Góc Hồng Ngọc: Làm bóng đá từ cái ốc vít!

01/01/2013 11:19 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Những chia sẻ của nhà báo Hồng Ngọc với Cà phê bóng đá vào thời điểm bong bóng V-League đã vỡ.

* Chào Hồng Ngọc! Vài tháng trước bạn nói rằng các doanh nghiệp đang mệt mỏi vì tiền, giờ thì họ ồ ạt bỏ bóng đá đến nỗi hai giải cao nhất phải rút gọn số đội. Và một năm trước bạn đặt ra vấn đề cấm trả tiền lót tay cho cầu thủ, buộc các doanh nghiệp phải cam kết gắn bó dài hạn với bóng đá, giờ thì Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) bắt đầu cấm tiền lót tay, và từ năm tới sẽ cấm chuyển nhượng đội bóng… Bạn định “viết truyện linh nghiệm” cho bóng đá Việt à?

- Ồ không, tôi không dám và không có khả năng làm nhà tiên tri đâu! Tôi chỉ bám vào những vấn đề có tính nguyên lý, và tin vào con đường phát triển mà người phương Tây, bóng đá châu Âu đã đi qua và đi trước chúng ta hàng trăm năm. Hãy học theo họ. Chúng ta đi sau thì có lợi thế là biết người đi trước mình đã làm gì để thành công, và nhờ thế rút ngắn được con đường phải đi.

* Bằng cách đi tắt đón đầu?

- Tôi nghĩ thời gian làm một con đường tắt thì có thể còn lâu hơn thời gian chúng ta chỉ phải đi trên những con đường đã biết. Mà con đường mới chả biết có tắt thật không, hay lại đụng phải núi cao, sông rộng, rồi đành phải quay lại! Rút ngắn là ở chỗ chúng ta không đi vòng vèo thôi.


Bóng đá muốn bền vững phải xuất phát từ nền tảng cộng đồng

Những người đi đầu thì luôn phải dò đường. Tùy thời điểm và sự kiện, yếu tố cảm xúc và tâm lý cộng đồng sẽ chi phối lựa chọn của họ quá tả hoặc quá hữu. Nếu anh chỉ rơi vào quá tả hoặc quá hữu, anh sẽ… vòng về điểm xuất phát. Nếu đi sau, chúng ta sẽ nhìn ra con đường thực sự nằm xuyên giữa con đường zích zắc đó, tránh được quá tả hay quá hữu, và vì vậy rút ngắn được thời gian.

* Rút ngắn như thế nào?

- Chỉ có thể tránh hoặc giảm được sự zích zắc, chứ không bao giờ thay đổi được bản chất của quá trình tuần tự nhi tiến của phát triển. Anh cần có thời gian làm thuê để có thể làm chủ một cách vững vàng. Anh cần tích lũy được tiền triệu rồi mới biết cách quản lý và sử dụng tiền triệu, tiếp đó là tiền chục triệu, trăm triệu, rồi tiền tỷ. Chứ một người nông dân cả đời không bao giờ dành dụm được chục triệu, trăm triệu, bỗng dưng trúng số hay được đền bù đất đai được tiền tỷ thì rồi tiền cũng nhanh chóng ra đi, thậm chí kéo họ xuống thấp hơn xuất phát điểm.

* Hình như câu chuyện của chúng ta cũng đang “zích zắc” ra khỏi đề tài bóng đá?

- À, tôi muốn bắt đầu từ vấn đề có tính nguyên lý. Tại sao người châu Âu, Bắc Mỹ họ làm cái gì cũng tốt, một khi họ muốn? Là bởi vì họ nắm vững nguyên lý của sự việc, nguyên lý của phát triển. Nếu chúng ta học được nguyên lý đó, và có đủ kiên nhẫn, đủ quyết tâm để làm theo, chúng ta có thể thành công, không chỉ là với bóng đá. Còn chúng ta cứ đòi muốn làm bóng đá thành công nhưng lại không học và làm theo các nguyên lý cơ bản đó, thì cũng giống như việc chúng ta muốn xây dựng nên những tập đoàn công nghiệp mà không trải qua công đoạn phải làm tốt những con ốc, vít vậy.

* Bạn có thể nói rõ hơn các nguyên lý cho phát triển với bóng đá Việt Nam là gì?

- Sẽ không thực tế nếu cho rằng tôi có thể nói vắn tắt những nguyên lý đó chỉ bằng vài lời. Tôi chỉ xin nói những điểm trọng yếu mà những người làm bóng đá Việt Nam, và phần nào cả xã hội Việt Nam, đang không để tâm tới.

Thứ nhất, bóng đá là môn thể thao đại chúng: của cộng đồng và cho cộng đồng. Câu lạc bộ phải là của dân chúng, là nơi dân chúng tập luyện thể thao và sinh hoạt cộng đồng. Tài năng từ đó mà ra, và tình yêu từ đó mà ra. Trong khi các đội bóng của chúng ta thời bao cấp thì của sở thể dục thể thao hay ngành, thời nay thì của mấy ông bầu. Có khi hôm qua ở Hà Tĩnh, nay dạt vào Thành phố Hồ Chí Minh, mai ra Ninh Bình. Thế nên V-League mở cửa tự do vẫn vắng người xem hơn hẳn giải bóng đá sinh viên!

Thứ hai, cái gì dễ đến thì dễ đi. Bóng đá Việt Nam chưa có khả năng tự tạo ra tiền mà bỗng dưng có nhiều tiền, thì tiền đó tất nhiên sẽ nhanh chóng biến mất khi rơi vào hoàn cảnh ngược lại. Chỉ có những gì tự tạo mới bền vững. Tự tạo là đội bóng phải bán được vé vào sân, bán được quảng cáo, bản quyền truyền hình, kinh doanh dịch vụ ăn theo bóng đá, hay có thể cả phí hội viên cho người hâm mộ.

Thứ ba, phát triển là một quá trình tuần tự nhi tiến, bắt đầu từ việc những đứa trẻ được dạy khống chế bóng, chuyền bóng, sút bóng cho đúng cách. Chúng được học rồi thì mới phân biệt được đâu là tài năng. Phát triển không được tạo ra bởi việc trao cho những cầu thủ đã trưởng thành một hợp đồng năm tỷ hay 10 tỷ. Cầu thủ đá bóng chứ tiền không đá bóng.

Thứ tư, bóng đá không phải là ngành kinh doanh lợi nhuận, mà đòi hỏi lòng đam mê nhiều hơn. Cực ít câu lạc bộ bóng đá trên thế giới hoạt động có lợi nhuận. Vì vậy, bóng đá không phải là nơi để các doanh nghiệp tạt vào đánh quả. Bóng đá chỉ cần những doanh nghiệp, những nhà hoạt động bóng đá thật sự đam mê chơi với nó và nỗ lực phát triển nó. Vì thế, nó phải biết từ chối những doanh nghiệp lấy tiền ra để thị uy, và cần những doanh nghiệp, những nhà hoạt động bóng đá muốn song hành lâu dài với nó, bằng cách giúp bóng đá xây dựng những nền tảng lâu dài để phát triển, như hạ tầng, đào tạo trẻ, và mối liên hệ với cộng đồng.

Thứ năm, người làm bóng đá phải được trả công và hoàn vốn, để người ta có thể tiếp tục làm bóng đá. Cầu thủ đá bóng thì được trả lương. Câu lạc bộ bỏ tiền để đào tạo cầu thì phải được bồi hoàn đào tạo hay phí chuyển nhượng.

Chính vì bóng đá Việt Nam đã tiếp nhận các doanh nghiệp vô tội vạ, nên những doanh nghiệp dùng bóng đá để đánh quả đã làm tan hoang toàn bộ hệ thống bóng đá. Đội bóng mất tên, mất hồn và ngày càng xa rời khán giả. Tiền chuyển nhượng được trả cho cầu thủ, khiến cho các câu lạc bộ không còn muốn đào tạo trẻ nữa. Các cầu thủ bỗng dưng kiếm tiền dễ quá nên cũng không giữ được.

* Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện đầy thú vị này!

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm