Góc Hồng Ngọc: Mùa Xuân bàn về tuổi trẻ và thể thao

30/01/2014 06:31 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cà phê thể thao rẽ vào một khoảng lặng giữa dòng thời sự U19 và Qủa bóng Vàng FIFA để bàn về tuổi trẻ và thể thao, khi mùa xuân về.

Cà phê thể thao: Hồng Ngọc, anh mong ước điều gì cho nền thể thao Việt Nam trong năm Giáp Ngọ tới đây? Liệu có phải là một suất dự World Cup U20 cho đội tuyển U19 của chúng ta hiện nay?

Hồng Ngọc: Tôi ước trẻ em của chúng ta đều được chơi thể thao. Nó liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông và nhận thức của phụ huynh về vai trò của sức khỏe và thể thao. Ai chẳng biết sức khỏe là quan trọng nhất? Không lẽ anh nghi ngờ người Việt Nam không nhận thức được điều đó?


Sức khỏe là quan trọng nhất chỉ là khẩu hiệu được vay mượn với nền văn hóa còn những nét lệch lạc của chúng ta. Câu cửa miệng của những người mới được học hành một chút là “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Nó đồng nhất “sức khỏe” với sức mạnh cơ bắp, và là sự bù trừ cho việc kém phát triển về trí tuệ.

Tôi không tán đồng với quan điểm đó của anh. Mỗi dịp Tết cổ truyền, chúng ta đều chúc nhau sức khỏe đầu tiên, rồi mới đến chúc những điều khác?

Có sự khác biệt giữa chúc tụng và hành động thực tế. Chúc thì chúng ta luôn có công thức, sự “sáng tạo” chỉ là cách diễn đạt thôi. Nhưng ngay cả khái niệm sức khỏe trong các lời chúc chỉ là không ốm đau, bệnh tật. Người Việt Nam chúng ta chỉ ý thức về vai trò sức khỏe khi có bệnh tật.
Nhưng thật sự chúng ta hiểu khái niệm sức khỏe là gì? Và làm gì để khỏe mạnh? Đau xót là hầu hết chúng ta không quan tâm tới điều đó, và tất nhiên bọn trẻ sẽ không được dẫn dắt đúng để trở nên khỏe mạnh.



U19 Việt Nam là hiện thân tuổi trẻ của thể thao Việt Nam. Ảnh: Quang Nhựt

Thật hổ thẹn là bản thân tôi, tới tuổi 30 mới biết đến khái niệm sức khỏe theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới: “Sức khoẻ là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ không có bệnh hay thương tật”. Và cũng ở tuổi đó, khi các vận động viên chuyên nghiệp đã giải nghệ, tôi mới bắt đầu chơi thể thao một cách nghiêm túc.

Anh định đồng nhất chơi thể thao với sức khỏe?

Tôi không đồng nhất chơi thể thao với sức khỏe. Nhưng chơi thể thao là tiền đề của sức khỏe, cả sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, và sức khỏe xã hội.

Chơi thể thao thì phải vận động, buộc các cơ quan trong cơ thể hoạt động với cường độ cao. Nó thúc đẩy khí huyết lưu thông, và rèn luyện sức chịu đựng, đẩy xa giới hạn cường độ vận động của cơ thể, đó là sức khỏe thể chất.

Chơi thể thao thì bạn phải nỗ lực để chiến thắng, nếu không sẽ chỉ thất bại và thất bại. Khi ta xem một người chơi bóng đá chẳng hạn, thật dễ dàng để nhận ra sức khỏe tinh thần của người chơi, nhất là khi họ mất bóng hay đội bóng của họ gặp khó khăn. Những người yếu tinh thần thì dễ buông xuôi và phó mặc, những người mạnh mẽ về tinh thần luôn cố gắng hết mình khi còn cơ hội. Thể thao là môi trường học hỏi và rèn luyện điều đó, và thành hay bại trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần là chỉ dấu cho thành công hay thất bại của cuộc đời bạn.

Chơi thể thao thì phải có đối thủ, và có đồng đội. Nó buộc bạn phải chung sống, học cách đón nhận thất bại để tiếp tục đứng dậy, cố gắng, và cách chiến thắng để ngày mai không trở thành kẻ thù trong mắt đối thủ. Bạn phải học cách hợp tác và có trách nhiệm với đồng đội. Và thích nghi với những điều kiện thi đấu khác nhau, với đối thủ khác nhau, và cả với đồng đội khác nhau. Vì thế nó là môi trường rèn luyện sức khỏe xã hội.

Anh không được chơi thể thao ở trường học, từ phổ thông cho tới đại học?

Tôi học phổ thông ở nông thôn, với mỗi tuần có 2 tiết học gọi là “Thể dục”. Nó đúng là thể dục, với vài động tác vận động tại chỗ. Không có thể thao, ngoại trừ khi giáo viên thể dục cao hứng “chém gió” giới thiệu vài điều luật và… chiến thuật một môn thể thao nào đó. Không có hướng dẫn kỹ thuật, không có tập luyện. Nếu học sinh muốn chơi thể thao à? Chờ có giờ học nghỉ đột xuất thì rủ nhau ra sân trường nhé, nhưng mà nếu gây ồn ào để ảnh hưởng tới lớp học khác thì… nghỉ chơi. Trẻ con chơi tự phát mà không cãi nhau ầm ĩ mới là chuyện lạ! Hoặc chúng phải trốn học, nói dối phụ huynh về giờ học để đi chơi thể thao. Tôi vẫn nhớ khi trò chuyện với các cầu thủ bóng đá trước đây, họ luôn kể về sự đam mê với bóng đá của mình đồng nghĩa với việc… trốn học. Nếu bị phụ huynh phát hiện, nhẹ thì bị giáo huấn “mày đá bóng có kiếm được tiền không?”, nặng thì đánh đòn.

Rồi bỗng dưng vào cuối học kỳ, chúng tôi được lôi ra để thi chạy. Chuyện học sinh ngất xỉu trước hoặc tại vạch đích chả phải là chuyện gì lạ. Điều ngu dốt của chúng ta là coi đó là thể hiện sự nỗ lực, mà không coi đó là sự nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng, cũng như thể hiện một nền giáo dục thể chất không có rèn luyện.

Khi tôi vào học đại học, các ký túc xá sinh viên vẫn có chỗ để chơi thể thao như bóng rổ, bóng chuyền hay bóng đá 5 người, còn các trường đại học thường có sân bóng đá 11 người. Rồi các trường đại học mở rộng tuyển sinh, tăng thêm phòng học, những sân bóng đá khi tôi nhập học nhường chỗ cho những tòa nhà mới mọc lên lúc tôi tốt nghiệp.

Từ đầu anh chỉ nói tới thể thao học đường. Thể thao đỉnh cao là một con đường khác?

Chỉ có nền thể thao bao cấp thì thể thao đỉnh cao mới là con đường khác với thể thao học đường ngay ở xuất phát điểm. Thứ nhất, ta không thể biết ai có năng khiếu thể thao tới đâu khi họ chưa chơi thể thao. Thứ hai, thể thao đỉnh cao là cuộc chơi cạnh tranh rất khắc nghiệt, mà chỉ số ít sống được với nó. Thế thì những đứa trẻ sớm rời học đường và “định hướng” theo thể thao đỉnh cao sẽ đi về đâu khi chúng không thể gia nhập đấu trường đỉnh cao, vì năng lực hay vì chấn thương? Thứ ba, quy luật 10.000 giờ mà Malcolm Gladwell chỉ ra rằng, thiên tài trong mỗi lĩnh vực chỉ thật sự xuất hiện sau 10.000 giờ tập luyện, lao động, và tư duy với nó. Khắc nghiệt nhất là với thể thao, vì không ai có thể chơi 15 tiếng mỗi ngày như Bill Gates từng lao động khi mới thành lập Microsoft. Mà chơi thể thao đỉnh cao đồng nghĩa với tuổi trẻ, 18 tuổi đã phải chơi rồi vì từ tuổi 25 là cơ bắp bắt đầu quá trình lão hóa, và tuổi 30-32 được xem là ngưỡng với hầu hết các môn thể thao đỉnh cao.

Nên với thể thao đỉnh cao, quy luật 10.000 giờ được chuyển thành quy luật 10 năm tập luyện. Mỗi năm cần 1.000 giờ, mỗi ngày trung bình gần 3 giờ tập luyện, đồng nghĩa với một buổi tập chính thức chừng 1 tiếng rưỡi – 2 tiếng cộng với tự tập 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi mỗi ngày. Nếu không theo nổi cường độ đó từ 8 tuổi, bạn phải bắt đầu tập từ sớm hơn nữa. Tất nhiên là phải tập đúng cách.

Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG đào tạo mỗi khóa kéo dài 7 năm mới là “gần đủ”. 3 năm còn thiếu, họ phải bù bằng thời gian đã làm quen và tập luyện trước đó, thậm chí phải dài hơn thế. Nên nó chưa phải là mô hình chuẩn mực, dù là một bước đột phá để đến gần hơn với quy luật 10.000 giờ.

Cảm ơn anh! Nghe anh nói thì chúng ta còn phải chờ đợi dài dài về nền thể thao nước nhà!



Thể thao Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm