Barcelona: Cái chết của lò đào tạo La Masia

22/08/2020 21:25 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Barcelona có hệ thống cầu thủ trẻ nổi tiếng nhất thế giới - được Johan Cruyff xây dựng nên, và tạo ra những tên tuổi như Messi, Xavi và Iniesta. Thế nhưng, sau nhiều năm chi tiêu lớn, họ đang gặp khó khăn.

 

Marc Jurado chọn MU: Điều gì đang xảy ra với lò La Masia của Barca?

Marc Jurado chọn MU: Điều gì đang xảy ra với lò La Masia của Barca?

Khi Marc Jurado, 16 tuổi, trông chờ vào tương lai của mình tại MU, Barcelona sẽ phải đặt câu hỏi rằng, làm thế nào một tài năng trẻ họ đào tạo lại muốn rời đi tới một đội bóng khác. Câu chuyện này đã từng xảy ra trong quá khứ, như trường hợp của Cesc Fabregas đến Arsenal năm 2003.

 

Danh tiếng

Tháng 11/2012, lần đầu tiên cả 11 cầu thủ có mặt trong chuyến làm khách tại Levante đều xuất thân từ lò La Masia, học viện huyền thoại của Barca. Khỏi phải nói thì một thủ môn như Victor Valdes đã tự hào như thế nào.

“Bạn không thể yêu cầu nhiều hơn 11 cầu thủ đã trưởng thành từ hệ thống trẻ,” Valdes nói. “Đó là điều mà tất cả các đội vĩ đại khác trên thế giới đều muốn hướng tới. Tại sao không? Bởi bạn không cần phải kí hợp đồng lớn để có một câu lạc bộ tuyệt vời”.

“Đây là kết quả của công việc đã được thực hiện từ 15 đến 20 năm trước và rõ ràng nó không xảy ra chỉ sau một đêm…”.

Đội hình khi đó thật đáng chú ý: Valdes, Montoya, Pique, Puyol, Alba, Busquets, Xavi, Fabregas, Pedro, Iniesta và Messi - và họ dễ dàng có chiến thắng 4-0 tại Ciutat de Valencia.

Và không quên rằng, trên băng ghế còn những gương mặt cũ của La Masia. HLV là Tito Vilanova, một cựu cầu thủ của La Masia và giữ vai trò trợ lí trong những thành công đầu tiên của Pep Guardiola. Hiện tổ hợp huấn luyện của đội bóng xứ Catalunya đang được đặt theo tên của Vilanova sau khi ông qua đời vì ung thư vào năm 2014.

Sân tập này, nằm cách 5 dặm so với Nou Camp trong thung lũng sông Llobregat, được trang bị hiện đại hơn so với La Masia vốn là một trang trại cũ. Gần đây nhất là năm 2007, khách du lịch trên xe buýt có thể xem đội 1 của Barca tập luyện ngay bên ngoài Camp Nou.

Do điều kiện chật chội, Barcelona là một trong số những câu lạc bộ phải nâng cấp lên những cơ sở vật chất khang trang, hiện đại hơn. Sân tập mới của họ không hoành tráng như Real Madrid nhưng tòa nhà trông giống như khách sạn Ibis. Khác biệt là thay vì trên tường là hình ảnh hoa quả hoặc những khu rừng rậm rạp, trên đó là hình ảnh nhiều cựu cầu thủ tốt nghiệp đã có mặt trong đội 1.

Ở quầy lễ tân là nhiều hình ảnh của Lionel Messi, Andres Iniesta và Xavi. Ngoài ra còn có hình ảnh của cả Johan Cruyff và Laureano Ruiz: Người có ảnh hưởng lớn trong cuộc cách mạng đào tạo trẻ của câu lạc bộ những năm 1970 và 80, và là nguồn cảm hứng cho cầu thủ người Hà Lan.

Barcelona: Cái chết của lò đào tạo La Masia, La Masia, Koeman, Messi, Bong da, lò đào tạo La Masia, Barcelona khủng hoảng, Barcelona bị loại khỏi Cúp c1, Bartomeu, Barca
Trong những năm gần đây, La Masia cung cấp cầu thủ chủ yếu cho… các đội bóng khác, không phải Barca

Barca muốn đào tạo ra những con người xuất sắc cũng như những cầu thủ tuyệt vời. Giáo dục là quan trọng: Tôn trọng được đề cao, với đối thủ không bao giờ được gọi là kẻ thù. Chủ đề là sáng tạo, không phải hủy diệt; là thu hồi bóng, không “ăn cắp” nó.

Còn sân Johan Cruyff mới có sức chứa 6.000 chỗ, trị giá 12 triệu euro được mở cửa vào năm 2019. So với sân cũ thì nhỏ hơn nhưng 6.000 là con số thực tế cho Barca B, đội chỉ có trung bình khoảng 2.900 người hâm mộ trong 10 năm qua. Vấn đề là một sân mới đồng nghĩa những ngày CĐV có thể xem đội B và sau đó qua Camp Nou xem đội 1 thi đấu đã không còn nữa.

Nên nói thêm là những tấm hình và câu nói của Cruyff có mặt khắp nơi để truyền cảm hứng cho các cầu thủ trẻ, trong đó có câu: “Bóng đá là trò chơi bạn chơi bằng trí não của mình” hoặc “Tôi thích thắng 5-4 hơn 1-0”.

Đó là một ngôi nhà phù hợp với danh tiếng của La Masia là học viện tốt nhất thế giới, nhưng danh tiếng của nó giờ không còn như xưa.

Lụi tàn

Levante năm 2012 là đỉnh cao cho Barca và La Masia. Đội 1 từng chỉ 1 lần vô địch La Liga từ năm 1974 đến năm 1991 đã trở thành nhà vô địch quen thuộc ở La Liga và cả Champions League. Nòng cốt của họ không ai khác là dàn cầu thủ địa phương, với sự bổ sung cần thiết từ những ngôi sao quốc tế, tất cả đã giúp Barca trở nên siêu mạnh. Nói như Ferran Soriano, hiện là giám đốc điều hành của Man City và là phó chủ tịch của Barcelona trong 5 năm, khẳng định rằng, đó là một chu kì, nơi thành công tiếp nối thành công.

Jaume Llopis, một cựu cầu thủ bóng đá, bạn thân của Cruyff và là nhà kinh tế học nổi tiếng người Tây Ban Nha, thuộc nhóm Cựu cầu thủ Barcelona, ​​cho biết: “La Masia lúc đó là nền tảng của đội 1, với 8 cầu thủ trưởng thành trong mỗi trận đấu. Và tất nhiên là cả 11 người trong trận gặp Levante”.

Vậy tại sao điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, và đội bóng xứ Catalunya đã làm gì sai?

Theo Jordi Quixano, người chuyên theo dõi Barca cho nhật báo El Pais, câu lạc bộ đã bị phân tâm bởi vấn đề độc lập của xứ Catalunya, đồng thời chi rất nhiều tiền để tu sửa lại sân Camp Nou. Kết quả, như Quixano tin vậy, là “Barcelona đã đánh mất mô hình vì những người lãnh đạo không chia sẻ tầm nhìn dài hạn như những người tiền nhiệm của họ”.

Vậy câu lạc bộ đã phản ứng như thế nào? Quixano nhanh chóng chỉ ra rằng, Barca nên ưu tiên cho La Masia và cần thay đổi khi có quá nhiều cầu thủ trẻ chạy theo những lời mời hấp dẫn và đến Premier League. Điều này về lâu dài có thể làm giảm chất lượng đào tạo của Barcelona.

Barcelona: Cái chết của lò đào tạo La Masia, La Masia, Koeman, Messi, Bong da, lò đào tạo La Masia, Barcelona khủng hoảng, Barcelona bị loại khỏi Cúp c1, Bartomeu, Barca
Đội hình Barca trong trận gặp Levante tháng 11/2012. Cả 11 cầu thủ ra sân của Barca đều từ lò La Masia

Bên cạnh đó, đội chủ sân Camp Nou cũng là đội có quỹ lương cao nhất thế giới, chiếm 70% tổng doanh thu của họ trong năm 2018. Nghĩa là họ cần phải cắt giảm đáng kể sau khi những bản hợp đồng khổng lồ như Antoine Griezmann, Philippe Coutinho và Ousmane Dembele đều không cho thấy phong độ trước đây. Rồi mức lương quá cao của Messi cũng làm tăng sự mất cân đối, dù chính tiền đạo người Argentina thừa nhận Barca hiện tại không còn là Barca của 10 năm trước, vì “Chúng tôi đã không dành đủ sự quan tâm cho học viện. Nhiều cầu thủ trẻ quan trọng đã ra đi, và điều này là hiếm khi xảy ra ở một đội bóng mạnh nhất thế giới”.

Còn theo Manolo Marquez, một người Catalunya từng kế nhiệm Quique Setien vừa bị sa thải tại Las Palmas vào năm 2017, người hâm mộ của Barca cũng có lỗi trong sự suy thoái của La Masia. “Barcelona không phải là Chelsea,” Marquez nói. “Quá nhiều người hâm mộ thừa nhận rằng họ thích ý tưởng này nhưng không chấp nhận tạo cơ hội cho những cầu thủ trẻ, tái xây dựng và đứng thứ 4. Chỉ số 1 hoặc số 1”.

“Điều đó giải thích tại sao Ernesto Valverde dù biết rõ vẫn do dự khi thử nghiệm các cầu thủ trẻ. Setien, một người bạn mà tôi vô cùng kính trọng, cũng có những ý tưởng bóng đá đẹp nhưng anh ấy cần phải vô địch La Liga hoặc Champions League”.

Hệ quả là trận đấu cuối cùng của Setien trước khi Tây Ban Nha bước vào giai đoạn giãn cách xã hội vì virus corona, chiến thắng 1-0 trên sân nhà trước Sociedad, là họ chỉ còn 4 cầu thủ từng trưởng thành từ La Masia: Messi, Gerard Pique, Sergio Busquets và Jordi Alba. Và tất cả đều trên 30 tuổi.

Nhìn ra băng ghế dự bị, họ cũng chỉ có 3 trong số 7 cầu thủ thay thế đến từ học viện: Riqui Puig, Alex Collado và Ansu Fati. Trong số này, Fati được coi là phát hiện của mùa giải này và được xem là cầu thủ có triển vọng trở thành ngôi sao tương lai. Tuy vậy, một Fati rõ ràng cũng không thể khôi phục lại danh tiếng ngày càng lụi tàn của La Masia.

Gần đây, Barcelona đã để mất một loạt cầu thủ trẻ Tây Ban Nha, trong đó có Adrian Bernabe (18) cho Man City, Sergio Gomez (19) cho Dortmund, Pablo Moreno (17) cho Juventus, Jordi Mboula (21) cho Monaco, Abel Ruiz (20) cho Braga, Carles Perez (22 tuổi) cho Roma, và Robert Navarro (17 tuổi) cho Monaco và sau đó là Real Sociedad. Hầu hết tất cả các cầu thủ này đều là người Catalunya. Họ chỉ mới 16 tuổi và nhận lương 15.000 euro mỗi năm như một phần của hợp đồng đầu tiên, trong khi Man City có thể đưa ra đề nghị lên tới 250.000 euro để giải thích tại sao Barcelona ngày càng cạn kiệt tài năng.

 

Mạnh Hào

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm