Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu.

Bầu cử QH và HĐND: Công tác kiểm phiếu diễn ra thế nào?

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc, việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu. Theo Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.         

Tính đến 19 giờ ngày 23/5/2021, cả nước có tổng số 69.509.324/70.098.949 cử tri đi bầu, đạt 99,16%.

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Trình tự tiến hành kiểm phiếu   

Trình tự tiến hành kiểm phiếu bao gồm các bước:   

- Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm kê (đếm), niêm phong phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử do cử tri gạch hỏng (nếu có), lập biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (theo Mẫu số 35/HĐBC); toàn bộ phiếu bầu cử chưa sử dụng và phiếu bầu cử bị gạch hỏng được niêm phong và gửi kèm theo biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu đến các Ban bầu cử tương ứng.   

- Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử mời 2 cử tri là người biết chữ, có uy tín trong nhân dân tại địa bàn và không phải là những người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại khu vực bỏ phiếu đó chứng kiến việc mở hòm phiếu. Người ứng cử hoặc người đại diện hợp pháp của người ứng cử và các phóng viên được chứng kiến việc kiểm phiếu của Tổ bầu cử, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn để Tổ bầu cử thực hiện nhiệm vụ kiểm phiếu.   

- Tổ trưởng Tổ bầu cử mở hòm phiếu chính và hòm phiếu phụ (nếu có) để tiến hành việc kiểm phiếu.   

- Tổ bầu cử thực hiện việc phân loại phiếu bầu theo màu phiếu bầu đại biểu Quốc hội, màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; màu phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; kiểm kê (đếm) tổng số phiếu trong hòm phiếu để xác định số phiếu thu vào và bàn giao các loại phiếu cho các nhóm đã được phân công của Tổ bầu cử để bắt đầu việc kiểm phiếu.   

- Tổ bầu cử tiến hành kiểm tra tổng số phiếu thu vào so với tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nếu tổng số phiếu thu vào bằng hoặc ít hơn số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử mới được tiến hành kiểm phiếu. Trường hợp tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải kiểm tra lại; nếu kiểm tra lại vẫn cho kết quả tổng số phiếu thu vào nhiều hơn tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu thì lập tức niêm phong hòm phiếu và báo cáo ngay Ban bầu cử tương ứng để giải quyết. Trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Ban bầu cử thì Ban bầu cử phải kịp thời báo cáo Ủy ban bầu cử tương ứng để xem xét, quyết định.

Chú thích ảnh
Triển khai lực lượng bảo vệ thùng phiếu an toàn sau khi cử tri đi bầu cử đạt tỷ lệ 100%. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Quy định về phiếu bầu cử hợp lệ   

Về nguyên tắc, phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:  

- Phiếu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.   

- Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử.   

- Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.   

- Phiếu không ghi thêm tên người khác ngoài danh sách những người ứng cử hoặc ghi thêm nội dung khác.   

Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu để bảo đảm phiếu bầu cử hợp lệ. Theo các hướng dẫn tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không được để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu. Tuy nhiên, trường hợp trên phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.   

Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.   

Tương tự như vậy, trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn () do những người ứng cử trong danh sách ghi trên phiếu có cả họ, tên và tên đệm giống nhau, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Quy định về phiếu bầu cử không hợp lệ   

Những phiếu bầu cử không hợp lệ là:  

- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.   

- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử.   

- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.   

- Phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.   

Trong quá trình kiểm phiếu, nếu phát hiệu có phiếu bầu cử được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên, nội dung ghi trên phiếu bầu.

Chú thích ảnh
Hoạt động kiểm phiếu tại Khu vực bỏ phiếu số 46, phường 10, Quận 5. Ảnh: TTXVN

Nguyên tắc xác định người trúng cử   

Nguyên tắc xác định người trúng cử được thực hiện như sau:   

- Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.   

- Người trúng cử phải là người ứng cử có số phiếu bầu đạt quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.   

- Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.   

- Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.   

Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.   

Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng.

Biên bản sau khi hoàn thành việc kiểm phiếu   

Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải lập các loại biên bản gồm:   

(1) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội tại khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 20/HĐBC-QH).   

(2) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 25/HĐBC-HĐND).   

(3) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện tại khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 25/HĐBC-HĐND).   

(4) Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại khu vực bỏ phiếu (theo Mẫu số 25/HĐBC-HĐND).   

Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử gồm các nội dung:   

- Tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu (theo danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu được cập nhật đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, thống kê riêng theo tổng số cử tri có quyền bầu cử đại biểu ở cấp tương ứng).   

- Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu (riêng cho mỗi loại biên bản).   

- Số phiếu phát ra (riêng cho mỗi loại biên bản).   

- Số phiếu thu vào (riêng cho mỗi loại biên bản).   

- Số phiếu hợp lệ (riêng cho mỗi loại biên bản).   

- Số phiếu không hợp lệ (riêng cho mỗi loại biên bản).   

- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử (riêng cho mỗi loại biên bản).   

- Những khiếu nại, tố cáo nhận được; những khiếu nại, tố cáo đã giải quyết và kết quả giải quyết (riêng cho mỗi loại biên bản).   

- Những khiếu nại, tố cáo chuyển đến từng loại Ban bầu cử (tương ứng với từng loại việc bầu cử cụ thể).   

Việc xác định tỷ lệ phần trăm cử tri đã tham gia bỏ phiếu so với tổng số cử tri trong từng loại biên bản phải căn cứ vào số cử tri đã tham gia bỏ phiếu so với tổng số cử tri có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, tổng số cử tri có quyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở từng cấp.   

Mỗi loại biên bản được lập thành 3 bản, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử và 2 cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Biên bản được gửi đến Ban bầu cử tương ứng và Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chậm nhất là ngày 26/5/2021 (hoặc 3 ngày sau ngày bầu cử).

Đến 19 giờ ngày 23/5, cả nước có 99,16% cử tri đi bầu cử   

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ, tổng hợp nhanh kết quả cử tri đi bầu cử tính đến 19 giờ ngày 23/5 cho thấy cả nước có tổng số 69.509.324/70.098.949 cử tri đi bầu (đạt 99,16%).   

Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất là các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Trà Vinh (99,98%).   

Địa phương có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất là tỉnh Nghệ An 97,30%.  

Sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu, các Tổ bầu cử tại các địa phương tiến hành thực hiện việc kiểm phiếu, lập biên bản kết quả kiểm phiếu theo quy định; niêm phong phiếu bầu, cho vào hòm phiếu, làm thủ tục niêm phong hòm phiếu và gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Nhìn chung tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương cơ bản tốt, không phát sinh điểm nóng, không có tụ tập đông người gây rối trật tự.   

Đối với bỏ phiếu tại khu vực cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19, Tổ Bầu cử đã tổ chức cho các cử tri đang điều trị, cách ly bảo đảm theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và của tỉnh.

Đối với khu vực có cử tri cách ly tại nhà, Tổ Bầu cử đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định để cử tri thực hiện quyền bầu cử an toàn, đúng luật.   

Các điểm bầu cử đều có phòng cách ly, khi phát hiện cử tri có biểu hiện nhiễm bệnh được cách ly ngay. Các trường hợp F2 cách ly tại nhà được tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ vào tận nhà để cử tri bỏ phiếu. Việc bố trí, trang trí, sắp xếp trong khu vực bầu cử được thực hiện theo đúng quy định.   

Thành viên Tổ Bầu cử, phục vụ bầu cử đều được trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng chống dịch (mặt nạ chống giọt bắn, găng tay, khẩu trang...).       

Để bảo đảm quyền bầu cử của các cử tri mới đưa vào khu cách ly tại thời điểm 14 giờ ngày 22/5 (do các điểm này tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức bầu cử sớm ngày 22/5), các thành viên Tổ Bầu cử đã mang hòm phiếu phụ đến nơi cách ly để cử tri thực hiện bỏ phiếu theo quy định. 14 điểm bầu cử sớm của tỉnh có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%.

Hội đồng Bầu cử Quốc gia/TTXVN