Cựu tuyển thủ Minh Chiến: 'Công Phượng là tài năng nhưng cần được chỉ dạy'

03/04/2015 12:29 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đánh giá Công Phượng là một tài năng nhưng cựu danh thủ Trần Minh Chiến cho rằng các cầu thủ trẻ của lứa HAGL cần được chỉ dạy để biết cái nào sai, cái nào đúng.

“Là cầu thủ trẻ hãy nỗ lực hết mình khi có cơ hội. Sự nghiệp cầu thủ có đôi khi ngắn lắm, như trường hợp của tôi chẳng hạn. Phải dùng từ sự nghiệp, bởi đá bóng bây giờ đã được ý thức như một nghề nghiêm túc, đủ nuôi sống bản thân và gia đình, thế nên phải biết trân quý.

Chúng ta hãy chạy lại với nhau, thay vì bắt người khác chạy về phía mình. Cuộc sống ý nghĩa hơn khi có sự chia sẻ”, một chút đăm chiêu, HLV Trần Minh Chiến trải lòng về nghề, về đời vớiThể thao & Văn hoá Cuối tuần.

Sự nghiệp thi đấu của Trần Minh Chiến kết thúc khá chóng vánh bởi những ca chấn thương, nhưng vẫn kịp để lại những ký ức đẹp. Tiền đạo với ngón “ngả bàn đèn” trong khu vực cấm địa đối phương và đặc biệt là bàn thắng Vàng đưa đội tuyển Việt Nam lần đầu vào chung kết SEA Games 1995 đã chuyển qua công tác huấn luyện sớm hơn đồng đội là vì thế.

Tính đến nay, cũng ngót nghét 20 năm, anh làm nghề gõ đầu trẻ. Phải, toàn là với bóng đá trẻ, từ U21 Công an TP.HCM trước đây đến các tuyến trẻ ở PVF bây giờ.



Tham gia chương trình Đội tuyển tôi yêu cùng HLV Miura

“Đừng quá lo lắng khi người trẻ vấp ngã”

Anh lên đội 1 Công an TP.HCM từ rất sớm, tỏa sáng cũng rất sớm, nhưng sự nghiệp lại "yểu" vì chấn thương, hẳn anh đã rất tiếc nuối?

- Đó là một sự tình cờ thôi (cười)! Năm tôi học lớp 6 (12 tuổi, sinh năm 1974 – PV), tôi hay đi chơi với anh ruột mình là Minh Trung tại Trường Năng khiếu Phú Nhuận (TP.HCM). Trong năm đó, sân Hoa Lư có tổ chức thi tuyển đầu vào lớp Năng khiếu thành phố (mỗi quận cử ra 4 VĐV). Tôi giành hạng 3 giải toàn năng (xếp sau Ngọc Linh và Liêm Thanh).

13 tuổi, tôi tập cùng các anh lớn hơn mình 2 tuổi ở đội dự bị tập trung, sang năm 14 tuổi thì được vào trường Năng khiếu nghiệp vụ khoá 5. Bốn năm tập luyện và thi đấu, tôi “ra trường” và về khoác áo Công an TP.HCM. Tại đội 1 Công an TP.HCM, tôi may mắn được tập luyện và thi đấu cùng rất nhiều các đàn anh có chuyên môn tốt. Họ dạy tôi rất nhiều về mặt kỹ năng chơi bóng.

Sự thật là, tôi khó thể tiến bộ rồi toả sáng nếu không được chơi cạnh những Huỳnh Đức, Liêm Thanh, Chu Văn Mùi… Lên đội tuyển thì có Hồng Sơn, Quốc Cường… Thế nhưng, sự nghiệp bóng đá của tôi bất ngờ kết thúc, vì chấn thương. Thật tình mà nói thì vào thời điểm đó vấn đề y học thể thao và trị liệu hồi phục còn rất kém, nên việc chữa trị không đến nơi đến chốn và hậu quả là vết thương càng ngày càng nặng hơn.

Thời của anh, cầu thủ đá bóng phần nhiều thỏa đam mê, còn vấn đề thu nhập thì sao? Bóng đá TP.HCM với Công an, Cảng và Hải quan, từng phủ kín khán đài sân Thống Nhất trong các trận đấu, giờ quả cám cảnh?

- Kể cũng khó so sánh. Vào thời điểm chúng tôi chơi bóng với sự cổ vũ, hy sinh của gia đình, người thân có ý nghĩa quan trọng. Trong các trận đấu ở sân Thống Nhất, không chỉ gia đình, họ hàng mà có khi cả xóm, cả phường, nơi mà chúng tôi sống, kéo đến cổ vũ. Có cả những cô gái tuổi ô mai xem mình là thần tượng trong lòng và một trong số đó là bà xã của tôi bây giờ (cười).



Cùng HLV Weigang

Họ đứng cạnh đội bóng, cầu thủ để động viên, an ủi lúc khó khăn. Yếu tố kinh tế hay tiền bạc vì thế ít được tính tới, ngay cả gia đình gần như không yêu cầu chúng tôi có nghĩa vụ đóng góp. Cứ đá bóng hay, để người thân nở mày nở mặt là được, người hâm mộ yêu mến là được. Mà tuổi trẻ có gì hơn ngoài khát vọng cống hiến, thể hiện mình cơ chứ?!

Tiếc rằng, ngày vui qua mau. Vì nhiều lý do khách và chủ quan, bóng đá TP.HCM đi xuống một cách có hệ thống. Mỗi lần có dịp trở lại sân Thống Nhất, tôi vẫn nghe từ ký ức, tiếng xào xạt, âm vang cổ động của ngày xưa. Buồn và tiếc nuối lắm chứ!

Nếu so với Minh Chiến, thì ngay lúc này, việc Công Phượng, Tuấn Anh…, khi lên tuyển cũng không phải là quá trẻ. Song, có cảm giác như bây giờ, người trẻ được cưng chiều, nâng niu hơi thái quá. Anh có e ngại không?

- Trước và sau khi được gọi triệu tập ĐTQG, ở tuổi đôi mươi, tôi đã là nhà vô địch quốc gia (tương đương V-League bây giờ), thậm chí còn giành cả một vài danh hiệu cá nhân như “Vua phá lưới” hay “Cầu thủ xuất sắc nhất”. Tức là về cơ bản, tôi có đủ hành trang để bước ra đấu trường lớn, cùng các đồng nghiệp – đồng đội lớn hơn cả về tuổi đời và tuổi nghề.

Nhiều người vẫn nhắc tới bàn thắng vàng tôi ghi vào lưới Myanmar ở Chiang Mai (Thái Lan), giúp Việt Nam lần đầu tiên giành vé vào chơi chung kết một kỳ SEA Games. Nó không phải một cú ra chân cầu may. Sự thật là tôi đã tập luyện, đã rèn giũa các kỹ năng của mình suốt thời gian dài và đó không phải lần đầu tôi ghi bàn bằng động tác “ngả bàn đèn”.

Công Phượng dù chỉ mới chơi đỉnh cao không lâu, nhưng cậu ấy là một tài năng, được đào tạo và trưởng thành trong môi trường lý tưởng. Mặc dù vậy, để phát huy hết tài năng của em cũng như lứa U19 Việt Nam vừa qua, thì những người xung quanh em cần phải chỉ dạy cho các em nên nhận thức được cái nào sai và cái nào đúng, nên làm gì và không nên làm gì để tránh bị những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống làm hư.



Công Phượng cần có thêm thời gian để trưởng thành. Ảnh: Thanh Hà

Bây giờ, anh có cảm giác như việc lên đội tuyển trở nên dễ dàng hơn?

- Tôi thì lại nghĩ khác! Vì đòi hỏi của bóng đá hiện đại lúc này là rất khắc nghiệt, đặc biệt là vấn đề thể lực và sự toàn diện trong công, thủ. Yếu tố khoa học thể thao cũng được đưa vào bóng đá nhiều hơn, cùng với sự nâng cấp về chiến thuật, cầu thủ được phục vụ, nhưng cũng phải đáp ứng được yêu cầu. Đấy là chưa nói về phông văn hoá trong ứng xử cuộc sống.

Dưới thời HLV Miura, các ĐTQG đã có sự tiến bộ rõ rệt về thể lực và yếu tố tâm lý. Cầu thủ trẻ Việt Nam có thể tự tin phô diễn trước các đối thủ to cao và điều quan trọng, chúng ta không ngại đọ với họ về thể lực, điều hiếm thấy ở thế hệ của chúng tôi.

Tuy nhiên, sự ưu ái thái quá của một bộ phận truyền thông ở thời buổi công nghệ, mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, là một thách thức lớn với những Công Phượng và lứa cầu thủ trẻ Việt Nam. Họ phải chịu những áp lực lớn hơn từ nhiều phía, nên đôi khi, khó thể tập trung toàn lực để chơi bóng.

“Phải yêu trẻ mới “làm” trẻ được”

Đã có đủ những giai thoại về Trần Minh Chiến, song dường như cá tính mạnh và sự cương trực không phải lúc nào cũng tốt, thậm chí có đôi khi còn cản trở chính anh?

- Như tôi đã nói, hãy để người trẻ mắc sai lầm, bởi chỉ từ những va đập, họ mới phát triển, tiến bộ và trưởng thành. Thời trẻ, tôi khá ngông cuồng, cũng từng bị kỷ luật nội bộ, nhưng tôi không hề hối tiếc với tất cả những gì đã xảy ra. Khi Quỹ đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) được thành lập, tôi là một trong những người đầu tiên được giới thiệu về đây làm.

Được làm đúng chuyên môn của mình, lại trong một môi trường khá lý tưởng, tôi vận động thêm rất nhiều anh em về cùng phát triển PVF lớn mạnh như bây giờ. Trong công việc, những va chạm, mâu thuẫn sẽ nảy sinh, nhưng chúng tôi luôn trân trọng cái nghề mình đang làm, cũng như tôn trọng nhau, cùng hướng tới điều tốt đẹp.

PVF như một cái phao, khi tạo được công ăn việc làm cho mấy chục HLV mà nếu bỏ ra bây giờ, rất dễ rơi vào cảnh thất nghiệp vì cuộc khủng hoảng thừa trong cabin Ban huấn luyện các đội bóng. Nhưng, làm bóng đá trẻ có những cái rất khó, nếu không vì cái tâm, mà chỉ lăm lăm quyền lợi, cũng như toan tính, là cực kỳ nguy hiểm.



HLV Trần Minh Chiến và gia đình nhỏ của mình

Cảm giác như thần tượng trong làng bóng đá ngày càng vắng và cũng không còn những lằn ranh “nước sông không phạm nước giếng” như Công an TP.HCM và Cảng Sài Gòn. Và câu chuyện bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẻ như đang trở về với vạch xuất phát, thưa anh?

- Ngày đó, Công an TP.HCM và Cảng Sài Gòn là những thương hiệu cỡ bự của bóng đá TP.HCM nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Một thời gian, báo chí còn đề cập thứ “quyền lực đen” tồn tại trong lòng đội bóng Công an TP.HCM nữa, hòng làm giảm hoặc triệt tiêu sức mạnh của đội bóng, chứ hoàn toàn không mang tính xây dựng.

Bóng đá Việt Nam đã tiến lên chuyên nghiệp chừng 15 năm, nhưng vẫn còn quá nhiều bất cập, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đầu ra, năng lực chinh phục của các ĐTQG. Hệ thống đào tạo trẻ ít được quan tâm, khiến nền bóng đá luôn chịu cuộc khủng hoảng thiếu, tính cạnh tranh cũng giảm.

Tôi cho rằng, định hướng phát triển, nâng cao thể trạng, tầm vóc người Việt Nam có ý nghĩa quyết định, để nâng cấp nền bóng đá. Chúng ta vẫn phải gồng mình để chiến đấu với các đối thủ cao to, trong một hai trận đấu thì được, nhưng về lâu dài là không ổn. Bóng đá là môn thể thao nặng tính đối kháng, nên kẻ yếu thế thường phải chịu thiệt thòi.

Khi những Minh Chiến, Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Văn Sỹ… tung hoành sân cỏ, thì những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… thậm chí còn chưa lọt lòng, thú vị nhỉ?

- "Sóng sau đè sóng trước" là chuyện tất-lẽ-dĩ-ngẫu thôi và nhân tài thì thời nào chẳng có. Hồng Sơn vốn dĩ đã là một nhà ảo thuật với quả bóng rồi, có thể bằng cả Công Phượng, Tuấn Anh cộng lại; Huỳnh Đức là một trung phong kiểu mẫu, sải chân dài, tì đè tốt và dứt điểm tuyệt vời... Còn mẫu tiền đạo như tôi, nhanh trong xuất phát đoạn ngắn, lởn vởn trong khu vực cấm địa của đối thủ để đón lõng, đưa bóng vào lưới, thì nhiều vô kể (cười).

Chia sẻ với anh, bên cạnh công tác huấn luyện, thi thoảng tôi vẫn tham gia các talk-show về bóng đá trên truyền hình, chỉ để người hâm mộ không quên mình (lại cười), lại tích luỹ thêm được vốn sống. Đừng vội hoan hỉ, bởi cuộc sống, bằng với thời gian, ai cũng có thể bị lãng quên.

Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Trần Minh Chiến sinh ngày 20/7/1974 trong một gia đình có truyền thống bóng đá thể thao. Cha anh vốn là một HLV bóng chuyền, anh trai ruột Trần Minh Huy từng là tiền đạo số 1 đội Hải Quan và tuyển TP.HCM vào thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước. Trên Minh Chiến còn có Minh Trung (từng đá cho Hải Quan), rồi cậu em út Minh Thắng có thời gian chơi cho Quân khu 7.

Năm 1991, sau khi ra trường, Minh Chiến chuyển về thi đấu cho đội Công an TP.HCM. Năm 1993, anh cùng đội Công an TP.HCM đoạt ngôi Á quân giải vô địch quốc gia. 20 tuổi, anh có chức vô địch quốc gia, đồng thời giành luôn các danh hiệu Vua phá lưới với 14 bàn thắng và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải. Minh Chiến trở thành thần tượng của những cô gái trẻ và cả minh tinh màn bạc.


Tùy Phong (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm