Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: ‘Sau vụ Đồng Nai, khó kêu gọi nhà đầu tư cho bóng đá’

27/07/2014 18:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho rằng để xây dựng thành công một thương hiệu thể thao là vô cùng đau đầu, hóc búa và đòi hỏi rất nhiều thời gian. Nhiệm vụ này với bóng đá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay lại càng là thử thách cực kỳ to lớn.

* Thưa ông, ngày càng có nhiều thương hiệu thể thao lớn biến mất, và một phần nguyên nhân là vì những vụ việc như của đội bóng Đồng Nai khiến người hâm mộ mất niềm tin. Vậy với tư cách là một nhà quản lý thể thao đồng thời cũng là một doanh nhân, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Tiêu cực trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có thể làm cho những nhà đầu tư bỏ vốn vào bóng đá dần dần cảm thấy nghi ngại, và có thể họ sẽ rút lui, đấy là cái bất lợi lớn nhất. Để làm bóng đá chuyên nghiệp thì chúng ta rất cần các ông bầu,  các ông chủ, những nhà đầu tư, những người nhận thấy bóng đá là kênh đầu tư quảng bá thương hiệu rất hấp dẫn với họ.

Tình hình hiện nay thì tôi nhận thấy rất khó khăn. Chúng ta đã có kinh nghiệm với vụ việc Bacolod năm 2005 rồi, trừ những nhà đầu tư lớn, còn với những nhà đầu tư có quy mô vừa ở trong nước thì rất khó. Sau vụ việc của V.Ninh Bình và mới nhất bây giờ là Đồng Nai , tôi cho là rất khó để kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn vào bóng đá lúc này.

* Ông lo lắng cho công tác tìm kiếm tài trợ ở mùa bóng 2015?

- Biết là khó nhưng chúng tôi vẫn sẽ có kế hoạch chi tiết để chào mời các nhà tài trợ.

* Nếu cơ quan điều tra đề nghị làm sạch tận gốc bóng đá Việt Nam nhân vụ việc của Đồng Nai thì liệu VFF có sẵn sàng chấp thuận?

- Tôi đã làm việc liên tục với cơ quan điều tra trong thời gian vừa qua và chính tôi là người đề nghị cơ quan điều tra nên làm triệt để. Nếu không giải quyết tận gốc những vấn đề này thì không thể nâng chất lượng bóng đá Việt Nam lên được, mà nếu không nâng chất lượng bóng đá Việt Nam lên được thì thương hiệu của các nhà đầu tư vào bóng đá cũng khó được quảng bá tốt, và vì thế sẽ rất khó để kêu gọi họ đầu tư vào bóng đá.

* Vụ việc dàn xếp tỷ số năm 2005 và năm 2014 đều xảy ra với các cầu thủ có độ tuổi còn rất trẻ. Chúng ta có cần phải nêu ra vấn đề cần xiết chặt lại công tác đào tạo trẻ và nâng cao việc giáo dục tư tưởng đạo đức cho các cầu thủ trẻ hay không?

- Tôi nghĩ đây là một quá trình lâu dài, vì bóng đá là một lĩnh vực hấp dẫn, được nhiều người quan tâm. Bên cạnh những ưu thế là môn thể thao số một Việt Nam, được nhiều người hâm mộ nhất, giới cá độ cũng xem bóng đá như là thị trường có thể kiếm tiền bất hợp pháp một cách nhanh nhất và tương đối dễ dàng nhất.

Giới cá độ có thể bỏ ra một vài tỷ đồng, họ không mua hết toàn bộ đội bóng mà mua một số vị trí chủ chốt, có thể tạo ra ảnh hưởng tới kết quả trận đấu. Số tiền mà giới cá độ trả cho cầu thủ thì không lớn, chẳng hạn 400 triệu hay 800 triệu nhưng số tiền họ thu được thì rất lớn, tóm lại họ chỉ cần bỏ ra 1 phần thì sẽ thu về 3, 4 phần nên cá độ bất hợp pháp là mối nguy rất lớn của bóng đá.

Vì thế, để phòng chống cá độ bất hợp pháp một cách hiệu quả cũng như giáo dục cầu thủ nói không với cá độ bất hợp pháp là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Thông thường chúng ta phải dựa vào cơ quan chức năng mới tìm ra được đường dây cá độ bất hợp pháp.

Tôi tin là những vụ như V.Ninh Bình hay Đồng Nai chỉ là một phần mới lộ ra của tình trạng cá độ bất hợp pháp mà thôi. Tôi cho rằng để ngăn ngừa tình trang này là rất khó, vì số tiền mà các cầu thủ kiếm được từ cá độ bất hợp pháp quá dễ và quá nhanh nên không phải ai cũng kìm chế được bản thân. Vì thế, muốn loại bỏ tận gốc tệ nạn cá độ bất hợp pháp khỏi bóng đá phải cần một quá trình lâu dài và phức tạp.

* Ông và các cộng sự ở VFF có tham khảo kinh nghiệm của LĐBĐ Nhật Bản về công tác phòng chống tiêu cực trong bóng đá hay không, vì dư luận cũng ít thấy những chuyện như thế này từ bóng đá Nhật Bản?

- Chúng tôi cũng chưa có dịp tham khảo kinh nghiệm của bóng đá Nhật Bản trong lĩnh vực phòng chống cá độ bất hợp pháp. Tuy nhiên cần phải lưu ý một vấn đề là kết cấu xã hội của Nhật Bản rất chặt chẽ, việc thanh toán bằng tiền mặt hầu như không có, ý thức tôn trọng luật pháp của họ rất cao.

* Sau những chuyện như thế này xảy ra thì ông có sợ rằng dư luận sẽ phản đối mạnh mẽ dự án hợp pháp hoá cá cược bóng đá mà ông đang đề xuất thực hiện hay không?

- Tôi nghĩ về mặt quan điểm thì nhiều người sẽ ủng hộ việc hợp thức hoá cá cược bóng đá thôi, vì đấy là một thực thể đã tồn tại trong đời sống xã hội mà chúng ta không thể thừa nhận. Theo kinh nghiệm ở Singapore mà tôi có dịp tham khảo thì trước đây họ cũng không cho phép hợp pháp hoá cá cược bóng đá, đến năm 1998 thì họ chấp nhận hợp pháp hoá cá cược bóng đá, và dĩ nhiên là có kiểm soát, biết rõ nhân thân người chơi, thu thuế…

Tất nhiên sau khi cá cược bóng đá đã được Singapore công nhận thì cá cược bất hợp pháp vẫn tồn tại nhưng quy mô của nó đã nhỏ hơn nhiều. Lý do vì cá cược hợp pháp phải theo quy định, đồng thời còn thuế má này kia, nên nhiều người không thích và vẫn muốn sử dụng cá cược bất hợp pháp.

Vì thế, mặc dù vụ việc của V.Ninh Bình và Đồng Nai cho thấy tình trạng cá cược bóng đá bất hợp pháp đã trở thành một tệ nạn xã hội trầm trọng, nhưng đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước có thêm góc nhìn để nhận định về việc hợp pháp hoá cá cược bóng đá, để có thể sớm cho ra đời quyết định công nhận cá cược bóng đá ở Việt Nam.

* Cho tới bây giờ ông có tưởng tượng được là nhiệm kỳ Chủ tịch VFF đầu tiên của mình lại đối mặt với nhiều thử thách như hiện nay?

- Tôi nghĩ vấn đề này chỉ là một phần trong công việc của tôi mà thôi. Thực tế làm bóng đá bao năm qua thì tôi đã biết cá cược bóng đá bất hợp pháp vẫn luôn tồn tại, vấn đề là mình có tìm ra cách phát hiện và xử lý nó hay không mà thôi. Bây giờ cá cược bóng đá bất hợp pháp mới lộ ra từng phần chứ chưa phải là tất cả nên chúng ta có điều kiện để xử lý từng bước tệ nạn này thông qua việc hợp tác với cơ quan chức năng.

Theo tôi, chống cá cược bóng đá bất hợp pháp chỉ là một phần, còn hợp pháp hoá cá cược bóng đá mới là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng. 2 mặt này phải đi song song với nhau mới giảm được tệ nạn cá độ bất hợp pháp, còn nếu chỉ làm mỗi nhiệm vụ chống thì tôi nghĩ rất là khó.

* Vậy còn việc xây dựng một thương hiệu bền vững cho thể thao nói chung, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, thì cần làm như thế nào?

- Trả lời câu hỏi này thì không khó, nhưng có làm được đúng như mình đã nói hay không mới là nhiệm vụ không dễ dàng. Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất hóc búa, đau đầu.

Ví dụ như tại World Cup vừa rồi chúng ta mới hiểu được vì sao FIFA lại lãi tới 2,6 tỷ USD, vì các hoạt động bóng đá của họ dựa trên hệ thống kiếm tiền vận động có quy mô cực lớn. Chất lượng chuyên môn của các trận đấu rất cao và điều đó nghĩa là chất lượng quản lý, đào tạo cầu thủ của các nước có đội bóng tham dự World Cup được làm rất tốt, chẳng hạn như Nhật Bản mà chúng ta đang học hỏi.

Để làm được như bây giờ bóng đá Nhật Bản đã mất 40 năm và tôi nghĩ bóng đá Việt Nam cũng cần phải trải qua một quá trình dài mới đạt được kết quả như mong muốn của chúng ta.

* Xin cảm ơn ông!

 Hoàng Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm