Họa sĩ Duy Liên: 'Biếm họa không thể chết'!

20:06 09/04/2018

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Đối với họa sĩ Duy Liên, vẽ biếm họa chỉ là nghề tay trái, lại không cho ông nhiều đồng ra, đồng vào. Ấy vậy mà ông vẫn trăn trở với nó đến lạ...

Thể thao và Văn hóa có cuộc trò chuyện với họa sĩ biếm họa Duy Liên nhân dịp phát động Giải Biếm hoạ báo chí Việt Nam - cúp Rồng tre lần V-2018.

Vị họa sĩ nay đã ở tuổi thất thập, gắn bó với biếm họa từ thuở đôi mươi và đến giờ danh tiếng đã đủ để được mời vẽ, thế mà vẫn tỏ ra “khoái trá"mỗi lần nghe bạn bè báo tin tranh của ông có mặt trên báo.

Trăn trở để tự “chê” mình

Họa sĩ Duy Liên mê biếm họa từ khi còn là anh sinh viên khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tầm năm 1966. Sau này theo nghề giáo, ông tiếp tục cộng tác cho trên dưới 35 đầu báo thuộc nhiều ngành.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Duy Liên

Nhưng rồi cuộc mưu sinh buộc họa sĩ Duy Liên tạm gác cây cọ trong nhiều năm liền. Vì cơm áo gạo tiền, ông phải vừa giảng dạy, vừa buôn bán thêm để kiếm tiền, thỉnh thoảng cầm cây cọ cho đỡ nhớ.

Thế mà chính trong những lúc mải mê buôn bán, họa sĩ Duy Liên lại có một kỷ niệm đáng nhớ liên quan đến nghề vẽ.

“Có lần tôi đến một xã ở Định Hóa để lấy chè về buôn. Đến khi đi qua trạm quản lý thị trường thì bị giữ lại. Một lúc sau anh cán bộ ra, hỏi tôi có phải Duy Liên không. Nhận xong anh cán bộ ấy cho tôi đi, nửa đùa nửa thật là vì sợ tôi vẽ tranh phê phán xã ấy” - họa sĩ Duy Liên kể.

Ông ví họa sĩ biếm họa cũng như anh hề trong rạp xiếc. Chẳng có trường lớp đào tạo, nhưng cũng chẳng dễ để thành nghề.

Bản thân ông, cầm cọ lâu năm đến vậy mà vẫn tự cho nét vẽ mình chưa đủ sâu sắc, thiếu cá tính lắmvà ông cũng chủ yếulà vẽ tranh vui, tranh châm biếm hiện tượng xã hội.

Sự sống của biếm họa

Đến thời điểm hiện tại, biếm họa đối với họa sĩ Duy Liên như một thú vui tuổi già, cũng như thêm thắt được chút đỉnh không đáng kể vào quỹ lương hưu.

Nếu ngày trước ông làm “tay trái” cũng vẽ được cho vài chục đầu báo thì đến bây giờ, thừa thời gian thật nhưng muốn vẽ nhiều cũng chẳng… có chỗ để đăng. Bởi lẽchẳng mấy báo còn giữ lại mục biếm họa.

Chú thích ảnh
Tranh của họa sĩ Duy Liên

“Biếm họa đang bị hiểu sai trầm trọng. Bản chất của biếm họa là phát hiện và sửa chữa, mang tính đóng góp xây dựng, nhiều người lại cho rằng đấy là nói xấu, đả kích. Thành ra người ta có phần dè chừng” - họa sĩ Duy Liên thẳng thắn, đồng thời cho rằng vị trí của biếm họa nhiều năm trở lại đây đang ở dưới mức xứng đáng.

“Họa sĩ biếm họa có tranh đăng trên báo là nhà báo vẽ. Bản thân các họa sĩ biếm họa đều là người rất thực tế và trong sạch. Một bức tranh có khi có sức mạnh bằng vài trang từ ngữ. Nhưng biếm họa lại không hề được để ngang hàng với những loại hình báo chí khác”.

Ông lấy ví dụ: “Tranh biếm họa trên báo hầu hết đặt ở trang cuối cùng, thậm chí không được đề trên mục lục tờ báo, tạp chí”.

Nhuận bút ngày một thấp, không có “đất dụng võ” và vai trò bị xem nhẹ, thành ra lượng “nhà báo vẽ” cứ... rơi rụng dần. Đặc biệt là thế hệ trẻ thì theo họa sĩ Duy Liên, “mười người chỉ có một”, trong khi thế hệ trẻ có sức tiếp cận vấn đềmạnh hơn các “tiền bối”.

Nhưng vị họa sĩ tuổi ngoài thất thập vẫn có niềm tin: “Biếm họa không thể chết!”. Bởi ông hiểu, nhiều độc giả vẫn còn ham thích biếm họa lắm.

“Ngày trước mua báo họ xem tranh đầu tiên, thậm chí không có tranh thì không đọc nữa”. Ông kết luận: “Biếm họa không chết, nhưng sống thế nào thì lại là chuyện khác”.

Mơ ước về một triển lãm biếm họa quy mô toàn quốc

Họa sĩ Duy Liên cho biết, thời điểm từ năm 1975 đến những năm 1990 là thời kỳ cực thịnh của các triển lãm biếm họa. Ngày ấy, người dân đi xem tranh nô nức đến nỗi ông và vài họa sĩ khác phải trèo tường, trèo cửa sổ để ngó xem tranh của mình có được trưng không.

Nhưng rồi chẳng biết vì sao, các triển lãm biếm họa bị lãng quên dần.

“Điều mà tôi cũng như các anh em họa sĩ biếm họa mong nhất bây giờ là có một triển lãm mang tính toàn quốc. Không một năm thì cũng hai năm một lần, để chúng tôi có cơ hội ngồi lại với nhau. Tranh vẽ ra có chỗ để trưng” - họa sĩ Duy Liên bộc bạch.

Biếm họa cần lan tỏa trên môi trường online

Biếm họa cần lan tỏa trên môi trường online

Gần một thế kỷ hiện diện cùng nền báo chí Việt Nam, biếm họa đã thật sự tạo ra một dòng chảy lịch sử độc lập, đóng góp một ngôn ngữ quan trọng, khó thay thế. Trong hàng trăm tác giả không chuyên và chuyên góp phần làm nên lịch sử biếm họa Việt Nam, đã có vài họa sĩ vượt ra biên giới để xứng tầm quốc tế như Chóe, Lý Trực Dũng…

Hà My

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự