Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam: Bao nhiêu tiền cho đủ?

17/01/2015 14:14 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khi bầu Đức tuyên bố, chỉ cần 15 tỷ là đủ để “nuôi” một đội bóng chơi V-League tử tế, thì ở nhiều đội bóng khác, 40–50 tỷ đồng/mùa giải đã được cho là “ba-rem”. Với VPF, con số đưa ra chỉ là... 35 tỷ, bao gồm cả ngân quỹ hoạt động cho độ 1 và hệ thống đào tạo trẻ kiện toàn, song vẫn bị cho là nhiều.

Vấn đề hơi… cũ, nhưng trước những luồng ý kiến trái chiều của người trong cuộc, chúng ta phải đặt câu hỏi: Bao nhiêu cho đủ với một CLB/mùa giải, để có thứ bóng đá tử tế mà tất cả muốn hướng tới?!

"Đội giá" đá V-League

Về cơ bản, Đồng Tháp là một tỉnh nghèo và kinh phí hoạt động của bóng đá địa phương này/mùa giải, cũng khá khiêm tốn. Song tại sao và như thế nào, lại có con số dự kiến ngót nghét 40 tỷ đồng/mùa giải, bao gồm cả dư nợ cũ?! Nếu Đồng Tháp cần con số này để duy trì hoạt động của đội bóng, thì B.Bình Dương, Thanh Hoá…, chắc chắn phải gấp 4–5 lần số ấy. Lý do thì đơn giản - Từ nhiều năm qua, B.Bình Dương và Thanh Hoá đã luôn là những người dẫn đầu trên thị trường chuyển nhượng, với hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng “lên sàn” mỗi mùa giải.



Than Quảng Ninh (áo xanh) là một trong số ít CLB có nguồn tài chính dồi dào tại V.League 2015. Ảnh: V.S.I

Bóng đá Việt Nam vốn chưa có chế tài tài chính giữa thu và chi. Bản thân con số hơn 30 tỷ đồng mà VPF (đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia) đưa ra, cũng chỉ là ước lượng, dành cho quỹ lương, thưởng; vé máy bay, chi phí ăn ở, quỹ chuyển nhượng..., của đội 1, chứ tuyến trẻ khó đong đo lắm. “Không thể để tình trạng nợ lương, thưởng lực lượng lao động chính, ở đây là cầu thủ và HLV, tiếp tục diễn ra và chúng tôi yêu cầu các đội bóng phải sẵn tiền trong tài khoản. Quy chế đã ghi rõ rồi, nhưng cũng tuỳ tình hình”, người của VPF cho biết.

Khi VPF vẫn cố gói ghém và đưa vào quy chế, thì bầu Đức lại khẳng định, chỉ với 12 tỷ đồng, đội bóng của ông có thể sống khoẻ ở V-League. Năm nay, với gói tài trợ chính 15 tỷ đồng từ NutiFood, cùng các gói phụ khác, ông bầu đội bóng phố núi chắc nịch: “HA.GL sẽ lời ít nhất 5 tỷ đồng. Nếu có phương pháp hợp lý, bóng đá hoàn toàn có thể nuôi được bóng đá”.

Nhưng không khó để nhận ra có một sự mâu thuẫn không hề nhẹ trong bản thân phát ngôn của bầu Đức, bởi 12–15 tỷ đồng, rõ ràng là chỉ dành cho đội 1 chơi V-League, chứ chưa tính đến các tuyến trẻ. Với đầu ra là 15–17 cái tên thuộc lứa đầu tiên của Học viện HA.GL Arsenal JMG, cộng thêm một số khác còn hợp đồng, HA.GL không mất quá nhiều tiền cho thị trường chuyển nhượng khi bước vào V-League 2015. Đó là chưa kể, mức lương 15–20 triệu đồng/cầu thủ/tháng của HA.GL đưa ra, là tương đối thấp so với mặt bằng chung V-League.

Lịch sử V-League từng xuất hiện rất nhiều "gã trọc phú", nhưng cho đến thời điểm này, chỉ còn mỗi B.Bình Dương có thể "xưng hùng xưng bá" trên sàn chuyển nhượng, số còn lại, hoặc giải thể, hoặc phải thu mình lại. B.Bình Dương không những có tiền, rất nhiều tiền, lại còn được tạo cơ chế mở để tìm tiền nữa. Ở khía cạnh nào đó, bầu Đức (và thuộc cấp của ông) không phải không có lý, khi cho rằng, chúng ta quá phung phí tiền bạc cho thị trường chuyển nhượng, thay vì tập trung vào đào tạo trẻ. Nhưng đào tạo trẻ liệu có rẻ như nhiều người nghĩ?!

“Nước” không chảy chỗ trũng

Để kiện toàn hệ thống gối đầu của một đội bóng chuyên nghiệp, cần ít nhất 4–5 tuyến trẻ, từ U11, U13, U15, U17, đến U19... Tính chung bình mỗi tuyến trẻ ấy là 30 cầu thủ/lớp, sẽ có khoảng 150 cầu thủ trẻ tại các lò đào tạo (hay Học viện) và cứ 2–3 năm, 30 cầu thủ trẻ nhất sẽ được thay thế bằng số lượng tương tự những người mới ở đầu vào. Bỏ qua giai đoạn chọn lọc, đào thải, với 200 ngàn đồng/cầu thủ/ngày, trung bình đội bóng sẽ phải chi khoảng 10–15 tỷ đồng/năm cho hệ thống đào tạo trẻ. Một con số không nhỏ.



Mô hình đào tạo trẻ của HA.GL đang là điểm sáng tại V.League. Ảnh: HA.GL FC

Tuy nhiên, chi tiêu như thế nào còn là chuyện “đèn nhà ai nấy sáng”. Ví như ở Nghệ An, địa phương đi đầu trong đào tạo trẻ từ nhiều năm qua, ngân quỹ (bao gồm cả ngân sách và tiền tài trợ) gần như bị hút toàn bộ cho tuyến đầu, tức đội 1 SLNA đá V-League. “Tôi đã từng chứng kiến những bữa ăn 20–30 ngàn đồng/cầu thủ/ngày, không chỉ ở lò Nghệ An, mà ở Đà Nẵng, Nam Định nữa. Tất nhiên, nó không thể đủ chất và so với Học viện HA.GL Arsenal JMG, thì rõ ràng là một trời một vực rồi. Thế mới nói”, HLV trưởng Hà Nội.T&T, Phan Thanh Hùng nói.

Hiện, hệ thống đào tạo trẻ của Hà Nội.T&T (tính đến lứa U19) vẫn nhận sự hỗ trợ chính của Sở VH-TT&DL, cũng như Liên đoàn Bóng đá Hà Nội. Và ngoài ra, đội bóng Thủ đô còn có thêm các vệ tinh ở Cửa Lò (Nghệ An), nên công tác đào tạo trẻ của họ, khá đảm bảo. Nhưng ở Nghệ An, Nam Định, Đồng Tháp và SHB.Đà Nẵng, mọi chuyện không hề đơn giản. Mặc dù đã sở hữu cái nền đào tạo tương đối vững, nhưng Đồng Tháp và Nghệ An, vẫn phải “mua vào”; còn Nam Định, do cơ chế, đội bóng địa phương này đã mất hút trên sàn diễn đỉnh cao lâu rồi.

Người ta phải tự hỏi, tiền nhiều như thế (hàng trăm tỷ đồng/mùa giải) chảy về đâu, khi đáng ra nó phải được chia sẻ, thậm chí ưu tiên cho tuyến trẻ?! Các câu chuyện hậu trường về việc đẩy giá cầu thủ, cắt phế và những cuộc chiến quyền lợi âm ỉ, là có cơ sở. Trong rất nhiều những phát biểu của mình, hẳn bầu Đức là người nằm lòng vấn đề này. Hơn 10 năm trước, ông mua Kiatsuk với giá trên trời, sau đó là đội hình “dream team”, rồi Thonglao, Lee Nguyễn… B.Bình Dương cũng không bỏ qua dịp may nhỏ nhất nào để dải ngân, bắt đồng tiền phải động.

Ngay lúc này, các CLB trực thuộc các Công ty mẹ, tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia Việt Nam, đều có bộ phận kinh doanh, nhưng phần lớn hoạt động không (hoặc thiếu) hiệu quả. Ngay cả những tham vấn mua sắm ngôi sao, cũng không hẳn để đội bóng hút khách hơn (người xem và đối tác tài trợ - quảng cáo), mà đôi khi nó chỉ là đồ trang sức (của bầu), đồng thời làm lợi cho thiểu số (tỷ lệ ăn chia với cầu thủ có thể lên đến 50/50), những người có vai trò nhất định tại đội bóng.

 Cuối cùng, thì bóng đá trẻ vẫn chịu thiệt, khi tiền không được rót về. Vậy cho nên chuyện tính "đủ đầy" của bóng đá chuyên nghiệp Việt, thực ra chỉ là chuyện tính ngọn mà không tính gốc.

2 triệu USD của bầu Đức

Khi thành lập Học viện HA.GL Arsenal JMG, ông chủ đội bóng phố núi đã tính toán chi li rằng, để một lứa cầu thủ tốt nghiệp (sau 7 năm đào tạo), ông sẽ mất khoảng 2 triệu USD tiền hùn hạp với đối tác (khoảng 6 tỷ đồng/năm).

Theo chia sẻ của GĐĐH CLB HA.GL, ông Huỳnh Mau, thì hệ thống đào tạo trẻ của đội bóng phố núi thậm chí còn được chăm sóc tốt hơn đội 1 đá V-League (dễ thấy nhất là việc cân đối tiền nong). Từ đội ngũ HLV với phương pháp cấp tiến, chế độ ăn, ở, sinh hoạt, đều ưu việt cả.

Điều này là cực kỳ quan trọng và người trong cuộc kỳ vọng rằng, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, mới chỉ là lứa cầu thủ giỏi đầu tiên ra ràng, chứ không phải cuối cùng. Cả bầu Đức, Arsenal, cũng như JMG toàn cầu đều mong mỏi, trong tương lai gần, sản phẩm của họ có thể bán được, hòng tái tạo vốn và tạo uy tín trên thị trường. Chứ còn nếu chỉ trông vào V-League thì... khó có lãi.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm