AFC Cup và điệp vụ bất khả thi

27/03/2014 09:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong quá khứ, B.Bình Dương từng ghi tên mình vào lịch sử khi đã là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào tới bán kết AFC Cup 2009. Đấy là một cột mốc chói lọi của nền bóng đá tại giải đấu cấp châu lục.

Một năm sau, đến lượt SHB.Đà Nẵng thử vận may, sau khi đã loại chính B.Bình Dương ở vòng 1/8. Nhưng thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức đã không thể tiến xa hơn, hay ít nhất cũng san bằng thành tích của đội bóng đất Thủ.

Nếu lịch sử có tiếng nói nhất định, khi không một CLB nào của Việt Nam vừa có thể đảm bảo việc thi đấu tốt ở giải đấu châu lục, vừa đủ khả năng tranh chấp huy chương tại giải quốc nội, thì e rằng Hà Nội.T&T, cũng như V.Ninh Bình năm nay cũng không phải ngoại lệ.

Thành tích 3 trận toàn thắng ở vòng bảng, cho phép 2 đại diện Việt Nam nghĩ đến vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên ở AFC Cup (vòng 1/8), nhưng mọi chuyện mới chỉ bắt đầu.

Năm 2009, thời điểm B.Bình Dương đang còn là ĐKVĐ V-League (2 mùa giải liên tiếp) và với sự đầu tư như không có điểm dừng, họ có đủ cơ sở để tin rằng mình có thể làm luôn cú hat-trick ở giải đấu quốc nội. Nhưng câu trả lời là không gì cả, khi đội bóng đất Thủ chỉ về thứ 2, kém nhà vô địch SHB.Đà Nẵng đến 7 điểm (thực tế, SHB.Đà Nẵng đã vô địch trước 4 lượt trận và gần như không còn động lực để tích lũy thêm điểm số).

Tình huống lặp lại thậm chí còn tệ hơn với chính SHB.Đà Nẵng ở mùa giải mà họ đã phải căng sức ra để chinh chiến ở đấu trường AFC Cup (năm 2010). Tại V-League năm đó, thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức chỉ cán đích ở vị trí thứ 6, với 6 điểm ít hơn ngôi đầu của người anh em Hà Nội.T&T.

Kế đến là SLNA, Hà Nội.T&T, rồi XMXT.Sài Gòn… cũng rơi vào tình cảnh không mấy lạc quan khi cùng lúc phải tham dự nhiều sân chơi.

Dài dòng như thế để thấy rằng, bóng đá Việt Nam cấp CLB rõ ràng là chưa sẵn sàng cho mục tiêu ở nhiều giải đấu cùng lúc. Không phải chúng ta không thể làm tốt nhiều việc ở cùng một thời điểm, mà đơn thuần là bài toán kinh tế, chiến lược phát triển.

Nói chuyện xoay tua cầu thủ nghe đơn giản, nhưng quá khó để thực hiện điều đó, khi tại phần lớn các đội bóng Việt Nam, luôn chỉ có chừng 15/30 cầu thủ thay nhau đứng trong đội hình xuất phát.

Đấy là vấn đề lớn của các CLB Việt Nam, thậm chí của cả nền bóng đá, khi chúng ta vẫn chỉ giữ thói quen trồng cây ngắn ngày. Khi ĐTQG bao năm qua vẫn chỉ những gương mặt cũ, đấy không hẳn là lỗi của các HLV, mà sâu xa phải là công tác đào tạo trẻ. Hẳn nó đã bị bỏ rơi quá lâu rồi.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm