Góc Hồng Ngọc: Khán giả… thời vụ

01/05/2013 14:28 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Các đội bóng dự V-League 2013 đang thiếu thốn vì hầu bao co lại của các ông bầu thì bỗng dưng khán giả lại tới sân đông hơn. Đó là đề tài của Cà phê thể thao tuần này, trao đổi với nhà báo Hồng Ngọc.

* Cà phê thể thao: Các sân cỏ V-League bỗng nhiên đông hơn đáng kể so với các mùa giải trước. Hồng Ngọc có cho rằng V-League giờ khó khăn nên phải quay sang tìm khán giả không?

- Hồng Ngọc: Tôi ước rằng thực tại là như thế. Thật ra, ai làm bóng đá chuyên nghiệp thật sự cũng đều phải hiểu rằng, tất cả mọi nguồn thu đều bắt đầu từ khán giả. Vì dù bán vé, bán bản quyền truyền hình, hay bán quảng cáo, kinh doanh ăn theo, tất cả đều phải nhờ có khán giả. Nhưng V-League từ khi ra đời, rất nhiều đội bóng có nguồn thu chính… không liên quan gì đến khán giả cả. Chỉ cần có ông bầu chịu dốc hầu bao. Nhưng cũng như kinh doanh ở Việt Nam nhiều khi không cần quan tâm đến thị trường, mà quan trọng là có đặc quyền, như đặc quyền chính sách hay tiếp cận tài nguyên. Nhiều ông bầu bỏ tiền nuôi đội bóng cũng chỉ là khoản phí để mua hoặc đổi những đặc quyền như vậy. Nên khán giả đứng ở ngoài cuộc chơi bóng đá, hoặc chỉ tô vẽ chút đỉnh thôi.



Những khán đài đông đảo như thế này chỉ mang tính thời vụ ở V-League. Ảnh: TTXVN

* Tức là bạn vẫn không tin rằng các đội bóng V-League đã thay đổi nhận thức để nỗ lực kéo khán giả tới sân?

- Không có chương trình tiếp thị nào mà hiệu quả lại nhanh như vậy, trừ khi đó là sản phẩm mới có tính chất đột phá. Các trận đấu V-League thì không thuộc loại này. Khán giả đến sân có ba thành phần. Một là tò mò, đến một lần cho biết, nếu thấy thích thì đến tiếp. Thực tế là nó ít khi xảy ra, thường là do bạn bè hoặc người thân lôi kéo đi xem thử. Nếu không thì chắc hẳn là đội tuyển quốc gia thi đấu, hoặc có khách mời quốc tế, không thuộc về V-League. Thành phần thứ hai là đến vì thích một đội bóng, thường là đội bóng quê hương, và cổ vũ khi đội nhà đang chơi tốt hoặc có thể giành thành tích cao. Đây là thành phần phổ biến nhất ở V-League, nhưng lại không bền vững với một đội bóng. Thành phần cuối cùng là khán giả trung thành, yêu đội bóng bất kể hay dở. Nó là thành phần chính với các câu lạc bộ thuộc các nền bóng đá lớn, nhưng lại là thành phần khiêm tốn của bóng đá Việt Nam.

Đội nhà thua hay chơi dở thì chỉ có nước mà nghe tiếng la ó, chửi bới, hay tẩy chay, chứ đừng mong có khán giả làm chỗ dựa tinh thần lúc khó khăn. Đó là kiểu xem bóng đá “khi vui thì vỗ tay vào” của đa số khán giả Việt Nam.

Đó không phải là lỗi của khán giả, mà là do cách chúng ta làm bóng đá. Yêu là mối quan hệ đặc biệt, mà nền tảng đầu tiên là việc duy trì mối quan hệ liên tục, biết dâng hiến, và tạo cảm giác thuộc về nhau. Các đội bóng của chúng ta chỉ biết thi đấu vì tiền thưởng, hay vì điểm số, không mấy khi quan tâm đến khán giả, và hầu như không bao giờ tham gia hoạt động cộng đồng. Rất hiếm khán giả có được cảm giác câu lạc bộ là của mình, hay cảm giác mình thuộc về đội bóng. Vì thế không thể có chuyện họ phải gồng lên làm chỗ dựa tinh thần cho đội bóng khi câu lạc bộ gặp khó khăn.

Nếu vì khủng hoảng kinh tế làm hầu bao của các ông bầu thắt chặt mà các đội bóng nghĩ tới việc lôi kéo khán giả, thì cũng cần có một thời gian dài để định hướng này phát huy hiệu quả. Nhưng thật sự tôi chưa có niềm tin vào khả năng này. Các đội bóng và các ông bầu quen thói chụp giật rồi, cái gì “ra tiền”, “ra điểm” ngay thì làm, chứ bỏ tiền ra đi vận động mà tiền quay về thì chưa thấy khó trở thành cách làm được chấp nhận ở V-League vào lúc này.

* Nhưng thực tế là khán giả xem V-League từ đầu mùa tới giờ đông hơn các mùa vừa qua. Bạn giải thích ra sao đây?

- Mùa này V-League có gương mặt hoàn toàn mới là Đồng Nai. Khán giả của một đội bóng lần đầu chơi V-League sẽ có tò mò về bóng đá hạng cao nhất. Nhưng lực lượng chính làm tăng số lượng khán giả tới xem V-League vẫn là ở các địa phương có truyền thống tới sân là Nghệ An, Hải Phòng (mới trở lại V-League), và phần nào là Đà Nẵng. Vào đầu mùa giải và khi các đội bóng này có thứ hạng tốt, sân nhà của họ luôn là những “chảo lửa”. Thậm chí khán giả của họ cũng rất đông khi các đội bóng này thi đấu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ba đội bóng nói trên đều đang nằm trong tốp năm đội dẫn đầu V-League, với Sông Lam Nghệ An và SHB Đà Nẵng là hai trong số ba ứng cử viên vô địch, bên cạnh Hà Nội T&T. Hà Nội và TP.HCM là hai nơi kém thu hút khán giả tới sân nhất, mọi năm luôn có hai, ba đại diện, giờ mỗi nơi chỉ co lại còn một đại diện duy nhất cũng góp phần… làm các sân bớt vắng vẻ hơn.

Tất cả những yếu tố trên là mang tính thời vụ, hay thời điểm. Không có chìa khóa nào cả, không cần đến tiếp thị, và cũng không có gì bảo đảm nó sẽ được duy trì. Một khi Hải Phòng rơi xuống nhóm cuối bảng, hay SLNA và SHB.ĐN hết cửa tranh chức vô địch, chúng ta sẽ lại thấy lượng khán giả đến sân giảm như trong các mùa giải trước!

* Bạn vừa nói đến hai thành phố lớn kém thu hút khán giả, phải chăng vì người dân ở đó có nhiều trò vui hơn?

- Đó là một thực tế, khiến bóng đá bị cạnh tranh về người xem. Nhưng tại sao các thành phố lớn trên thế giới còn có nhiều trò vui hơn hai thành phố lớn của chúng ta, khán giả vẫn đến sân như ngày hội? Là vì chính bản thân đội bóng. Các tỉnh thành khác lâu nay chỉ có một đội bóng duy nhất dự V-League, nên đội bóng mang tinh thần địa phương. Hai thành phố lớn thì không như thế, vì có nhiều đội. Họ muốn khán giả tới sân thì chính họ phải đáng xem, phải thuộc về khán giả. Nhưng V-League từ lâu không còn đội bóng nào có truyền thống ở hai địa phương này cả. Hà Nội T&T quá non trẻ. Sài Gòn Xuân Thành thì như người ngụ cư. Và họ đều không có một sinh hoạt gì gắn kết với người dân nơi họ trú quân.

Chỉ khi nào các đội bóng ở hai thành phố lớn kéo được khán giả tới sân đông mới thật sự là họ biết làm bóng đá hướng đến khán giả, và khi đó V-League mới được xem là biết làm bóng đá. Còn hiện tại, nếu chúng ta muốn khán giả tới sân đông, chỉ có cách cầu mong cho SLNA, Hải Phòng, Đà Nẵng luôn ở nhóm đầu!

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm