Chuyện về ngôi nhà mồ dị kỳ (Bài 1)

26/08/2009 15:28 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Khi thực hiện loạt bài Di sản văn hóa Tây Nguyên, nhóm phóng viên TT&VH Cuối tuần đã về Đông Giang (trước đây gọi là huyện Hiên), một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Nam, địa bàn cư trú chính của dân tộc C’tu. Ở đó, giữa rừng đại ngàn Trường Sơn, ngoài câu chuyện về Ker Tik, nghệ nhân điêu khắc của rừng xanh (xem bài trên TT&VH Cuối tuần số 16 và 17), còn có nhiều câu chuyện thú vị về nghệ thuật điêu khắc của người C’tu, trong đó đặc biệt là điêu khắc nhà mồ…

Đường vào Đông Giang, nếu chú ý, có thể thấy một nhà mồ dựng bằng gỗ nhỏ nằm lẻ loi trên triền đồi bên cạnh đường cái. Tuy chỉ nhỏ như cái lều, nhưng ngôi nhà mồ này làm bất kỳ ai cũng phải sửng sốt vì sự bề thế của phương cách cấu trúc và mật độ điêu khắc dày đặc tuyệt đẹp. Nếu như không phải trên đường nhựa, mà giữa rừng già, thì chắc người dạn dày nhất cũng phải... đứng tim vì cái màu lạnh lẽo ảm đạm của những cái đầu trâu bằng gỗ được tạc y như thật, bạc màu vì sương gió trên nóc, trên chái nhà. Cái vẻ linh  thiêng làm con người phải nghiêng mình kính cẩn. Người nằm trong mồ là ai? Ai đã làm ra ngôi nhà mồ độc đáo cứ như đã đứng hàng trăm năm ở đấy? Họ vẫn còn sống hay là cũng đã đi về phía bên kia thế giới?

Nhà mồ gạch hoa - mái tôn của bố vợ chủ tịch huyện Tây Giang

Đi tìm nhà mồ trong truyền thuyết C’tu…

Chuyến đi của chúng tôi ban đầu chỉ là để tìm lại những ngôi nhà Gươl nổi tiếng của người C’tu (nhà Gươl là một công trình kiến trúc công cộng của một làng C’tu, tựa như nhà Rông ở Tây Nguyên hay ngôi đình Bắc Bộ) chứ không có ý định tìm nhà mồ. Đến khi dừng chân tại xã A Rớh để thăm nhà Gươl của ông Briu Pố, được nghe ông Pố kể mê mẩn gần một buổi tối về nhà mồ C’tu, thì mọi người nổi ý định đi tìm... nhà mồ. Theo lời ông Pố, thời trước chiến tranh chống Pháp, người C’tu làm rất nhiều nhà mồ. Nổi tiếng nhất trong số ấy là Ping Quanh Treo ở Kon K’trăng (Ping: nhà mồ. Quanh: bố. Treo: tên riêng. Nghĩa là Ngôi nhà mồ của bố anh Treo ở núi K’trăng) cách đây khoảng hơn 50 năm. Ngôi nhà mồ này rất đẹp, cơ man nào là điêu khắc, chi chít tượng lớn tượng nhỏ. Nó đẹp đến mức, theo ông Pố nói, những người già C’tu hồi đó chỉ mong nếu chết đi được an nghỉ trong ngôi nhà mồ như Ping Quanh Treo. Hỏi bây giờ những ngôi nhà mồ như thế còn không thì ông Pố lắc. Chiến tranh loạn lạc, chẳng còn thời gian nào mà làm. Làm nhà mồ thì phải làm vào thời bình, mất hàng năm mới xong. Thời binh lửa đói kém, mạng người giống như con chó con mèo, lo cho người sống chưa xong lo sao được cho người chết. Sau này khi hòa bình thì rừng cũng hết gỗ tốt, thợ giỏi...

Nhà mồ C'tu ở Đông Giang

Suốt chuyến đi, cứ hễ tạt vào ngôi nhà Gươl nào là chúng tôi lại tìm cách hỏi thăm về nhà mồ. Nhưng hầu như tất cả đều lắc đầu không biết. Họ chỉ cho chúng tôi ra xem những ngôi nhà mồ mới xây bằng gạch. Dọc đường về, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà mồ xây gạch hoa, mái tôn nằm ngay bên đường (đường mòn Hồ Chí Minh). Nhà mồ này có chút đặc biệt là thanh xà nóc bằng gỗ có chạm khắc hai hình ảnh: một chiếc đầu trâu bằng gỗ trên mái và một cái đầu chim Tring (chim Tring là một họa tiết quen thuộc trong điêu khắc C’tu). Ngoài ra, trên cột gạch có treo chiếc xương sọ trâu còn nguyên sừng. Hỏi thăm người qua đường mới biết rằng đó chính là mộ của bố vợ anh Briu Liếc - hiện đương là chủ tịch huyện Tây Giang. Chúng tôi nghĩ, đến mộ của bố vợ chủ tịch huyện mà điêu khắc cũng ít ỏi vậy thì chắc hết hy vọng tìm được ngôi nhà mồ truyền thống!

Chạy quanh mãi chẳng thấy, cuối cùng cái cần tìm lại ở ngay trước mắt. Trên đường về Đà Nẵng thì cả đoàn gặp mưa, phải dừng lại trú. Chợt một người chỉ tay bảo cái gì kìa! Mọi người nhìn theo thì thấy một tòa “lăng mộ gỗ” nho nhỏ xám xám thấp thoáng ngay trên triền đồi. Mặc mưa gió, tất cả chúng tôi chạy lên xem, ai cũng tấm tắc mừng rỡ vì đã tìm được ngôi nhà mồ truyền thống C’tu 100%. Đúng lúc ấy, có một đám trẻ con đi học ngang qua, hỏi thăm thì chúng bảo đó là Ping Quanh Đen (nhà mồ của bố Đen). Và thật bất ngờ nhất là, người làm ra nó khá trẻ, và ở ngay gần đấy. Tên anh ta là Briu Ngà!

(Đón xem tiếp trên TT&VH Cuối tuần số 35: Hảo hán nơi núi rừng)

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm