Nhân tình nhắm mắt chưa xong...

11/09/2009 09:11 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Tôi đến thăm gia đình Điểu Mai - con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu, một trong những nghệ nhân nổi tiếng nhất Tây Nguyên (người đã biên soạn, dịch sang tiếng Việt được 75 bộ sử thi M’Nông, 15 truyện cổ và 3 tập lời nói vần cùng rất nhiều đầu sách có giá trị khác). Vừa đúng một năm ngày “báu vật sống của Tây Nguyên” ra đi, 28/8/2008.

Bên cạnh gian nhà trệt truyền thống của người M’Nông mà hai vợ chồng chị cùng với năm đứa con sinh sống là căn nhà xây bốn gian, nhờ công sức lao động cả đời người của nghệ nhân Điểu Kâu. Trong ngôi nhà này, mỗi một căn phòng, mỗi bức tường, mỗi góc làm việc đều gợi ra bóng dáng của ông, khuôn mặt và ánh mắt sáng...


Di cảo khổng lồ của nghệ nhân

Tôi và Điểu Mai ngồi trò chuyện ở gian nhà khách, trên tường treo những bức ảnh kỷ niệm và những Bằng khen, Giấy chứng nhận của cố nghệ nhân Điểu Kâu. Bên cạnh là một tủ kính bày những công trình sưu tầm, biên dịch, biên soạn của ông, mà tôi biết đó là một tập hợp vội vàng và không đầy đủ so với cả cuộc đời làm việc nghiêm túc và đầy cống hiến của ông.


 Điểu Mai bên tủ kính bày các công trình
của bố - nghệ nhân Điểu Kâu

Điểu Mai mang cho tôi xem những công trình cuối cùng của bố cô, mà hầu hết trong đó đều đang dưới dạng bản thảo. Vừa vuốt lại những mép giấy quăn, Điểu Mai vừa rưng rưng: “Đây là tất cả những gì mà bố muốn để lại cho con cháu”! Đó là những “công trình” tổng kết cả đời làm việc, nghiên cứu của Điểu Kâu: Từ điển M’Nông - Việt; Kho tàng Tục ngữ - ca dao M’Nông; Dân ca M’Nông; Gia phả M’Nông.


Trước đây, trong dự án Điều tra, sưu tầm, biên dịch sử thi M’Nông, có một tác phẩm được công bố là Gia phả sử thi - OtNdrong. Tác phẩm là cuốn biên niên sử về người M’Nông, nhưng tất cả những chi tiết, nhân vật đều hết sức tóm lược. Nhận thức được tầm quan trọng của việc dựng lại gia phả của tộc người, nghệ nhân Điểu Kâu đã ghi chép, phục dựng toàn bộ hệ thống gia phả của người M’Nông trong cuốn Gia phả M’Nông. Một cuốn sách ghi chép chừng hơn 100 trang nhưng chứa đựng tư liệu dòng họ, tộc người, từng gia đình ở từng vùng khác nhau. Chúng tôi thống kê được hơn 80 vùng người M’Nông được nêu trong gia phả... Tất cả được ghi lại một cách tỉ mỉ chi tiết, có chỉ dẫn và chú thích cụ thể. Tôi không biết làm cách nào (bằng cách ghi chép hay chỉ dựa vào trí nhớ, bằng sự hiểu biết của cá nhân ông hay bằng trí nhớ của cả cộng đồng...) mà ông có thể phục dựng hàng trăm cây gia phả như vậy. Giá trị lớn lao của bộ gia phả này không chỉ nằm ở chỗ cung cấp tư liệu cho việc nghiên cứu nguồn gốc, gia phả của hệ thống nhân vật sử thi - OtNdrong mà điều quan trọng nhất, đây là nguồn tư liệu dân tộc học quý báu cho việc tìm hiểu nguồn gốc, quá trình phát triển, sự vận động của các dòng họ, các chi nhánh trong cộng đồng người M’Nông. Tôi nghĩ rằng, bất cứ người M’Nông nào được đọc, được nhìn thấy cuốn gia phả này đều hết sức xúc động như là chính họ được gặp lại hình ảnh của tổ tiên, đều tự hào về nguồn gốc và những giá trị truyền thống được giữ gìn qua các thế hệ như vậy.

Cuốn Thành ngữ, tục ngữ M’Nông, cũng dày khoảng hơn 100 trang, được sắp xếp theo chủ đề, song ngữ. Cách làm cuốn này hết sức hệ thống, giản dị và sáng rõ. Mỗi một bài dân ca có ba phần: tiếng M’Nông, tiếng Việt và ý nghĩa chung. Chẳng hạn:

1. M’Nông:

 Anh êng play lêng mô chah

Nt âk êng nah, du hê mô sat

Ngơi ma bâr, du hê mô vat

2. Việt:

Mang một quả bầu trong gùi không bể

Đắp tấm chăn một mình không rách

Nói một mình một lời không xong

3. Ý:

Một người hứa không tin, phải có người làm chứng.

Phần tiếp theo là 581 câu thành ngữ, tục ngữ đối chiếu Việt - M’Nông (phần này tôi thấy ghi ở ngoài bìa: công trình làm chung của Điểu Kâu với bà Linh Nga Niêk Đam). Chúng tôi thấy rằng, bản thân sự tập hợp này đã là một công trình nghiên cứu quý báu và có chất lượng mà bất kỳ người đọc, nhà nghiên cứu nào cũng thấy hứng thú và có thể kế thừa.

Ví dụ câu 573:

Việt: Cáo chết quay đầu về núi

Ý: Người đi xa thường nhớ quê hương

M’Nông: Rung lha pruh jrân, jăt tơm, đuh lha pruh jrân, jăt tơm

Ý: Lá riêng rơi rụng xuống gốc, lá chuối rơi rụng xuống gốc

Nhà nghiên cứu Điểu Kâu đã phải chắt lọc, đối sánh toàn bộ kho tàng tục ngữ người Việt với vốn tri thức của ông về tục ngữ M’Nông để đưa ra 581 trường hợp tương đương. Đó có thể chưa phải là tất cả nhưng đã cho thấy công sức lao động khoa học nghiêm túc, đáng trân trọng.

Cuốn từ điển và chiếc máy tính không khởi động lại được

Riêng Từ điển M’Nông - Việt, có lẽ đây là công trình tâm huyết nhất của nghệ nhân Điểu Kâu. Đó là sự góp nhặt tỉ mỉ, sự ghi chép công phu, sự sắp xếp mạch lạc và thể hiện tất cả tình yêu của ông với ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của tộc người mình. Mỗi mục từ, mỗi trang viết đều cẩn thận, rõ ràng, cách giải thích cô đọng theo đúng văn phong khoa học từ điển. Điểu Mai đưa cho tôi phần đầu của công trình, gồm 120 trang mới chỉ trọn vẹn hai mục từ A, B. Như vậy với phần còn lại (C, D,... X, Y) thì ước chừng công trình của ông sẽ lên tới trên dưới 2.000 trang.

Điểu Mai nói phần Từ điển và những gì ông viết vẫn còn nằm lại trong chiếc máy tính xách tay mà kể từ ngày ông mất không sao khởi động lại được. Điểu Mai vừa kể lại vừa rưng rưng nước mắt. Cô kể: “Một tuần sau ngày ông mất, đêm nào chiếc máy tính cũng khởi động nhưng không thể tắt được. Dường như bố muốn nhắn gửi điều gì đó...”. Đến bây giờ khó khăn lắm mới có thể bật lên nhưng màn hình thì tối thui.

Điểu Mai nói có những đêm Điểu Kâu viết hàng trăm trang giấy vở học sinh để dịch sử thi cũng như ghi lại những điều thu nhận của mình. Tôi cầm mấy tập bản thảo, lật giở từng trang đánh máy cẩn thận, in rõ ràng, có cả những tập viết tay đó mà hình dung ra dáng điệu gày gò, quắc thước của ông đang cặm cụi bên bàn làm việc.

Di cảo của Điểu Kâu một di sản cần giữ gìn

Tôi nói với Điểu Mai mang chiếc máy tính đi sửa để lấy lại những tư liệu còn nằm trong đó vì nếu mất đi không những uổng phí cả đời lao động, cống hiến của ông mà quan trọng hơn, những công trình đó, những việc làm đó không biết đến bao giờ và chắc chắc sẽ không bao giờ có người thứ hai có thể thực hiện được.

Điểu Mai nhờ tôi có thể liên hệ với nhà xuất bản nào đó in cho gia đình cô những công trình này. Cô nói có gửi đi mấy nơi nhưng chưa được. Cô cũng cho biết, ngày bố cô còn sống, có những người ở nước ngoài (ở Mỹ, Canada, nơi có cộng đồng người M’Nông sinh sống) đề nghị mua bản quyền những công trình đó để in với chừng vài chục nghìn đô-la. Nhưng ông không bán, ông muốn để lại cho con cháu. Cho nên Điểu Mai giờ vẫn giữ những tập bản thảo, không bán vì đã bán đi rồi thì sau này có bao nhiêu tiền cũng không thể mua lại được.

Tôi cầm mấy tập bản thảo trong di cảo của ông mà hầu hết chưa được biên tập, giới thiệu vì sự ra đi vội vã của ông. Nhiều chỗ, nhiều trang chưa được chú thích đầy đủ mà nếu không có sự tham gia của nghệ nhân thì những người nghiên cứu cũng hết sức khó khăn để làm những việc đó. Tôi không cho rằng mình đang làm việc giới thiệu những công trình cuối cùng nhưng cũng là quan trọng nhất của nghệ nhân Điểu Kâu vì chúng đòi hỏi những tổ chức, những nhà khoa học có uy tín tham gia. Những dòng này là một sự tri ân của một người thế hệ sau tìm đến văn hóa M’Nông, là sự tưởng nhớ đến nghệ nhân nhân dịp giỗ đầu.

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam.

 Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.


Nguyễn Việt Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm