Nhà nhà đá pressing, Premier League không còn hấp dẫn?

23/12/2016 19:13 GMT+7 | Liverpool

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Liverpool của Juergen Klopp vô địch Premier League mùa này, chiến thắng 1-0 trước Everton có thể xem là bước ngoặt. Đó là chiến thắng cổ điển cho một nhà vô địch: làm khách trước đại kình địch, trận đấu nghèo nàn nhưng thắng ở phút cuối.

Nhiều năm rồi, CĐV Liverpool không ăn mừng mãnh liệt như thế. Với giới trung lập, họ nghĩ rằng đó sẽ là một trận đấu hay tại Goodison Park nhưng thực tế thì thật thất vọng. Trận đấu diễn ra căng thẳng, quyết liệt nhưng có quá ít khoảnh khắc đẹp mắt và kỳ diệu. Cả trận, chỉ có đúng một tình huống hoa mĩ: Sadio Mane phối hợp 1-2 với Roberto Firmino, cầu thủ người Brazil đánh gót ngẫu hứng theo bản năng trên đà chạy của đồng đội. Không có bàn thắng nhưng nó khiến thủ thành Maarten Stekelenburg phải rời sân sau pha va chạm với Leighton Baines trong nỗ lực truy cản. Một giây phút lẻ loi trong muôn vàn tình huống cầu thủ hai bên “thở hổn hển”.

Những trận đấu như vậy không hiếm ở Premier League ngày nay. Trái với 3, 4 năm về trước, khi mà các đội bóng tập trung lối đá kiểm soát bóng, thì hiện tại, tư-tưởng-pressing đang lấn át hơn cả. Cả Mauricio Pochettino và Juergen Klopp đều mang đến hình ảnh mới cho Tottenham và Liverpool với cốt lõi là bịt kín khoảng trống ngay từ phần sân đối phương.

Pep Guardiola cũng “ủng hộ” tư tưởng này trong khi Antonio Conte thì pressing với cường độ ít hơn nhưng vẫn đầy hiệu quả. Thậm chí Arsene Wenger, người mà đôi khi sẵn sàng hi sinh triết lý để chiều lòng xu thế ở vài bối cảnh nhất định, yêu cầu các học trò gây áp lực tầm cao dù trận thua trước Man City không phải đất diễn thích hợp.

Góc kỹ thuật: Klopp, gegenpressing và 4-2-3-1 cho Liverpool

Góc kỹ thuật: Klopp, gegenpressing và 4-2-3-1 cho Liverpool

Kỷ nguyên của Juergen Klopp được mở ra từ buổi họp báo diễn ra vào buổi sáng ngày 09/9 (giờ Anh). Ở đó, ông nói rằng chỉ muốn được chú ý trên sân đấu, sân tập. Ông chỉ muốn nói về chuyên môn. Vậy hãy nói về chuyên môn.

Lật lại lịch sử thì tập thể Hà Lan thập kỷ 70 có lẽ là đội bóng tôn sùng và chơi pressing cuốn hút bậc nhất. Gần đây, pressing cũng góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng của Guardiola với Barcelona để tạo nên đội bóng xuất sắc hơn tất cả. Hai ví dụ trên đều là những tập thể sở hữu kỹ thuật thượng thừa, nơi mà pressing chỉ đáng xếp sau triết lý kiểm soát bóng và kỹ năng hoán đổi vị trí huyền ảo. Về cơ bản, họ không phải là những đội chơi pressing thuần khiết, họ không coi nó là yếu tố sống còn.

Tottenham và Liverpool mới là 2 cái tên “sống chết” vì pressing. Liverpool luân chuyển bóng rất nhanh với sự kết hợp của một hàng công đầy năng lượng. Bàn thắng vào lưới Middlesbrough tuần trước của Divock Origi là hình ảnh mẫu mực để miêu tả mối liên kết chớp nhoáng đó. Tuy nhiên, phong cách thật sự của Liverpool là làm nhiễu loạn đối phương hơn là chủ động triển khai lối đá tấn công riêng. Khi điều đó trở thành một dấu ấn tiên quyết thì trận đấu bắt đầu trở nên vụn vặt.

Pressing và bóng hai

Ví dụ như trận đấu với Everton. Ronald Koeman hiểu rõ là Everton cần bắt kịp nhịp độ của Liverpool nên ông chỉ bảo các học trò rất kỹ lưỡng trong việc áp sát đối thủ thật nhanh. Đó là một trận derby Merseyside kiểu mẫu, trận đấu chứng kiến nhiều thẻ đỏ nhất lịch sử Premier League, nhưng hôm đó không có bất cứ pha vào bóng tệ hại nào suốt hiệp 1. Trận đấu chỉ trở nên “thể lực” hơn sau khi Ross Barkley vào bóng thô bạo với Jordan Henderson ở thời điểm 20 phút cuối. Kể từ đó, các cầu thủ gần như chỉ muốn đá trái bóng đi trước khi ai đó lao vào xoạc bóng, hình ảnh hoang mang, vội vàng và chuyền sai hiện lên rõ rệt.

Everton tập trung chơi bóng dài, phương án họ từng áp dụng khi gặp Arsenal và Man United nhưng, có điều khác là hôm thứ Hai, họ muốn thoát khỏi bẫy pressing của đối thủ trước tiên bằng việc đưa bóng lên thật nhanh cho Romelu Lukaku chứ không hề có tính chủ động.

Lukaku, cầu thủ với sở trường là những pha đón chọc khe ở biên, gần như chỉ đóng vai trò làm tường vào hôm đó, dùng ngực chuyền bóng để tuyến hai băng lên. Barkley, cầu thủ chơi sáng tạo duy nhất nơi hàng tiền vệ Everton, thì không thấy xuất hiện ở khoảng trống giữa khe đối phương rồi tung ra những đường chuyền sắc sảo, điều mà anh đã thể hiện tuyệt vời trong trận hòa 3-3 giữa 2 đội 3 mùa giải trước, mà chỉ chờ để nhận bóng từ tuyến hai.

Everton 0-1 Liverpool


Thật bất ngờ khi bóng-hai đang trở nên phổ biến như thế ở mùa này. Vài năm trước, chúng ta chỉ có thể nhìn thấy điều này ở tập thể của Tony Pulis hay Sam Allardyce nhưng bây giờ, kể cả Guardiola cũng phải coi trọng nó. Sau trận gặp Arsenal, HLV người Tây Ban Nha, người được cho là có tư tưởng tiến bộ nhất về chiến thuật, chia sẻ rằng ông đã sắp xếp những bài tập bóng dài.

“Bạn phải thích nghi với bóng-hai, bóng-ba, thậm chí là bóng-bốn”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với Thierry Henry. “Trước kia, tôi chưa bao giờ đoái hoài đến nó bởi vì ở Barca hay tuyển Tây Ban Nha, các cầu thủ chỉ chơi theo cách của mình. Đó là lý do tại sao họ vô địch World Cup, EURO, Champions League, Europa League. Mọi lần, mọi năm, các CLB Tây Ban Nha đều có mặt ở những trận cuối cùng”.

“Ở Đức, trận đấu mang tính thể lực hơn nhưng không giống ở đây. Ở đây mọi đội bóng đều vậy, có lẽ là trừ Chelsea bởi vì họ đang làm tốt trong phương án lên bóng, nhưng các đội khác thì cao, khỏe, chơi thể lực, nên bạn phải thích nghi và đi từ đó”.

Có thể ban đầu Guardiola không nghĩ bóng đá Anh lại thể lực và trực diện đến thế. Cũng có thể, ông cho rằng Premier League đã có nhiều đội “bắt chước” phong cách lên bóng từ từ, chậm rãi của Barca. Lối chơi tốc độ cao, pressing là hoàn hảo khi được kết hợp bởi những cầu thủ điềm tĩnh, kỹ thuật cao, chuyền bóng thông minh. Khi trận đấu trở nên vỡ vụn để tiến tới bóng dài, thì phải chăng pressing tại Premier League đang có vấn đề gì đó?

Hữu Nam (Theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm