sở hữu nhiều đội bóng ở V-League sẽ tốt hơn cho bóng đá Việt Nam? Cũng như độc quyền đôi khi có mặt tốt của nó?

Xây dựng được một câu lạc bộ tốt đã là điều không dễ dàng với một ông chủ rồi. Vô địch V-League không phải là thước đo cuối cùng để đánh giá một câu lạc bộ tốt. Nếu bầu Hiển tập trung nguồn lực cho một câu lạc bộ, có thể đội bóng của ông còn vững vàng hơn và vươn tầm ra ngoài khuôn khổ V-League chăng? Và hệ thống đào tạo trẻ của ông còn tốt hơn nữa chăng? Với cả nền bóng đá cũng như với xã hội, việc quan trọng là phải tạo ra một thể chế tốt và minh bạch để tạo điều kiện và môi trường cho mọi thành phần đều có cơ hội phát triển. Nếu biệt đãi cho một nhân tố tốt, nghĩa là chúng ta đang hạn chế cơ hội của các nhân tố khác, mà có thể có những nhân tố còn tốt hơn vẫn chưa lộ diện. Độc quyền đôi khi vẫn tốt, nhưng khuynh hướng tự nhiên của quyền lực nếu không bị cạnh tranh hay kiểm soát là sẽ bị lạm dụng. Lúc đó chúng ta ngồi cầu nguyện cho họ độc quyền một cách tử tế ư?

Vậy là chúng ta đồng quan điểm rằng bầu Hiển phải từ bỏ một trong hai đội bóng hiện tại ở V-League. Nếu bạn là bầu Hiển, bạn sẽ từ bỏ đội nào?

Thật may rằng tôi không phải là bầu Hiển để phải lựa chọn (cười). Nhưng thật khó tin nếu bầu Hiển từ bỏ Hà Nội T&T, vì đó là đội bóng máu thịt mà ông tạo dựng từ con số không. Và về quy mô thị trường, Đà Nẵng chưa thể so với Hà Nội. Nhưng chúng ta đều là người ngoài cuộc, chỉ có bầu Hiển mới biết rõ ông được gì và mất gì khi bỏ đội này hay đội kia!

Cảm ơn Hồng Ngọc về cuộc trò chuyện thú vị này!


Cùng tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển, câu lạc bộ Hà Nội T&T ra mắt năm 2006 ở giải hạng ba. Trong ba năm tiếp theo, họ thăng ba hạng liên tiếp và giành quyền thi đấu ở V-League năm 2009. Năm 2008, Câu lạc bộ bóng đá Đà Nẵng đổi tên thành SHB Đà Nẵng sau khi Sở thể dục thể thao thành phố Đà Nẵng chuyển giao đội bóng lại cho Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Như vậy bầu Hiển sở hữu hai đội bóng được năm năm và riêng ở V-League là bốn năm. Thành tích cụ thể như sau:

Năm          Hà Nội T&T                                SHB Đà Nẵng

2009        Thứ 4, 39 điểm, hiệu số 44-35      Vô địch, 50 điểm, hiệu số 48-30

2010        Vô địch, 46 điểm, hiệu số 35-25    Thứ 6, 40 điểm, hiệu số 41-44

2011        Thứ 2, 46 điểm, hiệu số 51-31       Thứ 3, 44 điểm, hiệu số 49-32

2012 (*)  Thứ 2, 42 điểm, hiệu số 38-30        Thứ 1, 44 điểm, hiệu số 43-27

(*): Sau 22 vòng


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm