Công Phượng ký hợp đồng với Mito Hollyhock: Đừng áp lực với 'giấc mơ con'

25/12/2015 06:20 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với nhiều người và cá nhân bầu Đức tự hào rằng việc xuất khẩu cầu thủ sang nền bóng đá hàng đầu châu lục là “cuộc cách mạng lịch sử của bóng đá Việt Nam”, nhưng Công Phượng cũng nên nhắn nhủ bản thân “Tôi ơi! Đừng sợ” khi chơi bóng ở xứ người.

Ông Numata Kunio, Chủ tịch CLB Mito HollyHock, cho biết: “Mito HollyHock được thành lập hơn 21 năm, là một trong 52 đội bóng của Nhật Bản và đang thi đấu tại giải hạng 2. Kết thúc mùa giải 2015 với vị trí 19 trên 22 đội, CLB hy vọng sự góp mặt của tiền đạo Công Phượng, Mito HollyHock sẽ hướng đến một vị trí trong top 9 CLB mạnh nhất giải”.

Xét về truyền thống, Mito HollyHock không phải là đội bóng tên tuổi của Nhật Bản. Điều người dân xứ sở này tự hào bậc nhất là bầu không khí trong lành với công viên Kairakuen lớn thứ 2 thế giới (sau công viên Trung tâm ở New York - Mỹ).

CLB được gần 3 triệu người dân tỉnh Ibaraki quan tâm nhất là Kashima Antlers, đội bóng cán đích hạng 5 J-League 1 và vô địch Cúp QG Nhật Bản năm nay. So với Kashima Antlers, Mito HollyHock nhỏ bé cả về truyền thống lẫn thành tích. Đội bóng mới của Công Phượng đóng ở thị trấn nhỏ Mito, được quảng cáo có Hội CĐV lên đến 100.000 người, nhưng lượng khán giả bình quân trên sân nhà năm nay của họ chưa đến 5.000 người/trận (đã là một kỷ lục của riêng CLB). Sân vận động Ksdenki Mito chỉ có sức chứa khiêm tốn 12.000 CĐV.

Những con số nói trên cho thấy sự quan tâm của CĐV với CLB Mito HollyHock. Và với việc lãnh đạo CLB đặt chỉ tiêu top 9 trong mùa giải tới, Công Phượng cũng không phải chịu quá nhiều áp lực. Trong môi trường mới, Công Phượng sẽ mang số áo 16, số áo có lẽ là không đẹp nhất trong những số áo tiền đạo xứ Nghệ có thể lựa chọn từ khi bắt đầu sự nghiệp.

Và cũng trong buổi ra mắt mới đây, Chủ tịch CLB Numata Kunio cũng tận dụng cơ hội này để quảng bá du lịch tỉnh Ibaraki với Việt Nam. Từ thịt bò xuất khẩu Hitachigyu cung cấp nguồn dưỡng chất rất tốt cho các cầu thủ đến phong cảnh đẹp của tỉnh Ibaraki được giới thiệu cuốn hút hơn cả chủ đề chính về Công Phượng.

Nhà tài trợ V-League gửi lời chúc Công Phượng, Tuấn Anh thành công tại Nhật Bản

Nhà tài trợ V-League gửi lời chúc Công Phượng, Tuấn Anh thành công tại Nhật Bản

Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta, nhà tài trợ cho V-League 2016 đã gửi lời chúc thành công đến Tuấn Anh, Công Phượng, những cầu thủ sẽ sang Nhật Bản thi đấu trong mùa giải 2016.


Công Phượng được kỳ vọng sẽ mang đến một luồng gió mới cho tỉnh Ibaraki. Tiền đạo xứ Nghệ cũng cam kết làm hết khả năng để quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam từ cơ hội này. Ở môi trường mới, có lẽ áp lực lớn nhất với Công Phượng là việc cố gắng được vào sân càng nhiều càng tốt.

Tiền đạo xứ Nghệ sẽ không bị “soi” và “chăm sóc” kỹ như ở HAGL chơi bóng V-League mùa giải qua. Trọng trách “gánh” cả tập thể HAGL không còn đè nặng lên đôi vai của chàng trai trẻ 9x. Ai cũng thấy mùa giải 2015 với bản thân Công Phượng và HAGL khổ sở đến mức nào.

J-League 2, nơi tiền đạo Công Vinh từng trải nghiệm, biết đâu cũng không khốc liệt như V-League. Sự so sánh này nảy sinh từ việc B.Bình Dương từng cầm chân nhà VĐQG Hàn Quốc, Jeonbuk Motors và trận thắng lịch sử của nhà VĐQG Việt Nam chính là trước Kashima Reysol, đại diện ưu tú của bóng đá Nhật Bản ở đấu trường danh giá nhất cấp CLB châu Á. Người ghi bàn thắng duy nhất cho B.Bình Dương trong chiến tích lịch sử đó là Lê Công Vinh, đồng hương Công Phượng. Nhà VĐQG Việt Nam chia tay AFC Champions League năm nay cũng không quá mất thể diện với thành tích 4 điểm sau 6 lượt trận.

Dông dài để thấy dù ở môi trường nào, cầu thủ cũng phấn đấu hết khả năng trước tiên trước khi nghĩ đến chuyện to tát hơn. Bản thân Công Phượng đã ý thức được khi tuyên bố điều này trong buổi họp báo gần đây. Cái được với Công Phượng là cơ hội học hỏi ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp thực thụ.

Môi trường thi đấu ở CLB bình thường tại J-League 2 cũng không quá áp lực cho tiền đạo xứ Nghệ, chưa kể hợp đồng chỉ kéo dài 1 mùa để “đề phòng bất trắc”. Trong buổi gặp giới truyền thông của Lee Nguyễn nhân chuyến về Việt Nam mới nhất, cầu thủ gốc Việt đã chia sẻ một trong những bí quyết giúp anh thành công trên đất Mỹ là tin vào khả năng mình. Lee Nguyễn đã tin, đã lao động để mọi người nhận thấy giá trị đích thực của anh. Và Công Phượng, đây là lúc dòng máu Việt trong mình phải chảy mạnh mẽ nhất.

1 Hợp đồng cho mượn của Công Phượng ở CLB Mito Hollyhock chỉ có thời hạn 1 năm.

3 Bầu Đức đã cho 3 cầu thủ con cưng của mình là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lần lượt xuất ngoại.

4 Đông Triều là cầu thủ duy nhất trong số 4 tài năng trẻ của HAGL từng được HLV Arsene Wenger gọi sang Arsenal thử việc vẫn chưa xuất ngoại.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm