Đằng sau những giọt nước mắt của trung vệ Thanh Hào

28/09/2015 10:44 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Dương Thanh Hào đã khóc ngất khi chứng kiến chấn thương quá nặng do mình gây ra với Abass trên sân Gò Đậu. Nhìn những giọt nước mắt của Hào, mọi người tin anh thực sự hối hận. Nhưng…

Đừng khóc cho Thanh Hào

Xem đi xem lại pha phạm lỗi từ phía sau của Dương Thanh Hào với Abass, vẫn thấy Hào quá đáng trách! Anh hoàn toàn đủ thời gian để có thể ý thức tránh được một pha vào bóng nguy hiểm cho đồng nghiệp. Thời gian vẫn đủ để Hào tính toán phương án xử lý,  không ít như trường hợp của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa, nhưng Thanh Hào đã xoạc thẳng hai chân từ phía sau, cú xoạc như thế cắt kéo, hai cái chân của Hào rất có nghề, làm người ta liên tưởng đến một võ sỹ hơn là một cầu thủ.

Nói chuyện sử dụng “võ vẽ” trong bóng đá, việc cầu thủ ta ngấm ngầm luyện các ngón đòn “độc chiêu” để bảo vệ mình, triệt hạ đối thủ, để đánh chiếm thành tích, như một phản xạ có điều kiện từ ngày nhập môn, đến khi ra đời.

Khi hậu quả đã xảy ra, nước mắt hoen mi, nói lời hối hận, chăm sóc ân cần, đền bù,… không thể xóa được nỗi đau và di chứng.


Chấn thương nặng là cú sốc quá lớn với Abass và cả người gây ra lỗi, trung vệ Thanh Hào. Ảnh: Tuân Phạm


Và nhất trước khi xảy ra sự cố trên sân Gò Đậu, có tấm gương, bài học cùng những giọt nước mắt của Quế Ngọc Hải gây chấn thương cho Anh Khoa, vẫn đang tày liếp trước mắt các cầu thủ. Dương Thanh Hào cũng vừa được HLV Miura điền tên lần này.

Hãy khóc cho V-League, cho nền bóng đá!

Người ta bảo bóng đá là môn thể thao của đàn ông, nhưng bóng đá cũng có cái “đạo” của nó: Tinh thần cao đẹp, fair - play, cùng nhiều sứ mệnh vô cùng cao cả! Những giọt nước mắt đàn ông trong bóng đá, nó chỉ đẹp khi mang tính nhân văn, kể cả nước mắt của những kẻ chiến bại vẫn đẹp.

Bóng đá cũng không chỉ gói gọn trên sân, trong một trận đấu, mà những người tham gia bóng đá phải biết khóc thật lòng, làm cho tha nhân khóc vì những nghĩa cử cao đẹp ngoài sân cỏ. Những hoạt động mang tính nhân văn, vì cộng đồng, vì đồng nghiệp gặp bi đát chẳng hạn, cầu thủ, quan chức, HLV chúng ta thể hiện được nhiều chưa, nếu không nói là khá vô cảm?

Đã bao giờ họ đền đáp xứng đáng tấm chân tình của người hâm mộ cả nước chưa? thay vào đó cơ bản là những “trận khóc” vì thất bại, vì thất vọng. Trong khi, bóng đá mang lại cho những người đang hoạt động môn thể thao vua là rất nhiều giá trị.

Người viết nhớ mãi hình ảnh Tấn Tài khóc ngất trong tay HLV Calisto, vị quan chức VFF khóc “bù lu, bù loa” trong khi mặt Công Vinh dại đi, không khóc nổi vì sung sướng vào đêm ĐTVN vô địch AFF Cup 2008. Đấy là lần duy nhất người hâm mộ Việt Nam được thỏa chí mà khóc, hạnh phúc bóng đá mang lại.

Từ đó đến nay không còn được khóc với tâm trạng đó nữa.

V-League 2015 được đánh giá một trong những mùa giải tệ nhất sau 15 năm phát triển. Đến trận đấu được coi cuối cùng, người hâm mộ cũng không được  buông tha với hình ảnh cú ra chân nghiệt ngã của Dương Thanh Hào. Ông Trưởng Ban Kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường tưởng đã hết việc, nhưng vẫn chưa thể “thất nghiệp”.

Thực ra, cần chia sẻ với áp lực của ban ông Hường, khi tất cả trách nhiệm về luật bị tống cả về ban ông. Có thể Ban Kỷ luật làm… trái luật dân sự khi bắt Quế Ngọc Hải (và có thể Thanh Hào) phải đền tiền Anh Khoa, Abass, nhưng thử hỏi trong một giải đấu còn nhiều “luật rừng”, thì việc “vẽ” vào quy định kỷ luật một điều khoản bắt đương sự phải đền tiền, như phương thức răn đe khả dĩ nhất ngăn ngừa bạo lực, có nên bị nhìn nhận khắt khe quá không?

Trong khi đó, việc hành pháp quá đơn độc. Ngày xưa, vai trò của ông Trưởng giải vô cùng đậm đặc. Đến mức, ông Ngô Tử Hà bị giang hồ đe dọa vì xử lý tiêu cực nặng tay, ông Trần Duy Ly ước ao một ngày có 48 tiếng để tham gia giải quyết các vướng mắc ở V-League.

Còn như ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng giải nhưng vẫn cứ nhàn nhạt, thiếu chính kiến, chưa cho thấy bản lĩnh, sự khác biệt, nên nhiều người bảo Trưởng giải như thế ai làm mà chẳng được, cũng có lý.

Và chúng ta hẳn cũng không thể quên hình ảnh cầu thủ ngoại của Đồng Nai - tiền đạo Nsi khóc như mưa hôm để thua HAGL trận “chung kết ngược” sân nhà, trong lúc cầu thủ nội thì "bình thường" với việc xuống hạng.

Nền bóng đá chỉ mạnh lên, khi những người đang hoạt động bóng đá phải ứng xử với nhau thực sự như những người đàn ông. Phải rơi nước mắt một cách chân thành, phải yêu quý đôi chân đồng nghiệp như chân mình. Bạn đã thấy lãnh đạo VFF ứng xử “đàn ông” chưa, để trách cầu thủ ứng xử còn có phần nữ tính?

Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm