Bóng đá Việt và công cuộc 'Nhật hóa'

19/07/2014 18:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi giải VĐQG có trưởng BTC giải người Nhật Bản và HLV trưởng ĐTQG nam là người Nhật Bản, công cuộc Nhật Bản hoá bóng đá Việt Nam của chúng ta lại tiếp tục với văn bản hợp tác có thời hạn 2 năm (và sẽ tự động gia hạn thêm 2 năm) giữa LĐBĐ Việt Nam (VFF) và LĐBĐ Nhật Bản (JFA). Ngay sau lễ ký kết này, VFF sẽ chuẩn bị ký hợp đồng với HLV người Nhật Bản để làm HLV trưởng ĐT nữ QG.

1. Phát biểu nhân sự kiện này, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết lãnh đạo VFF khoá VII mong muốn thông qua chương trình hợp tác với JFA để xây dựng nền móng tương đối vững chắc cho bóng đá Việt Nam, ít nhất là trong nhiệm kỳ hiện tại, và có lẽ đấy cũng là lý do khiến văn bản hợp tác này có thời hạn 2 năm và kèm theo điều khoản được phép gia hạn thêm 2 năm nếu 2 bên nhất trí tiếp tục.

Trước đây bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG đã nhiều lần làm việc với HLV nước ngoài, nhưng chưa bao giờ ảnh hưởng của bóng đá Nhật Bản với bóng đá Việt Nam lại đậm đặc đến thế, khi HLV trưởng cả 2 ĐTQG nam và nữ đều là người Nhật, trưởng BTC giải VĐQG cũng là người Nhật, và không loại trừ khả năng trong tương lai gần VFF sẽ bổ nhiệm GĐKT người Nhật.

Bằng việc nhập khẩu “chất xám” của bóng đá Nhật cho bóng đá Việt Nam từ cấp độ CLB tới ĐTQG, hẳn VFF hy vọng trong tương lai không xa sẽ vươn lên tầm châu lục để từ đó làm cơ sở cho giấc mơ đoạt vé tham dự World Cup. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào đây để hy vọng bóng đá Việt Nam sớm lột xác thì e rằng hơi quá lạc quan, bởi “chất xám” Nhật Bản chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì vẫn phải trông chờ vào nội lực của bóng đá Việt.

2. Chia sẻ với các phóng viên tại buổi lễ ký kết văn bản hợp tác giữa VFF và JFA, ông Daini Kuniya, Chủ tịch JFA, cho biết để có được một suất tham dự World Cup thường xuyên như hiện tại thì bóng đá Nhật Bản đã phải trải qua quá trình xây dựng và phát triển lâu dài.

Trên thực tế, bởi trước khi J-League ra đời vào năm 1993, bóng đá Nhật chưa từng một lần đoạt vé tham dự World Cup, nhưng chỉ 5 năm sau khi J-League chính thức vận hành, Nhật Bản đã có vé tham dự World Cup lần đầu tiên vào năm 1998, và kể từ đó đến nay họ luôn là khách quen của các kỳ World Cup, còn tại sân chơi châu Á, Nhật Bản đã trở thành quyền lực số một từ lâu.

Không chỉ có bóng đá nam, bóng đá nữ và futsal Nhật Bản cũng phát triển mạnh mẽ, bằng chứng là chức vô địch World Cup nữ và Asian Cup nữ cũng như chức quán quân futsal nam châu Á. Một tấm gương sáng ngời cho bóng đá Việt Nam học tập.

Theo ông Kuniya, có 3 nhân tố chủ chốt để bóng đá Nhật Bản có được sự phát triển như bây giờ: Thứ nhất là đào tạo HLV, thứ hai là bóng đá trẻ và thứ ba là J-League.

3. Xét về lý thuyết, bí quyết làm nên thành công của bóng đá Nhật Bản không quá phức tạp, nhưng để học hỏi và làm theo lại không đơn giản. Chẳng hạn ở công tác đào tạo trẻ, trong khi bóng đá học đường Nhật Bản có sự phát triển rộng khắp từ cấp tiểu học cho tới trung học và Đại học, Cao đẳng thì cách làm lâu nay của bóng đá Việt Nam vẫn là huấn luyện tập trung chuyên nghiệp, nói nôm na là đào tạo gà nòi, và mảng bóng đá học đường hầu như bị hoàn toàn bỏ trống.

Rất nhiều ngôi sao nổi tiếng của bóng đá Nhật Bản như Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura hay Keisuke Honda đều trưởng thành từ giải bóng đá học sinh trung học ở Nhật Bản, và các trường Đại học, Cao đẳng của Nhật Bản đều có đội bóng rất mạnh và họ được JFA cho phép tham dự Cúp Hoàng đế Nhật Bản để trực tiếp cọ xát với các đội chuyên nghiệp. Trong khi đó, với bóng đá Việt Nam hiện tại, gần như không thể tìm được bất cứ tuyển thủ nào không xuất thân từ một lò đào tạo trẻ chuyên nghiệp, và đây là thực tế không chỉ của riêng bóng đá mà các môn thể thao đỉnh cao khác ở Việt Nam cũng lựa chọn hình thức “nuôi gà chọi” như vậy.

Ngay cả với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp hiện tại thì bóng đá Việt Nam cũng không được xem là đã đủ chuẩn chuyên nghiệp, khi giải hạng Nhất QG được xem là nền móng cho V-League lại có số CLB tham dự ít hơn cả V-League, mà nói một cách hình ảnh thì V-League là ngôi nhà 2 tầng được xây dựng trên cái móng chỉ dành cho nhà tạm.

4. Một ví von khác, trong khi Nhật Bản xây dựng nền bóng đá theo hình kim tự tháp, với bóng đá nghiệp dư và phong trào làm chân đế, và bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao ở vị trí mũi nhọn, giống như mô hình chuẩn mực của bóng đá châu Âu, thì bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung lại làm theo hướng tuyển chọn VĐV năng khiếu rồi đào tạo tập trung từ nhỏ, và chỉ cần nhìn vào vị trí hiện tại của bóng đá cũng như thể thao Nhật Bản trên bản đồ thế giới là chúng ta đủ biết cách làm nào hiệu quả hơn.

Tương tự, việc đào tạo lực lượng HLV cho bóng đá Việt Nam cũng đang không được coi trọng một cách đúng mức, số HLV có bằng cấp đầy đủ như HLV Hoàng Anh Tuấn, HLV Nguyễn Hữu Thắng là rất ít, và nỗ lực theo đuổi sự nghiệp học hành của các HLV này chủ yếu từ ý chí bản thân.

Có một chi tiết đáng chú ý là các HLV Nhật Bản mà JFA giới thiệu cho VFF đều được đào tạo tại nước ngoài và có thể sử dụng rất tốt một ngoại ngữ, trong khi có đốt đuốc giữa ban ngày cũng không tìm ra quá 5 HLV như vậy ở Việt Nam, tuyệt đại đa số làm việc theo chủ nghĩa kinh nghiệm và ít có cơ hội tiếp xúc với những khoá đào tạo chuyên nghiệp dài hạn ở nước ngoài.

Với chừng ấy yếu tố, rất khó tin rằng sự kết hợp theo kiểu “chất xám Nhật Bản” và “nguyên liệu Việt Nam” sẽ giúp bóng đá Việt Nam sớm có được diện mạo mới, bởi bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản có sự khác nhau quá lớn về chất lượng, cấu trúc cũng như mô hình phát triển.

Các chương trình hợp tác giữa LĐBĐ Việt Nam và LĐBĐ Nhật Bản

- Hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn về bóng đá trong khu vực và quốc tế.

- Chia sẻ và trao đổi nguồn nhân lực để phát triển bóng đá.

- Trao đổi hỗ trợ tập huấn, thi đấu cho các ĐTQG. - Hỗ trợ giới thiệu các HLV có năng lực và trình độ cho ĐT nam QG

- Trao đổi kinh nghiệm trong lãnh vực quản lý bóng đá; các vấn đề pháp lý về bóng đá.

- Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm điều hành và quản lý các giải đấu cao nhất (J-League và V-League), các giải trong nước (nam, nữ, futsal, trẻ và phong trào); Hỗ trợ các thỏa thuận hợp tác giữa V-League và J-League.

- Trao đổi các kiến thức về khoa học và công nghệ trong y học thể thao và thông tin về phương pháp phục hồi chức năng thông qua rèn luyện thể chất.

- Trao đổi kinh nghiệm trong lãnh vực quản lý các trang thiết bị bóng đá.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm