Góc Hồng Ngọc: Đạo đức, luân lý và tư vấn

03/03/2013 17:15 GMT+7 | Bóng đá Việt

Ban Tư vấn đạo đức của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) là nguồn cảm hứng cho buổi cà phê với Hồng Ngọc lần này. Anh lại thích làm phức tạp hóa vấn đề!

* Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Anh cảm nhận thế nào khi VPF thành lập nên Ban Tư vấn đạo đức, với thành phần chính là các nhà báo thể thao?

- Hồng Ngọc: Trước hết, tôi muốn làm rõ các khái niệm. Trong ngôn ngữ phổ thông, chúng ta thường lẫn lộn đạo đức và luân lý. Trong triết học, đạo đức học, hai khái niệm đó khá khác biệt. Đạo đức là việc cá nhân tự nhận thức, dưới sự thúc đẩy của lương tâm, để hành xử vì người khác và vì xã hội. Luân lý là hệ thống những giá trị, chuẩn mực do xã hội đặt ra ở mỗi thời điểm để phân biệt đúng - sai, tốt - xấu. Đạo đức được dẫn dắt bởi lương tâm cá nhân, còn luân lý bị quy định bởi chuẩn mực xã hội, mang tính lịch sử cụ thể.

Luân lý của Khổng Nho là người phụ nữ mà không giữ được trinh tiết trước đêm tân hôn là người đàn bà thiếu phẩm giá. Nhưng thời kỳ giải phóng tình dục và giải phóng nữ quyền thì lại coi đó là đòi hỏi khắc nghiệt và bất công với phụ nữ. Nếu nhìn từ góc độ đạo đức, thì không có vấn đề tiết hạnh hay bất công, mà tình dục chỉ chân chính khi là hành vi cho đi và tự nguyện, chứ không phải để đổi chác.

Bạn nhường ghế cho phụ nữ trên xe buýt thì đó là hành vi hợp luân lý, nhưng nếu nó được thúc đẩy bởi việc bạn muốn làm quen với người phụ nữ đó (vì cô ta đẹp chẳng hạn) thì lại không phải là hành vi đạo đức.



Lễ ra mắt Ban Tư vấn đạo đức của VPF. Ảnh: Quang Nhựt

Nếu theo khái niệm đó, thì cái tên “Tư vấn đạo đức” là sai từ căn bản. Vì đạo đức không phải là hành vi có thể tư vấn được, nó chỉ có thể được gieo mầm khi con người còn nhỏ thông qua những lời khuyên răn sống vì người khác, hay bằng những hoạt động tôn vinh những hành vi đạo đức cá nhân để đánh thức lương tâm trong những cá nhân khác. Nói “Tư vấn luân lý” thì có lý hơn.

* Bạn có thể lấy ví dụ trong lĩnh vực thể thao?

- Robbie Fowler (cựu tiền đạo của câu lạc bộ Liverpool và đội tuyển Anh) ngã trong vòng cấm và được trọng tài cho hưởng quả phạt đền. Anh cho trọng tài biết là cầu thủ đối phương không phạm lỗi với mình, nhưng trọng tài không thay đổi quyết định. Và Fowler chủ ý sút ra ngoài quả phạt đền đó. Cả hai hành vi từ chối phạt đền và chủ ý sút ra ngoài đều là những hành vi đạo đức, do Fowler bị thúc đẩy bởi lương tâm rằng anh không làm điều gì xâm hại đến đối thủ một cách không chính đáng. Nếu Fowler cứ lẳng lặng sút tung lưới đối phương thì không có gì sai về luân lý cả, vì như thế mới là tôn trọng trọng tài, tôn trọng đội bóng của mình, tôn trọng đối thủ, và tôn trọng khán giả.

Rốt cuộc, Fowler được trao giải Fair Play với hành vi đó. Nếu VPF có ý định khuyến khích đạo đức của giới cầu thủ và những người làm bóng đá, tôi cho rằng việc lập ra Ban Fair Play là thích hợp hơn cả. Nhiệm vụ của nó là chọn ra các hành vi chơi đẹp để tôn vinh, và các hành vi xấu có hệ thống để ngăn chặn bằng việc bổ sung các quy định còn thiếu.

* Vậy là bạn muốn đổi tên ban này?

- Chỉ những người lập ra nó mới biết chính xác chức năng, nhiệm vụ của ban cho phù hợp. Tôi chỉ có thể có ý kiến khi cái tên tự nó đã có vấn đề, và trường hợp này là như vậy. Tuy nhiên, dù là với tên Ban Đạo đức hay Ban Fair Play, thì thành phần mang tính xã hội của nó phải gồm những con người được tôn trọng trước hết về đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực mình làm. Chẳng hạn nếu một nhà báo “tường thuật” bằng việc tưởng tượng ra các tình huống cho một trận đấu bị lộn ngược tỷ số thì không có tư cách thích hợp để làm việc trong một ban như vậy.

* Dù sao đây chỉ là tư vấn thôi. Và chúng ta phải trân trọng những người làm việc mà không nhận thù lao?

- Một tổ chức hay cá nhân chỉ thật sự có trách nhiệm khi họ phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Tôi không tin vào mô hình có một cơ quan tham mưu, tư vấn để cho cơ quan khác ra quyết định. Cuối cùng chả cơ quan nào phải chịu trách nhiệm cả. Ông tư vấn sai thì nói rằng tôi chỉ tư vấn vậy thôi, chứ người quyết định là ông kia chứ! Ông quyết định thì nói rằng tôi quyết định sai vì ông kia tư vấn sai! Người quyết định phải là người chịu trách nhiệm, và tìm, tổ chức, sử dụng tư vấn như thế nào là việc của họ, chứ không phải bằng cách lập ra một ban độc lập có chức năng tư vấn.

Tôi chỉ biết có một lĩnh vực đòi hỏi có những người tư vấn chuyên nghiệp một cách phổ quát: tư vấn luật. Vì không một cá nhân bình thường nào có thể thông tỏ mọi văn bản pháp luật, nhưng bất kỳ ai cũng phải tuân thủ pháp luật, nên cần đến sự hỗ trợ của những chuyên gia về luật. Nhưng trong các xã hội hiện đại, đó lại là lĩnh vực được trả công cao.

Mọi hoạt động lao động không được trả công chỉ là những hoạt động thiện nguyện. Nhưng không ai đi ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ với những người lao động thiện nguyện cả, và đó cũng là vấn đề.

* Cảm ơn bạn đã có những góc nhìn trái chiều về đề tài này trong buổi cà phê hôm nay!


Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm