Đoàn Nguyên Đức: Còn bao cấp, còn bấp bênh

09/08/2010 11:13 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Kinh nghiệm của ông Đoàn Nguyên Đức với HA.GL, để làm bóng đá chuyên nghiệp, phía sau mỗi CLB cần có một tập đoàn mẹ vững mạnh về tài chính. Một điều kiện nữa, CLB cần dứt khỏi sự ảnh hưởng của địa phương sở tại.

“Như bóng đá chuyên nghiệp ở mình hiện nay, thì chưa có gì là rõ ràng. Đã có những đội chuyển thành doanh nghiệp, nhưng nhiều CLB khác vẫn đang hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp nhận tiền đầu tư của tỉnh. Trong gian đoạn này, chưa có “ông” nào có thể làm ra lãi cả. Trong khi về lâu dài, bóng đá cần phải tách riêng mới phát triển được”-ông Đức cho biết.

HAGL và ĐTLA là 2 trong số các CLB tiên phong
về chuyên nghiệp hóa – Ảnh:Quang Nhựt

*Nhưng thưa ông, thậm chí một CLB tiên phong trong xu hướng doanh nghiệp hóa các đội bóng như HA.GL, thời điểm hiện tại cũng chưa có thể nói đã tạo ra tiền, “sống” được nhờ tiền từ bóng đá?

-HA.GL có thể không trực tiếp tạo ra tiền. Nhưng tạo ra tiền có nhiều cách. Mỗi đơn vị lại có một cách khác nhau. Không chỉ tiền bán vé, tiền quảng cáo trên ngực áo, bán áo đấu…mới là kiếm tiền từ bóng đá. Một CLB còn có thể kiếm tiền từ nhiều nguồn khác nhau. Tôi nói ví dụ, đầu tư bất động sản, môi giới cầu thủ…chẳng hạn. Đấy đều là những cách HA.GL tạo ra tiền. Có thể hiện nay, nguồn thu từ các khoản trên còn chưa đủ, nhưng về lâu dài, HA.GL đang phát triển theo hướng này. Trong tương lai chúng tôi sẽ kiếm được tiền từ chuyển nhượng cầu thủ trẻ, xây dựng sân golf. Với các CLB nước ngoài, thậm chí người ta còn mở cửa hiệu shopping ở trong sân vận động để kinh doanh. Muốn sinh lãi đâu cứ phải 100% từ bóng đá.

*Ở HA.GL, đội bóng vẫn nhận tiền “rót” xuống từ tập đoàn mẹ?

-HA.GL chỉ có vốn điều lệ ban đầu là 110 tỷ đồng. Số tiền trên, CLB đầu tư vào các công ty con và hàng năm đều được chia lãi về. Khoảng 30 tỷ/năm. Cộng với các khoản khác, như tiền bán vé, áo đấu, quảng cáo…đã nói ở trên, mỗi năm HA.GL cũng có cỡ 50 tỷ đồng. Không có chuyện tiền rót từ tập đoàn mẹ đâu.

*Có một thực tế ở VN hiện nay, là nhiều CLB gắn mác chuyên nghiệp, nhưng nếu so với các đội bóng bán chuyên khác, thực ra chỉ khác nhau ở con dấu. Lấy ví dụ như trường hợp của Nam Định, có sự thay đổi nào về chất nếu tới đây Nam Định tiến hành cổ phần hóa?

- Theo tôi không chỉ Nam Định mà các CLB khác đều vậy, phải tìm được 1 đối tác mạnh tham gia cổ phần chi phối, để tỉnh không thể can thiệp, thì mới làm được. Như HA.GL của tôi chẳng hạn, tỉnh không thể can thiệp nổi. Chừng nào tỉnh vẫn phải “rót” tiền cho CLB, chừng đó tỉnh vẫn có tiếng nói, và các doanh nghiệp cũng khó “nhảy” vào.

*Hỏi riêng một chút về HA.GL, mỗi mùa ông chi hết bao nhiêu cho đội bóng? Nhiều người cho rằng, HA.GL sau khi vô địch 2 lần, thương hiệu đã vững, giờ “bầu” Đức đã hết “khát” danh hiệu rồi?

-Nói đúng ra là vẫn “khát”, nhưng mà không được như trước thôi. Giờ ưu tiên của HA.GL là tập trung cho đội trẻ. Nhưng tôi vẫn đầu tư bổ sung lực lượng cho đội lớn đấy chứ. Quân HA.GL tôi thấy đâu có yếu, nhưng thắng thua, hay vô địch do nhiều yếu tố lắm. Hoặc cũng do cái “vận” thế, nhiều trận chúng tôi thua lãng nhách. Với lại, cũng phải nói thật, đúng là tôi không còn nhiều thời gian tập trung cho đội lớn như trước. Công việc bận túi bụi, hết Thái Lan lại Lào…Mùa này tôi mới theo dõi đội thi đấu đúng 2 trận. Trước là 100%.

*Trở lại với câu chuyện cổ phần hóa ở trên, có thể hiểu theo ý ông để chuyên nghiệp hóa được, CLB cần tách riêng, độc lập về tài chính với địa phương?

-Phải thế! Chừng nào còn gắn với nhà nước, thì còn bấp bênh lắm. Làm bóng đá chuyên nghiệp ở mình rất khó chứ không dễ. Nếu chỉ gắn với công ty con thì không ổn. Chơi bóng bây giờ cần phải nhiều tiền. Ít tiền là không xong. Như ĐT.LA hay HN.ACB, phía sau họ đều là những công ty rất lớn.

+Xin cảm ơn ông!

Vĩnh Xuân


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm