Từ EURO đến Premier League: Cần thêm những ngôi sao ngoại quốc

04/07/2012 14:45 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Giải Ngoại hạng Anh vẫn tự hào là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, nhưng trong đội hình xuất sắc nhất của EURO 2012 (23 cầu thủ), chỉ có 3 người đang thi đấu tại xứ sương mù. Và trong số này, cũng chỉ Steven Gerrard là người Anh.

Chỉ có thể kết luận một điều: không có đủ những người ngoại quốc tài ba chơi bóng ở nước Anh. Những cầu thủ giỏi nhất thế giới, hoặc ít ra là châu Âu, hiện giờ đang chơi bóng ở La Liga, Serie A hoặc Bundesliga. Điều đó nghe lạ tai không chỉ bởi Premier League được ca tụng nhiều, mà đã không ít lần chính bản thân người Anh cho rằng có quá nhiều lính lê dương ở giải đấu của họ làm cản trở sự phát triển của các cầu thủ bản địa.

Thật ra, trong những năm 1970, khi mà bóng đá chưa toàn cầu hóa và gần như mọi đội bóng hàng đầu ở giải Ngoại hạng đều chỉ sử dụng cầu thủ nội, Anh thậm chí còn không vượt qua được vòng loại World Cup. Bóng đá Anh chỉ bắt đầu nói về những thế hệ vàng sau khi chuyển đổi sang Premier League và làn sóng cầu thủ ngoại bắt đầu tràn vào.


 Gerrard là cầu thủ Anh duy nhất được chọn vào đội hình tiêu biểu EURO 2012, nhưng anh thua xa Pirlo - Ảnh: Getty

Thật vậy, những cầu thủ Anh đã được hưởng lợi rất nhiều từ các ngôi sao lớn đến từ châu Âu lục địa. Khi những cầu thủ như Cristiano Ronaldo, Xabi Alonso và Cesc Fabregas vẫn còn ở M.U, Liverpool và Arsenal, Premier League có thể tự nhận là giải đấu số một thế giới. Nhưng sự tự hào đó không còn chắc chắn nữa, bất chấp chức vô địch mới đây của Chelsea ở Champions League. Càng có nhiều những cầu thủ như thế, các cầu thủ Anh bản địa càng học hỏi được nhiều hơn. Chơi bóng bên cạnh những đồng đội hoặc đối mặt với những địch thủ giỏi nhất sẽ luôn khiến bạn giỏi hơn.

Không thể đánh giá thấp tài năng tự thân của những John Terry, Steven Gerrard hay Ashley Young, nhưng việc chơi bên cạnh Ricardo Carvalho, Alonso hay Nani đã góp phần quan trọng trong việc biến họ trở thành các cầu thủ Anh chơi hay nhất ở EURO 2012. Tuy nhiên, khi đặt họ bên cạnh những nhà tân vô địch châu Âu Tây Ban Nha, rõ ràng tuyển Anh không có chút cơ hội nào.

Tương tự, tài năng của Xavi, Andres Iniesta, Jordi Alba hay Alonso là không thể nghi ngờ, nhưng họ đã hưởng lợi nhiều nhờ chơi ở hai đội bóng tập trung nhiều siêu sao thế giới nhất lúc này. Chơi bên cạnh Dani Alves hay Lionel Messi chắc chắn giúp Xavi và Iniesta có thể điều khiển trận đấu theo ý họ tốt hơn. Đá cặp với Mesut Oezil hay Sami Khedira khiến Alonso vẫn duy trì được sự trẻ trung và tầm nhìn sắc bén.

Hấp dẫn nhất thế giới để làm gì?

Một vấn đề khác với bóng đá Anh là trong khi thuộc vào loại giải đấu có tính toàn cầu hóa nhất ở châu Âu và thế giới, đôi khi áp lực thương mại khiến nhiều CLB, thậm chí cả những đội lớn, chấp nhận các hợp đồng ngoại quốc không có ý nghĩa nhiều về chuyên môn, lấy mất chỗ của những tài năng bản địa và không tạo ra ảnh hưởng gì đáng kể. M.U là một ví dụ khá điển hình với những vụ mua sắm kỳ lạ như Đổng Phương Trác, chỉ đá 2 trận trong 4 năm thuộc sở hữu Old Trafford. Hay mới hơn là Park Chu Young hay Ryo Miyaichi ở Arsenal.

Sự thuần nhất về phong cách và văn hóa bóng đá của cầu thủ cũng rất được coi trọng ở La Liga và Serie A, điều mà Premier League phớt lờ. Trong khi hai nền bóng đá Nam Âu vào chung kết EURO 2012 đặc biệt ưu tiên cho những lính lê dương Nam Mỹ và Latin có lối chơi gần gũi với các đội bóng ở đó, thì Premier League thực sự là một nồi lẩu thập cẩm tập hợp đủ các lối chơi và cách tiếp cận từ năm châu bốn bể, nhưng rồi rốt cuộc không thể giúp đội tuyển quốc gia hình thành nên một phong cách mang tính bản sắc.

Sự tách tốp và đẳng cấp rõ ràng ở La Liga, nơi Real Madrid và Barcelona thống trị, hay Serie A, với ba đại gia Juventus, AC Milan và Inter Milan, trong khi khiến các giải đấu đó bị đánh giá là thiếu hấp dẫn so với Premier League, nơi ngay cả những gã khổng lồ như Man City hay M.U cũng có thể bị các đội chiếu dưới quật ngã, hóa ra lại có lợi hơn cho các đội tuyển TBN và Italia. Nhà vô địch thực ra là bộ khung Barcelona, bổ sung Real Madrid và một, hai cầu thủ khác. Còn đội á quân được coi là Juventus mở rộng. Ngược lại, đội hình xuất phát của Anh ở trận tứ kết gặp Italia bao gồm những cầu thủ đến từ 5 CLB khác nhau.

Một cách ngắn gọn, người Anh phải tỏ ra thực tế hơn, chấp nhận những ảnh hưởng lớn hơn từ châu Âu lục địa, sẵn sàng học hỏi hơn và xây dựng đội hình trên một cơ sở ổn định hơn, nếu họ không muốn tiếp tục ôm hận tại những giải đấu lớn.

Trần Trọng

Không định hình phong cách

Thật ra, các tiền vệ nhạc trưởng ở nhiều đội bóng hàng đầu nước Anh hiện giờ đều là người ngoại quốc. Chỉ có điều, họ là một tập hợp khá lộn xộn những phong cách khác nhau để có thể hình thành nên một lối chơi thuần nhất cho Tam sư.

Ở Man City là David Silva, tiền vệ 26 tuổi người TBN đã đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch chinh phục Premier League mùa vừa rồi của đội chủ sân Etihad.

Tại Chelsea là Juan Mata, một người TBN khác, đã chơi rất hay trong màu áo Chelsea mùa vừa rồi, nhưng không được trọng dụng ở đội tuyển quốc gia tại EURO 2012.

Với Tottenham là Luka Modric, tiền vệ người Croatia đang được nhiều đội bóng lớn săn đuổi, có phong cách Balkan hết sức điển hình.

Newcastle, đội xếp thứ 5 tại giải Ngoại hạng mùa vừa rồi, có thủ lĩnh tuyến giữa là những người Pháp, Yohan Cabaye và Hatem Ben Arfa, đều không nổi bật ở EURO 2012.

Trong khi đó, những tiền vệ tấn công giỏi nhất mà Premier League từng tự hào, Cesc Fabregas và Cristiano Ronaldo, đều đã ra đi. Những người khác cũng được đánh giá rất cao tại đấu trường châu lục, Mesut Oezil hay Wesley Sneijder, thì lại lắc đầu với giải Ngoại hạng Anh.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm