Con số vô tri

06/01/2016 14:11 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chưa từng chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất rõ ràng là một thiệt thòi lớn với HLV Toshiya Miura. Bù lại, ông có nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm, phân tích, tổng hợp… Một trong những điểm mạnh nhất trong phương pháp huấn luyện của Toshiya Miura, một người Nhật Bản đặc thù, đấy khoa học hoá bằng các con số. Chính việc tuân thủ tuyệt đối triết lý ấy, cùng với việc gần như không có những phản biện từ nội bộ đội bóng, có thể khiến ông Miura trở nên bảo thủ.

Nếu mọi người vẫn nghĩ, HLV Miura vốn chỉ quen huấn luyện các đội bóng nhược tiểu và chiến thuật phòng ngự phản công là bản lề, có lẽ họ đã nhầm…

…Bằng cách nào đó, các đội bóng của ông Miura luôn được hiệu lệnh hướng lên tuyến đầu, đưa bóng đến gần cầu môn đối phương một cách nhanh nhất, có thể chỉ bằng 1 – 2 “trạm trung chuyển”. Đó là lý do ông không cho phép các học trò, đặc biệt ở hàng hậu vệ và tuyến 2, lạm dụng quá nhiều điểm chạm, ngay cả khi họ cần làm chậm trận đấu.

Triết lý ấy, các đời HLV Henrique Calisto, hay Alfred Riedl, từng áp dụng, đã thành công với bóng đá Việt Nam ở các mức độ khác nhau. Song, nếu như những người tiền nhiệm, vốn dĩ từng chơi chuyên nghiệp hoặc bán chuyên, thậm chí được biết đến như những danh thủ cỡ Alfred Riedl (Quả bóng Đồng châu Âu), hay Falko Goetz (người có thâm niên gần 40 năm chơi bóng và huấn luyện tại Bundesliga), bắt tay chỉ việc từng học trò bằng cách nào đó đạt đến độ hợp lý, thì Miura lại không.

Tiền đạo “thở” bằng các bàn thắng, nhưng HLV Miura sẽ không bao giờ dạy những Công Phượng, Văn Toàn hay Thanh Bình, cách chiếm lĩnh không gian trong khu vực cấm địa đối phương và ra chân. Ngược lại, thuyền trưởng người Nhật Bản yêu cầu hầu hết các tiền đạo và tiền vệ, phải chia sẻ nhiệm vụ phòng ngự từ xa. Nó là cách nhanh nhất để triệt tiêu thể lực nền, cũng như cảm giác bóng trước cầu môn đối thủ. Thể trạng, sức vóc cầu thủ Việt Nam không cho phép họ làm điều đó.

Vì tin một cách tuyệt đối vào tính chính xác của các phân tích và các con số, HLV Miura cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu về đối thủ. Như khẳng định mới đây của ông: “Tôi đã có đầy đủ băng hình về các đối thủ tại bảng D, VCK U23 châu Á 2016 như UAE, Jordan và Australia, nên các bạn không phải lo thay cho tôi việc ấy nữa”. Vấn đề là, giữa việc sở hữu băng hình, phân tích và đưa ra giải pháp, là những công đoạn không giống nhau. Về giải pháp cho hàng phòng ngự của Miura gần như không có.

HLV Miura loại Tuấn Anh là phí phạm

HLV Miura loại Tuấn Anh là phí phạm

Việc HLV Miura vẫn có thể gạt bỏ tiền vệ nhạc trưởng Nguyễn Tuấn Anh ngay cả khi cầu thủ thuộc biên chế HAGL kịp bình phục chấn thương thực sự khiến giới chuyên môn cảm thấy khó hiểu.


Một HLV có thể được xem như một vị dũng tướng, học trò nhìn vào đã khiếp vía. Cũng có những ông thầy là lãnh đạo và làm tâm lý chiến tài ba, luôn lắng nghe nhưng quyết đoán, đấy còn hơn cả vị tướng. Song thông thường, HLV là người dẫn dắt đội bóng, chịu trách nhiệm với sự thành bại. Và hình như HLV Miura chưa đạt chuẩn ở bất cứ khía cạnh nào cả. Ông vẫn mải miết chạy theo điều mình muốn, mà không biết học trò của ông có điểm mạnh gì để phát huy, yếu chỗ nào để sửa…

* * *

Lại nói các con số. Về lý thuyết, 50% tỷ lệ giành chiến thắng với ĐTQG và 69,23% với U23 Việt Nam, là những con số khả quan, so với thời ông Miura còn cầm các đội bóng nhỏ ở Nhật Bản, với tỷ lệ thắng/thua chưa bao giờ vượt qua 33,33%. Nhưng hãy quên những thống kê kiểu ấy đi, bởi tại AFF Cup hay SEA Games, chúng ta có thể thắng tất cả các trận đấu ở vòng bảng, nhưng thua tại bán kết, nó sẽ trở nên vô nghĩa, tầm thường. HLV Miura phải chứng minh mình ở sân chơi lớn hơn.

Ông Miura có thể không phải một HLV tồi, nhưng chưa cho thấy mình là nhà cầm quân tài ba. Đấy là vấn đề của bóng đá Việt Nam, với U23 Việt Nam lúc này.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm