Man City không phải 'mồ chôn' tài năng trẻ

21/07/2015 05:40 GMT+7 | Man City

(Thethaovanhoa.vn) - Một đội bóng muốn gặt hái thành công bắt buộc phải có ngôi sao lớn. Nhưng để duy trì thành công trong một thời gian dài, thì họ phải có nền tảng là những tài năng trẻ. Man City đang đi trên con đường ấy.

1. Với cái giá 49 triệu bảng, kỷ lục đối với một cầu thủ Anh, thương vụ Sterling đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí xứ sương mù. Vụ Fabian Delph “nuốt lời” để cập bến Etihad cũng là một tin tức đáng chú ý về chuyển nhượng của Man City mùa Hè này. Ít người để ý đến việc Man City vừa tuyển mộ 3 chân sút trẻ đều mới 18 tuổi là Patrick Roberts, Enes Unal và David Faupala.

Nhưng rất có thể, đó sẽ là tương lai của Man City, dù ở thời điểm hiện tại, bộ ba trên khó lòng chen chân được vào hàng công đội một, vốn đã có những đàn anh tên tuổi như Sergio Aguero, Wilfried Bony, Edin Dzeko và Stevan Jovetic.

Pellegrini đang tạo ra một cuộc cạnh tranh gắt gao, ngay từ cấp độ trẻ để tìm ra người tốt nhất. Thierry Ambrose, cũng sinh năm 1997, vừa được ký hợp đồng 5 năm, nhưng anh sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với Faupala. Kelechi Iheannacho hy vọng kiếm một suất ở đội một, nhưng anh sẽ phải vượt qua Enes Unal, tuyển thủ Thổ Nhĩ Kỳ. Tất nhiên, sự đào thải là không thể tránh khỏi, Emyr Huws đã gia nhập Wigan mùa trước với giá 3 triệu bảng, còn mới đây Jordy Hiwula đến Huddersfield.

2. Chelsea có thể tung ra nguyên một đội hình tài năng trẻ theo dạng cho mượn khắp toàn cầu. Man United có cặp trung vệ nội trị giá 27 triệu bảng mà họ mua khi mới 19, 20 tuổi (Chris Smalling, Phil Jones). Arsenal xưa nay vốn mạnh về đào tạo trẻ. Còn Man City đang có những gương mặt trẻ đáng chú ý như Jose Pozo, Rony Lopes và Jason Denayer. Thử tưởng tượng viễn cảnh  của Man City 5 năm nữa, với Sterling (25 tuổi), Roberts (23), Brandon Baker (23) cùng với Sergio Aguero (32) hoặc 1 chân sút trẻ khác của học viện!

Đó là viễn cảnh mà Sheikh Mansour từng nghĩ tới từ cách đây gần… 7 năm, khi ông cho khắc lên một bức tường ở học viện bóng đá Man City dòng chữ “Chúng ta xây dựng một kết cấu cho tương lai, chứ không phải một đội bóng toàn ngôi sao”. Đó là tâm niệm của ông khi đổ ra 200 triệu bảng để xây dựng học viện đào tạo trẻ của CLB với quy mô hoành tráng bao gồm 16 sân tập, 1 sân thi đấu (sức chứa 7.000 người), hệ thống phòng gym, phục hồi thể lực hiện đại. Học viện ấy nối với sân Etihad qua một cây cầu, một ý tưởng khá giống với… Barcelona.

Bởi thế, khi Giám đốc kinh doanh City Football Group Francisco Lopez trao đổi với bầu Hiển rằng Man City ấp ủ ý định hợp tác với SHB để mở học viện bóng đá tại Việt Nam, đó không hẳn là những lời nói khách sáo, mà được xem như lộ trình của tương lai.  

3. Không ít tài năng trẻ xứ sương mù đã chôn vùi tài năng ở Etihad vì không thể cạnh tranh với các ngoại binh. Liệu Sterling có đi theo vết xe đổ ấy?

Đúng là đã có những trường hợp chìm nghỉm ở Etihad như Scott Sinclair, Jack Rodwell và Adam Johnson. Nhưng đừng quên Joe Hart, James Milner, Gareth Barry, và Joleon Lescott đã trưởng thành như thế nào tại đây.

Có ai chỉ trích Schneiderlin liều lĩnh khi đầu quân đến Man United, nơi David Bellion, Louis Saha, và Obertan từng thất bại? Không, bởi Schneiderlin tự tin rằng mình sẽ thành công như Eric Cantona và Patrice Evra. Sterling cũng thế, Anh chấp nhận thử thách ở Man City vì tin rằng mình sẽ trở thành một cầu thủ lớn và trụ lại Etihad.

Tuyển Anh cần những cầu thủ như thế, những người dám dấn thân ở những đội bóng lớn, thay vì hài lòng với suất đá chính ở một đội trung bình. Nếu họ vượt qua thách thức đó, tuyển Anh sẽ hưởng lợi. Joe Hart và Milner là những minh chứng rõ rệt nhất.

Sterling sẽ đi theo tấm gương ấy của những đàn anh?

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm