Đã xuất hiện những 'hung thần sân cỏ'

04/02/2015 06:27 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Sau vài vòng đấu tương đối thích mắt, một số “hung thần sân cỏ” đã làm nóng V-League, mà sốc nhất là hình ảnh Văn Nhiên gãy xương bả vai trên sân Chi Lăng.

5 vòng đầu tiên của mùa giải 2015 trôi qua trong sự khấp khởi vui mừng của BTC, trọng tài và cả người hâm mộ. Có thể thấy được, cảm nhận được một luồng sinh khí mới từ các CLB trong cách làm bóng đá tử tế.

Nguồn cảm hứng bóng đá đẹp, bóng đá tử tế khởi nguồn từ lứa cầu thủ trẻ HA.GL là một phần nguyên nhân, phần khác có lẽ cũng từ nhận thức của nhiều cầu thủ rằng đến lúc cần phải bớt chơi bóng đá xấu xí.

Xem những đối thủ đá 3 trận đầu với HA.GL, giới quan sát không khỏi phấn khởi bởi nhìn chung họ đã ý thức chút đỉnh được thứ bóng đá đẹp, cống hiến, tránh bạo lực, nhất là truyền hình soi rất kỹ những tình huống vào bóng thô bạo.

Tất nhiên đâu đó vẫn còn nhiều những pha vào bóng quá mức quyết liệt, mà trận HA.GL gặp Thanh Hóa với 6 thẻ vàng được rút ra đã làm người hâm mộ ngờ ngợ một điều gì đó bất thường mà các đội sẽ “dành tặng” cho những đứa trẻ nhà bầu Đức, tiên liệu căn bệnh bạo lực sân cỏ sẽ tái phát nhanh hơn người ta tưởng.

Đến vòng 6, V-League 2015 đã lập kỷ lục buồn với tổng cộng 41 thẻ phạt đã được các trọng tài rút ra. Trong số đó, có đến 5 thẻ đỏ. Con số thống kê này là minh chứng rõ ràng nhất cho nạn bạo lực đang có chiều hướng leo thang.  

Những cái đầu nóng dần lên không ngoài lý do cơ bản, áp lực chiến thắng, áp lực thành tích và áp lực những cái ghế đang rung chuyển, đến trạng thái thi đấu của cầu thủ. Khi lâm vào thế khó, hay nói chính xác hơn là khi áp lực đè nặng, căn bệnh chơi bóng xấu xí bắt đầu phơi bày.

Căn bệnh thành tích ở thể thao Việt Nam không chỉ có bóng đá mắc phải. Khi một số đội bóng bết bát thành tích, ghế HLV trưởng lung lay và chịu áp lực từ ông bầu thì khó lòng cầu thủ của họ biết tôn trọng đôi chân đối thủ. Thế là áp lực thành tích đã thúc đẩy bạo lực bùng phát, như một lẽ tất yếu.

Vậy làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất nạn bạo lực sân cỏ ở V-League? Phạt nóng, phạt nguội đều đã được Ban kỷ luật VFF áp dụng bấy lâu nay.

Nhân nói chuyện phạt nguội, đây là cách thức có tính răn đe cao và được nhiều giải bóng đá phát triển trên thế giới áp dụng, rất hiệu quả. Đồng thời phạt nguội cũng mang về một khoản “thu nhập” không nhỏ cho BTC.

Với bóng đá Việt Nam, năm nào cũng có những án phạt nguội và độ nặng của án đã được nâng lên đáng kể. Đình Đồng của SLNA bị treo giò hết năm 2014 và nộp phạt 20 triệu đồng vì đạp gãy chân cầu thủ Nguyễn Anh Hùng (An Giang) là ví dụ. Nhưng xem ra, án "điểm" có tính răn đe như Đình Đồng rất hiếm.

Không bao giờ là muộn nếu lúc này VFF tuyên chiến với bạo lực sân. Cụ thể, người làm luật (Ban Kỷ luật) phải chuẩn, phải rắn, vừa đảm bảo tính giáo dục vừa đủ sức răn đe.

Kế đó, bản thân các đội bóng cần làm tốt công tác giáo dục cầu thủ của họ trong việc tôn trọng đôi chân đối thủ, tôn trọng khán giả, cũng là tôn trọng chính mình. Chưa dám nói đến chuyện yêu cầu các đội bóng phải đá đẹp, cống hiến nhưng chắc chắn BTC có quyền buộc họ phải đá đúng. Và hơn hết, đội ngũ trọng tài cần phải mạnh tay thổi phạt, đừng dung túng cho bạo lực. Cũng đã từng có ý tưởng cầu thủ nào khiến đồng nghiệp phải vào nhà thương, thì tất cả chi phí sẽ phải chịu một phần lớn.

Chúng ta đều biết đây là mùa giải mang đến nhiều tín hiệu vui khi một số đội bóng chủ trương trẻ hóa lực lượng, hướng đến thứ bóng đá đẹp, cống hiến. Thế nên, VFF cần phải quyết liệt chống bạo lực, bất chấp mọi áp lực, nếu không muốn làm hỏng một thế cầu thủ trẻ đang có tên trong danh sách các CLB hiện nay.

Phạm Tâm
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm