Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: ‘Chúng ta chỉ đang bắt chước bóng đá chuyên nghiệp’

28/02/2016 10:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không còn là thành viên Ban kỷ luật VFF, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương vẫn là cái tên đáng nhớ, qua lần đưa bóng đá vào…nghị trường cách đây 2 năm, khi ông đề nghị xem lại mức đầu tư cho bóng đá nam.

Một cuộc trao đổi ngắn được được Thể thao&Văn hóa thực hiện với ông.

*Khi ấy, ông nói đại ý rằng chúng ta nên tập trung cho bóng đá nữ. Bởi, đầu tư nhỏ giọt, bóng đá nữ Việt Nam trong năm 2014 vẫn đến rất gần giấc mơ World Cup – trong khi bóng đá nam thì không biết phải thêm mấy trăm năm. Bây giờ, sau 2 năm, nhận xét ấy có nên thay đổi không?

- Nhận xét cũ của tôi là một sự  so sánh vui. Đó không chỉ là chuyện đầu tư, mà còn là sự quan tâm của Nhà nước, của xã hội. Bóng đá nữ có quá ít những điều ấy, nhưng lại đạt được thành tích khá nhiều, trong khi bóng đá nam thì ngược lại.

Nhưng, thực tế từ so sánh vui ấy cũng là một băn khoăn. Đặc thù của thể thao là các chỉ số về thành tích. Thẳng thắn, bóng đá nam gần như không có thành tích gì đáng kể trong vài năm qua. Mà để có thành tích, chúng ta không thể chỉ đầu tư và hô hào là đủ. Cũng không thể chỉ chờ HLV giỏi và cầu thủ giỏi là đủ.

Như cuộc tranh luận về HLV của bóng đá Việt Nam trong mấy năm qua chẳng hạn. Đó là một vòng luẩn quẩn. Với chúng ta, không phải cứ HLV ngoại là chắc chắn tốt hơn HLV nội. Câu chuyện  còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm, mà trước hết là đủ thứ áp lực khác nhau mà chúng ta đặt lên người ngồi vào vị trí ấy.


Tại sao bóng đá nữ ít được quan tâm hơn lại có thành tích cao hơn bóng đá nam chỉ là chuyện ngẫu nhiên?

Bóng đá , về bản chất, cũng không bao giờ là câu chuyện của một môn thể thao đơn thuần, mà là một vấn đề xã hội thật sự. Chúng ta đang nói tới việc chuyên nghiệp hóa bóng đá, nhưng đa phần vẫn chỉ dừng lại ở hô hào. Về thực lực, cá nhân tôi cho rằng mình chưa thật sự bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp đâu, mà chỉ đang cố gắng bắt chước theo.

* Vậy theo ông, những nút thắt cho bóng đá Việt Nam nên được tháo gỡ từ đâu? Từ một cuộc đại phẫu, như cách mà dư luận liên tục nhắc tới chăng?

- Tôi nghĩ, đại phẫu cũng chỉ là một cách nói mang tính hình thức mà thiếu phần thực chất. Còn lại, đó là hàng loạt vấn đề về chiến lược tổng thể, về mức độ đầu tư, về cách thực hiện sao cho đến đầu đến đũa.

Những gì trực tiếp liên quan tới bóng đá xin để các nhà chuyên môn mổ xẻ. Ở phạm vi rộng, tôi chỉ xin ví dụ về thể thao học đường  - nền tảng quan trọng với bất cứ môn thể thao nào. Rất ít trường học hiện có thể tổ chức các hoạt động thể thao một cách quy củ để tạo thành phong trào, từ đó tuyển chọn những nhân tố tích cực để bồi dưỡng lên mức cao hơn.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: 'Bóng đá Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện'

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải: 'Bóng đá Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện'

Thừa nhận việc HLV Nguyễn Hữu Thắng đảm nhận vai trò HLV trưởng ĐTVN là thông tin tốt lành đầu năm mới Bính Thân 2016, nhưng chuyên gia Vũ Mạnh Hải vẫn cho rằng để đi đúng hướng bóng đá Việt Nam cần thêm một cuộc cách mạng mạnh mẽ...


Hoạt động chính khóa ở các trường bây giờ chủ yếu vẫn là thể dục, còn thể thao thiên về các hoạt động ngoài giờ. Và các hoạt động ngoài giờ ấy đa phần không đi tới đâu cả. Như trường hợp cháu nhà tôi chẳng hạn. Cháu tan học vào lúc 4 giờ chiều, gia đình đóng tiền đăng ký cho cháu tham gia một số hoạt động thể thao theo hình thức “câu giờ”, nghĩa là để cháu vận động một chút cho đến giờ bố mẹ qua trường đón (cười).    Không chỉ ở thành phố, mà các trường học ở nông thôn - vốn là nơi sẵn có mặt bằng rộng - cũng gặp tình trạng này.

Rồi, nhiều trường học hiện nay có khu vực tạm gọi là “nhà thể chất”. Nhưng, cũng rất nhiều trong số đó là những khu vực lộn xộn với mấy món đồ thể thao, để học sinh chen chúc nhau, và tất nhiên không tính tới những quy chuẩn theo kiểu bóng đá cần mặt sân thế nào, bóng chuyền cần phương tiện, dụng cụ ra sao. Và nếu nhắc tới những quy chuẩn lẽ ra phải có khi kiểm định giáo dục, thì chúng ta lại bắt gặp ngay một thực tế rằng rất nhiều học sinh cấp 2 hiện nay vẫn phải dùng bàn ghế của học sinh tiểu học, chứ chưa nói tới chuyện về khu thể chất (cười)

Chắc nhiều người sẽ nói tới vấn đề kinh phí đầu tư. Đúng, đó là một hạn chế trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp. Nhưng, cũng đừng đổ hết lỗi cho nó, bởi anh vẫn có thể triển khai mọi thứ một cách có trách nhiệm, có quy củ về tổ chức, trong những điều kiện ít ỏi của mình.

*Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ông Nguyễn Sỹ Cương từng có thời gian tham gia với Bóng đá Việt Nam khi ông là thành viên của Ban Kỷ luật. Đây là giai đoạn mà Liên đoàn BĐVN đã quy tụ được khá nhiều "nhân sĩ, trí thức" trong xã hội tham gia ở các mức độ khác nhau.


 Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm