Bóng đá Đông Nam Á dưới bóng đen bán độ

18/12/2014 18:20 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Không có bằng chứng nào cho thấy trận lượt về vòng bán kết AFF Cup 2014  giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình có dấu hiệu bán độ, tuyên bố từ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) khẳng định sau khi dựa vào bản báo cáo của Sportradar. Vấn đề là liệu những con số mà Sportradar cung cấp có chính xác để xóa đi những nghi ngại liên quan đến trận đấu trên khi mà bóng ma bán độ lâu nay vẫn bao trùm khu vực Đông Nam Á?

Sportradar là một công ty cung cấp các dịch vụ dữ liệu thể thao và cá cược hàng đầu thế giới, có trụ sở ở St Gallen, Thụy Sĩ và mạng lưới ở 25 quốc gia. Theo một báo cáo gần đây cho biết, Sportradar nghiên cứu khoảng 300.000 thay đổi về tỷ lệ cá cược diễn ra trong vòng một phút và ở mọi nơi trên thế giới.

Trong một tuần, họ sẽ phân tích 800 trận đấu để xác định xem những trận đấu nào có tỷ lệ giao dịch bất thường, nằm trong diện nghi ngờ hay cần phải điều tra. Phạm vi bao quát của Sportradar là 350 trung tâm cá cược với nhiều kiểu cá cược khác nhau.



Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn khẳng định nếu không có tiêu cực bóng đá Việt Nam đã vô địch Đông Nam Á từ lâu rồi

Kinh nghiệm và uy tín của Sportradar chính là lý do thuyết phục AFF mời họ giám sát AFF Cup 2014. Về trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Malaysia tại Hà Nội mà đội chủ nhà đã thua 4-2 sau khi thắng 2-1 ở lượt đi, báo cáo của Sportradar cho biết: “Dịch vụ an ninh không phát hiện ra bất cứ giao dịch đáng nghi nào trước và trong thời gian trận đấu diễn ra…

Vì thế, mặc dù Malaysia đã gây bất ngờ khi giành chiến thắng và lọt vào trận chung kết, Dịch vụ an ninh không tìm thấy bằng chứng khẳng định trận đấu đã bị bán độ.”

Vấn đề là Sportradar chỉ giám sát các trận đấu thông qua những trung tâm cá cược, giao dịch online, trong khi những ông trùm cá độ nhiều khi sắp xếp các trận đấu thông qua giao dịch ngầm. Điều này giải thích tại sao châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng lâu nay vẫn là những điểm nóng về cá cược và bán độ, đặc biệt là Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Cũng vì thế mà đôi khi người hâm mộ có niềm tin rất lớn vào đội nhà, kết quả của trận đấu sẽ không tuân theo mong muốn của họ. Đúng hơn là tỷ số tuân theo sắp xếp của một số người. Nói như một trùm cá độ người Malaysia thì: “Tôi đã trả tiền cho cầu thủ số 23 và anh ta sẽ làm việc cho chúng tôi.”

Đây là những tiết lộ được báo chí Malaysia đăng tải về tình trạng bán độ phổ biến ở quốc gia này. Một trung vệ kỳ cựu từng khoác áo đội tuyển Malaysia khẳng định, nhiều trùm độ đã cố mua chuộc anh nhưng vì niềm tin tôn giáo, anh đều từ chối.

"Các trùm cá độ sẵn sàng gặp và đề nghị thẳng với anh. Một số họ thông qua người môi giới có mặt trên sân,” một cầu thủ giấu tên của Malaysia nói. “Nếu trên sân vắng thì ở bốn góc sân, tất cả sẽ thấy bốn người đàn ông đều gắn tai nghe, đội mũ. Nếu sân chật khán giả, họ sẽ gặp cầu thủ và thỏa thuận.”

Bóng đá Malaysia vì thế như một con bệnh nhiễm virus bán độ mà không sao có thể chữa được. Đỉnh điểm của đại dịch này là giữa thập niên 90 khi một thế hệ cầu thủ tài năng bị cấm thi đấu vĩnh viễn và gần đây là năm ngoái, 17 cầu thủ của đội bóng Kuala Lumpur bị Uỷ ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) phạt mỗi người 5.000 ringgit vì tham gia dàn xếp trận đấu…

Theo điều tra của The Star Online, bản thân các cầu thủ, HLV đều thừa nhận nạn bán độ vẫn rất phổ biến ở châu Á, thậm chí Malaysia và Singapore đều bị ảnh hưởng nặng nề. "Trong nhiều năm liền bóng đá Malaysia bao trùm bởi nạn cá độ. Mọi người biết hết nhưng ít người dám nói ra," Declan Hill, nhà báo điều tra viết trong cuốn The Fix: Organised Crime and Football.

Còn theo cựu HLV của Kelantan và Johor là Steve Darby - người cũng đã từng dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đến chức vô địch SEA Games đầu tiên vào năm 2001, bức tranh dàn xếp tỷ số ở Đông Nam Á là rất trầm trọng. Ông đã báo cáo rất nhiều vụ việc nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời từ các cơ quan chức năng.

"Tôi nghĩ chúng tôi đang ở một vòng xoáy của lợi nhuận và cá cược internet. Vấn đề là bằng chứng. Có những trận đấu tôi biết đã được dàn xếp nhưng không thể chứng minh được," Darby, người giờ là trợ lý HLV tại Mumbai FC ở giải Indian Super League của Ấn Độ, nói.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở châu Á, dẫn dắt nhiều CLB và đội tuyển quốc gia, Darby hiểu rõ bóng đá tại đây như lòng bàn tay. Thậm chí chỉ nhìn qua ông cũng có thể biết được trận đấu nào bị dàn xếp, cầu thủ hay trọng tài bị mua chuộc. “Có những trận đấu chúng tôi thua vì ‘sai lầm” của cầu thủ và có trường hợp trọng tài mắc lỗi,” Darby nói tiếp.



Bản đồ các trận đấu trên toàn cầu bị dàn xếp tỷ số (màu sẫm) do Sportradar cung cấp

Điều tồi tệ là chính Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) nhiều khi cũng làm ngơ trước nạn cá độ vì sợ tai tiếng. Trường hợp của Darby là một ví dụ. Khi còn dẫn dắt Kelantan, ông biết chắc một trận đấu được dàn xếp nhưng mặc dù đã liên hệ với AFC, ông cũng không nhận được câu trả lời. Trận đấu và những cáo buộc do vậy chìm vào quên lãng. Thậm chí, ngay cả khi có bằng chứng, FAM vẫn bỏ mặc báo cáo của ông.

Còn tại Singapore, Darby nhận được lời đe dọa từ một trùm cá độ nhưng sau khi đưa ra báo cáo, ông không được hồi âm.

Khi được hỏi liệu có cách nào để hạn chế nạn cá độ, Darby khẳng định không ai có thể tìm được câu trả lời cho vấn đề này. Đúng hơn thì giáo dục cầu thủ là câu trả lời về lâu dài cho mọi nền bóng đá. “Giáo dục cầu thủ và đi kèm với đó là những án phạt nặng cho các trùm cá độ,” Darby nói.
Sau cùng thì dàn xếp tỷ số không phải là câu chuyện mới.

Ở bất cứ quốc gia nào cũng xảy ra tình trạng tương tự, thậm chí ở những nền bóng đá phát triển như Tây Ban Nha, Italy hay Anh và vì thế, cá độ, bán độ là vấn đề của thế giới chứ không riêng gì châu Á. Còn theo Hill thì quá dễ để ngăn chặn nạn dàn xếp tỷ số nhưng điều đó phụ thuộc vào các quan chức bóng đá.

"Người ta vẫn hay hô hào khẩu hiệu nhưng nói đến hành động thì không. Chúng ta phải chờ xem liệu các quan chức bóng đá có muốn diệt tận gốc khối u nhọt của bóng đá hay không mà thôi," Hill khẳng định.

Nếu không có bán độ, Việt Nam đã vô địch Đông Nam Á sớm 10 năm

Đó là phát biểu với báo giới của Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Phạm Ngọc Viễn khi đề cập đến vấn nạn tiêu cực của bóng đá Việt Nam. Theo ông Viễn thì:

"Tiêu cực trong bóng đá Việt Nam diễn biến từ lâu rồi, có cả một hệ thống khiến những người làm bóng đá chúng tôi buồn và nhức nhối bởi nó làm nản lòng bao nhiêu công sức của những người làm bóng đá và cả công sức của những nhà đầu tư, người hâm mộ, nhà tài trợ - những người đóng góp cho bóng đá Việt Nam phát triển.

Đáng lẽ không phải tới năm 2008, chúng ta mới đạt chức vô địch Đông Nam Á mà từ Tiger Cup 1998, trong trận gặp Singapore, chúng ta đã vô địch giải Đông Nam Á rồi".

Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm