Cả Wenger & Mourinho không được lợi gì vụ Sanchez

04/02/2018 13:00 GMT+7 | Man United

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nhìn nhận kỹ càng, chẳng có ai chiến thắng trong thương vụ này. Phía Wenger và Mourinho đều là “người thua cuộc”.

 

1. Trước vụ Sanchez, lần gần nhất M.U tuyển mộ một cầu thủ thuộc biên chế Arsenal là trường hợp của Robin Van Persie mùa hè năm 2012. Sir Alex Ferguson lúc ấy an ủi người đồng nghiệp Arsene Wenger “có thể trở thành người dạy chơi bài poker ở trường Govan”. Một câu khen ngợi mỉa mai những nỗ lực của Wenger trong việc gây khó khăn cho thương vụ Van Persie. Thời điểm ấy, tuyển thủ người Hà Lan không chịu gia hạn hợp đồng, nhưng Arsenal khiến M.U phải chi tới 24 triệu bảng để chiêu mộ anh.

Hơn 5 năm sau, Wenger để một ngôi sao khác chuyển đến M.U, đó là Alexis Sanchez. Lần này, ông không có cách nào gây khó cho đội chủ sân Old Trafford. Đó là một chỉ dấu rõ ràng cho sự yếu thế của Arsenal so với quyền lực của M.U. Hoàn cảnh hai thương vụ này có những nét tương đồng kỳ lạ. Cả Van Persie lẫn Sanchez đều đòi đi với lợi thế nằm trong tay họ: hợp đồng chỉ còn dưới 12 tháng. Họ muốn tìm thử thách mới ở tuổi 29, thời điểm cuối giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp. Giá trị của họ vì thế giảm đi trông thấy trước thời điểm trở thành cầu thủ tự do.

2. Chưa lúc nào Wenger chịu áp lực với các quả bom “sắp đáo hạn hợp đồng” của Arsenal như mùa này. Theo Walcott, cầu thủ gắn bó lâu năm nhất với Arsenal, đã chuyển màu áo sang Everton. Mùa hè năm ngoái, Alex Oxlade-Chamberlain đến với Liverpool sau những lời đe dọa về khả năng chơi nốt mùa cuối cùng cho Arsenal trước khi ra đi miễn phí.

Sanchez chơi đầy khao khát. M.U đã đúng khi chiêu mộ anh

Sanchez chơi đầy khao khát. M.U đã đúng khi chiêu mộ anh

Alexis Sanchez cuối cùng đã ghi bàn thắng đầu tiên cho M.U, sau khi anh chuyển đến Old Trafford trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Phải tới trận thứ 3 ra sân trong màu áo “Quỷ đỏ”, tiền đạo người Chile mới “mở tài khoản” ở CLB mới.

Có nhiều lúc, người ta thấy thật đáng thương cho Wenger. Đôi khi tiếng nói của ông mất dần trọng lượng, trong khi áp lực càng lúc càng tăng.

3. Wenger chịu áp lực một, Mourinho chịu áp lực gấp hai, gấp ba lần với tân binh Sanchez trong tay. Sự xuất hiện của tuyển thủ người Chile giải tỏa cho Mourinho sau hàng loạt lời ca thán về khâu chuyển nhượng của M.U suốt cả tháng trời. Vừa có được người mình cần, Mourinho tiện tay tiễn Henrikh Mkhitaryan sang Arsenal.

Chiêu mộ một ngôi sao với mức lương cao nhất Premier League, lên tới 350.000 bảng/tuần (chưa kể khoản thu nhập khác) tạo ra thử thách cực đại cho thầy trò Mourinho. Mọi trận đấu của M.U trở thành tâm điểm của sự chú ý. Kỳ vọng dành cho Sanchez là cực lớn.

Rất nhanh chóng, Mourinho tìm cách giải tỏa áp lực dành cho tiền đạo 29 tuổi này. Ông khẳng định mình không chịu sức ép nào phải chi tiền trong phiên chợ mùa đông 2018. Khoảng cách 12 điểm với kình địch cùng thành phố Man City là chi tiết Mourinho cảm nhận M.U không đủ khả năng bắt kịp, kể cả khi được chi cả trăm triệu bảng để bổ sung nhân sự: “Tôi nghĩ bất cứ đội bóng nào, kể cả chúng tôi, Chelsea, Liverpool hay Tottenham, nghĩ rằng cần phải mua sắm trong tháng Một này để bám đuổi Man City. Điều quan trọng là duy trì mạch chiến thắng, giành tối đa số điểm có được và chờ đợi điều gì xảy ra tiếp theo”.

Mất Sanchez, Wenger đã phải chạy đôn chạy đáo tìm lời giải cho hàng công Arsenal. Bên kia chiến tuyến, Mourinho lại đau đầu với một Sanchez hưởng lương cao nhất Premier League.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm