Đội tuyển Olympic Việt Nam: Ngoại lệ mang tên Công Phượng

16/03/2015 06:01 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Công Phượng có đang “ích kỷ" thì đó cũng là sự ích kỷ được HLV Toshiya Miura cho phép. Và sự ích kỷ ấy cũng là điều mà Olympic Việt Nam cần có.

Đã có khá nhiều ý kiến chỉ trích hướng về phía Công Phượng trong thời gian qua. Nhiều người cho rằng cầu thủ số 10 của Olympic Việt Nam đang chơi quá cá nhân, hay để mất bóng và ít phối hợp với đồng đội. Họ chỉ trích Công Phượng đang ích kỷ và làm ảnh hưởng tới lối chơi của Olympic Việt Nam.

Chinh phục được HLV Miura

Một cầu thủ như thế liệu có thể tồn tại được trong đội hình của HLV Miura? Có ngôi sao ích kỷ nào có khả năng chinh phục ông thầy khó tính, đủ sức từng bước chiếm suất đá chính và càng ra sân lại càng được thi đấu nhiều hơn?

Những sự thể hiện của Công Phượng rõ ràng đã đem tới nhiều khác biệt. Và mặc cho những thị phi đang bao trùm cầu thủ này, HLV Miura hẳn đã có những đánh giá chính xác về cậu học trò đặc biệt của mình.



Công Phượng (10) đang được trao nhiều cơ hội để thể hiện tốt nhất khả năng. Ảnh: Thanh Hà

Ông Miura đã luôn muốn xây dựng một lối chơi nhanh, giàu thể lực, đơn giản và ít chạm. Đó là nguyên tắc số một trong triết lý bóng đá của HLV người Nhật Bản từng được thể hiện ở đội tuyển quốc gia Việt Nam và Olympic Việt Nam tại ASIAD 17 Incheon 2014. Đó là lý do khiến ông thầy người Nhật không có nhiều cảm tính với những cầu thủ thích rê dắt.

Nhưng trong hệ thống chiến thuật của HLV Miura, ở mọi đội bóng, luôn tồn tại một cái tên như vậy. Đó là Mạc Hồng Quân ở Olympic Việt Nam và Văn Quyết ở đội tuyển Việt Nam. Trong hệ thống nhanh, mạnh và đơn giản của mình, HLV Toshiya Miura cần một sự khác biệt. Ông cần một cầu thủ biết đột phá, một cầu thủ có kỹ thuật, tốc độ và cả “sự ích kỷ” mỗi khi cần thiết.

Cầu thủ đó sẽ tạo ra sự đa dạng và đột biến cho lối chơi tấn công của đội. Anh ta là nét khác biệt trong phong cách chung. Đó là người có thể khiến hàng thủ đối phương phải bất ngờ, bối rối dẫn đến sụp đổ.

Mỗi đội bóng mạnh đều cần một cầu thủ như thế. Đó là thứ tư duy kinh điển của các HLV trên toàn thế giới chứ không chỉ của ông Miura. Như Sir Alex Ferguson với Cristiano Ronaldo trước kia, như Barcelona với Lionel Messi bây giờ.

Nhưng Công Phượng vẫn cần sự hỗ trợ

Chỉ trích Công Phượng ích kỷ vì thế là cách nhanh nhất để nói rằng bạn chẳng hiểu gì về bóng đá. Mỗi đội bóng đều có những ngôi sao tấn công riêng. Nhiệm vụ của HLV không phải là thay đổi lối chơi của ngôi sao mà phải nắn lối chơi ấy để nó mang lại lợi ích lớn nhất cho đội.

Trên phương diện này, HLV Miura đang làm rất tốt. Công Phượng ở Olympic Việt Nam đã rất khác với Công Phượng ở U19 Việt Nam. Phượng biết khi nào cầm đi bóng, thời điểm nào cần chuyền bóng. Anh lùi xuống nhiều hơn, tham gia vào lối chơi chung nhiều hơn. Mỗi khi đội bóng cần, Công Phượng luôn biết cách lên tiếng. Số lần chạm bóng của Công Phượng ở đội Olympic Việt Nam là không nhiề nhưng tính hiệu quả để lại là khá ấn tượng.

Không ai khác ngoài HLV Miura được quyền phát xét phong độ của Công Phượng. Và phán quyết của ông thầy người Nhật rõ ràng là tích cực. Bằng chứng là sau hai trận liên tiếp ngồi dự bị, Công Phượng đã được đá chính. Bằng chứng là số 10 đã chơi đủ cả 90 phút trước Uzbekistan.

Công Phượng vẫn được thoải mái đi bóng, thoải mái đột phá. Bất chấp rất nhiều những chỉ trích hướng về đội bóng, cá nhân Công Phượng vẫn được “đặc cách” để chơi bóng theo cách của mình. Như HLV Miura đã nói sau trận gặp U22 Uzbekistan: “Tôi không thích nhận xét riêng về một cầu thủ nào đó. Nhưng nếu phải nói, tôi thấy Phượng đã chơi tốt”.

Quy luật của bóng đá: Cầu thủ có số lần đột phá và qua người nhiều nhất sẽ là cầu thủ để mất bóng nhiều nhất. Messi hay Ronaldo, trong so sánh này, cũng không khác Công Phượng. Chỉ trích số 10 trong trường hợp này là thiếu công bằng bởi những lần mất bóng ấy là kết quả tất yếu từ lối chơi của anh đã được HLV trưởng chấp nhận. Nhiệm vụ phải thuộc về những người đồng đội ở phía sau, những người có trách nhiệm bọc lót và hỗ trợ Công Phượng. Ở khía cạnh này, Tuấn Anh đã làm rất tốt trong 45 phút hiệp hai trước U22 Uzbekistan.

Nếu Công Phượng có đang “ích kỷ”, đó là sự “ích kỷ” được cho phép bởi HLV Miura. Và đó cũng là sự ích kỷ mà Olympic Việt Nam cần có. Điều này không phải không có lý.

Từ TP.HCM di chuyển xuống Bình Dương vào buổi sáng, ngay chiều qua 15/3, đội tuyển Olympic Việt Nam đã ra sân tập luyện. Thanh Tùng tái phát chấn thương, Mạnh Hùng, Phước Thọ, Tấn Tài đau nhẹ nâng danh sách cầu thủ bị chấn thương của đội Olympic Việt Nam khiến số cầu thủ hiện còn “lành lặn của đội là 17 người (tính cả 2 thủ môn). Toàn đội chuẩn bị cho trận đấu tập với CLB Đồng Nai chiều mai 17/3 trước khi gút danh sách rồi mới lên đường sang Thái Lan thi đấu giao hữu.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm