'Cô lập' Công Phượng tức là chống lại HLV Miura

11/03/2015 05:41 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyên tắc đầu tiên mà nhân viên nào cũng phải nhớ mỗi khi đi làm là không bao giờ được đặt bản thân ở vị trí cao hơn lãnh đạo của mình. Và bóng đá, mà cụ thể ở đây là đội tuyển Olympic Việt Nam cũng như vậy.

Nếu ai đó có ý định cô lập Công Phượng, người đầu tiên họ phải vượt qua là HLV Toshiya Miura. Cô lập Công Phượng hay cô lập bất kỳ cầu thủ nào khác trong đội tuyển Olympic nghĩa là chống lại HLV trưởng. Câu hỏi không phải là ai đã làm, mà là ai dám làm điều đó?

HLV Miura là một nhà chiến thuật nghiêm khắc. Những người theo dõi đội tuyển thời gian qua sẽ dễ dàng nhận thấy tính cầu toàn và đòi hỏi cao của chiến lược gia người Nhật Bản. Ông sẵn sàng dừng một trận đấu tập để “dạy dỗ” một cầu thủ vì những sai lầm rất nhỏ.



Khó có chuyện Công Phượng bị cô lập ở đội Olympic Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà

Nếu có ai đó phớt lờ 1, 2 đường chuyền đẹp cho Công Phượng, người đó đang phá hoại đội bóng của ông Miura. Với ông thầy người Nhật Bản, đó là chuyện không thể được chấp nhận.

Các cầu thủ cũng cần hiểu Công Phượng là một cá nhân quan trọng và không thể tách rời của đội bóng. Cô lập số 10 cũng đồng nghĩa với việc phá hoại lối chơi của Olympic Việt Nam. Khi một trong những cầu thủ tốt nhất đội bóng bị cô lập, sức mạnh tấn công của đội tuyển sẽ giảm đi, thành tích sẽ bị hạn chế, quyền lợi của các cầu thủ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, chúng ta cũng không có bằng chứng nào để đưa ra kết luận về việc Công Phượng bị cô lập. 2, 3 lần xin bóng, một vài động tác vung tay, kết luận như thế có vội vã không?

Những người yêu bóng đá sẽ nhớ rằng chính Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi cũng từng có những động tác xin bóng, cũng từng tỏ thái độ thất vọng vì đồng đội không chuyền cho mình. Mà đấy là 2 cầu thủ đứng đầu thế giới, sở hữu quyền lực tuyệt đối ở đội bóng của họ.

Nếu Công Phượng bị cô lập, anh phải bị “bỏ quên” trong mọi trận đấu. Nhưng ở cuộc gặp với Hà Nội T&T, chuyện đó hình như không diễn ra. Người hâm mộ cũng phải nhớ rằng so với các cầu thủ, họ có một góc quan sát hoàn hảo từ truyền hình, nghĩa là có thể dễ dàng nhận định xem nên chuyền bên phải hay chuyền bên trái.

Ở trên sân, Thanh Bình, Huy Toàn và đồng đội không có góc nhìn ấy. Olympic Indonesia phòng ngự tốt hơn Hà Nội T&T rất nhiều. Trong áp lực của hậu vệ đối phương, dưới những cơn mưa dầm trên sân Mỹ Đình, đòi hỏi một tập thể mới tập trung với nhau 20 ngày phải luôn hiểu ý và đưa ra những quyết định chuyền bóng chính xác nhất là điều không tưởng.

So sánh quãng thời gian 7 năm ở Học viện HAGL Arsenal JMG, 2 năm ở U19 Việt Nam với 20 ngày tại Olympic Việt Nam thật khập khiễng. Từ lúc chơi bóng tới giờ, Phượng đã luôn được đứng trong một hệ thống chiến thuật quen thuộc, đá cặp cùng những người đồng đội lâu năm, chơi dưới sự dẫn dắt của một HLV.

Không chỉ các đồng đội ở đội Olympic mà chính Công Phượng cũng phải học cách hòa nhập với lối chơi mới và những con người mới. Tấn Tài, Thanh Bình cũng không phải Tuấn Anh, Văn Toàn.

Sau rất nhiều lùm xùm bên ngoài sân cỏ, Công Phượng không cần có thêm một scandal nữa. Nhiệm vụ của anh là chơi bóng. Những việc khác đã có thầy Miura lo.

Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm