Chuyên gia thể lực cho tuyển Việt Nam: Ranh giới rủi ro và hy vọng

08/08/2014 11:21 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Nằm trong “gói” hợp tác toàn diện giữa 2 nền bóng đá Nhật Bản và Việt Nam, theo thông báo của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, bóng đá Việt Nam sẽ có thêm một vị Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) người Nhật Bản, sau khi đã có trưởng giải và HLV trưởng ĐTQG là người Nhật.

Chuẩn bị cho chiến dịch AFF Suzuki Cup 2014 trên sân nhà sắp tới, VFF cũng đã cử đoàn cán bộ sang Nhật để tìm cho HLV Toshiya Miura một chuyên gia thể lực giúp việc.

Trong phạm vi bài báo này, chúng ta sẽ chỉ bàn về vai trò của các chuyên gia thể lực người nước ngoài với sự vận hành của ĐTQG. Qua tham khảo và từ kinh nghiệm quá khứ cho thấy, sự xuất hiện của chuyên gia thể lực không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong muốn.

“Cầu thủ Việt Nam chưa sẵn sàng với chuyên gia thể lực ngoại”

“Tôi để ý rằng, ngay cả một nền bóng đá hùng mạnh, với sự phát triển khoa học thể thao ở tầm cao như Đức cũng cần đến các chuyên gia thể lực người Mỹ. Về lý thuyết, sẽ rất tốt và bổ ích cho đội tuyển Việt Nam, thậm chí cho cả nền bóng đá, cả cấp CLB, nếu chúng ta sở hữu các chuyên gia thể lực có nghề. Tiếc là cầu thủ Việt Nam chưa sẵn sàng với sự xuất hiện này”, cựu tuyển thủ QG Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.

“Tôi cho rằng, thể lực hay những khái niệm cốt lõi như thế phải là sự tích luỹ chứ không thể đòi hỏi trong ngày một ngày hai. Sự thất bại của rất nhiều các chuyên gia thể lực khi làm việc với ĐTQG là bởi, giữa họ và cầu thủ không có nhiều thời gian để hiểu và cảm được nhau. Tôi tin nếu có sự điều chỉnh hợp lý về giáo án, cũng như nhận được sự hợp tác từ phía cầu thủ, vai trò của trợ lý HLV thể lực sẽ rõ nét hơn, trong thành công của đội bóng” - Nguyễn Thế Anh, cựu thủ môn các ĐTQG và CLB B.Bình Dương, chia sẻ thêm.
Cựu trung vệ Thể Công, HA.GL và SHB.Đà Nẵng, thành viên đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2004, giải thích thêm: “Cơ địa và các yếu tố thể lực nền của cầu thủ Việt Nam khó đảm bảo để họ theo kịp các giáo án của chuyên gia thể lực người nước ngoài, nếu không có điều chỉnh. Và ngoài ra, cần phải lưu ý lý do cốt lõi khác là cầu thủ Việt Nam quá bừa bãi trong sinh hoạt, không ý thức hết sự bổ ích của các bài tập bổ trợ”.

Sự thật, với những ai từng chơi bóng dù chỉ ở cấp phong trào đều biết luôn rằng, muốn dắt bóng qua người hoặc chơi chiến thuật pressing…, vai trò của thể lực, sức mạnh và sức bền tốc độ là cực kỳ quan trọng. Cũng theo Mạnh Dũng, đội tuyển Việt Nam của HLV Tavares (cùng trợ lý HLV thể lực Biro) đã thất bại tại AFF Cup 2004 là bởi họ đã áp dụng quá cứng nhắc bài vở mà không để ý đến giới hạn của cầu thủ Việt Nam.

Sau thời Edson Tavares và trợ lý Biro (năm 2004), HLV Falko Goetz cũng đã đem theo một trợ lý thể lực người đồng hương (năm 2011). 2 năm sau đó, với HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc, Dylan Kerr (đương kim HLV trưởng CLB Hải Phòng) được tiến cử. Nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là thất bại, thậm chí là thất bại cay đắng. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể đến vai trò của HLV trưởng.

Cần cả chuyên gia “tâm lý chiến”

Việc kỳ vọng quá lớn vào vai trò của chuyên gia thể lực, rằng họ sẽ giúp đội bóng mạnh hơn (về sức) khiến các cầu thủ phải chịu những phản ứng phụ, dẫn tới bị quá tải và hậu quả là rất nhiều ca chấn thương xuất hiện trước khi trở thành nghiêm trọng. Các bài tập bổ trợ (vào buổi sáng) của đội tuyển U23 Việt Nam trên đất Indonesia tại SEA Games 26 đã thất bại hoàn toàn, khi cầu thủ của ông Goetz không kịp hồi phục, đặc biệt là trong những ngày diễn ra trận đấu.

“Chất lượng ĐTQG càng về sau này, ngay cả thời điểm chúng ta vô địch AFF Suzuki Cup 2008 dưới thời Henrique Calisto khó có thể so với thời chúng tôi. Nhưng tại sao ông Calisto lại thành công?! Bởi ông ấy là “giáo sư” về tâm lý chiến, khích tướng và kích thích các cầu thủ muốn được cống hiến, được chiến đấu... HLV Calisto truyền cảm hứng vào từng cầu thủ một, để họ không sợ hãi”, vẫn lời Mạnh Dũng.

Một chi tiết không mới nữa, mà theo lời cựu trung vệ Thể Công là, giữa thầy ngoại và thầy nội có quá nhiều khác biệt, không chỉ là chuyên môn, nghiệp vụ. “Vì yếu tố tình cảm đôi khi vẫn lấn át lý trí, nên thầy nội thường dùng (và quan tâm) đến cầu thủ mình thích, dù chuyên môn có thể không tốt bằng người khác chơi cùng vị trí. Đây chính là “điểm mù” của các HLV Việt Nam khi lên ĐTQG”, Mạnh Dũng đúc kết.

Theo kinh nghiệm của người trong cuộc, khái niệm “điểm rơi thể lực” hay  “điểm rơi phong độ” là khá mơ hồ và bản thân các HLV trưởng cũng không thể tính thay cho cầu thủ.

Một cầu thủ bước vào sân với cái đầu minh mẫn, tâm lý thoải mái, nghiễm nhiên đôi chân sẽ thanh thoát và ngược lại.  Vì thế, tâm lý chiến mới là điều cốt lõi. Chúng ta cần một chuyên gia tâm lý và ai có thể làm thay được, nếu không phải HLV trưởng?!

0 – HLV Henrique Calisto trong 2 nhiệm kỳ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự Tiger Cup 2002 và AFF Cup 2008 đều không có trợ lý HLV thể lực nước ngoài, nhưng ông là người duy nhất đã đem về chức vô địch Đông Nam Á cho bóng đá Việt Nam.

2 – Đội tuyển Việt Nam từng có HLV thể lực nước ngoài ở 2 kỳ AFF Cup là AFF Cup 2004 và AFF Suzuki Cup 2012 nhưng cả 2 kỳ giải này đội tuyển Việt Nam đều thi đấu không thành công.

2 - VFF đã đề nghị LĐBĐ Nhật Bản (JFA) giới thiệu 2 HLV chuyên trách thể lực và thủ môn để cộng tác cùng HLV Toshiya Miura trong chiến dịch chinh phục AFF Suzuki Cup 2014


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm