Chuyện những người "ham chơi"

27/06/2009 12:04 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH) - Sau bài viết về Đờn ca tài tử Nam bộ - Ai giữ cuộc chơi sắp tàn? - chuyên mục Báo động từ vốn di sản có nhận được ý kiến của một số bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về “những người tài tử cuối cùng” trong cuộc chơi đờn ca. Chiều Chủ nhật, chúng tôi quyết định quay trở lại nhà nghệ nhân Hai Sáng ở Hóc Môn, TP.HCM để được thưởng thức một buổi đờn ca tài tử chính gốc…

Dựng nhà thờ tổ để giữ đờn ca


Ông Hai Sáng (thứ hai từ phải sang), anh Tiến (con trai ông) và bạn chơi tài tử trước
cổng vào nhà thờ tổ

Khi chúng tôi đến, dù còn lâu mới đến giờ khai cuộc (14h), trong nhà đã văng vẳng tiếng đàn ca. Bên ngoài, xe đậu chật khoảnh sân nhỏ, có cả xe hơi. Trong gian chính nhà thờ tổ, năm ông già quây quần bên bàn. Đàn thì mộc thôi nhưng ca có micro hẳn hoi. Ngoài hàng hiên, hơn chục người, tóc đã ngả muối tiêu, thư thả uống ly cà phê chờ tới lượt mình “chơi”. Có tiếng gọi: “Tám Danh, Tám Danh vào thế tay đàn kìm coi”, ông cụ ngồi kế bên đang kể cho tôi nghe về nghề nhạc lễ của gia đình ở Củ Chi, là một tay đàn cải lương về già tìm vui với đờn ca tài tử (ĐCTT), lật đật đứng dậy: “Có Tám Danh đây”. “Cô Hồng, tới cô ca rồi đó”, người phụ nữ trung niên trông vẫn còn khá duyên dáng, nhà ở gần nên tuần nào cũng qua chơi, “Ủa tới tui rồi hả? Bữa nay được ca sớm nhe”. Cứ thế cuộc chơi diễn ra một cách thư thả từ tốn. Ai mệt thì ra nghỉ để người khác vào thế. Nhiều hôm, đông khách, có người đến trễ chưa kịp “chơi” đã tàn cuộc phải ấm ức ra về.

Trở lại chuyện ngôi nhà thờ tổ, suốt đời nhạc sư Tư Nghi (thân sinh nghệ nhân Hai Sáng) ấp ủ việc dựng nên một ngôi nhà chung cho những ai yêu mến âm nhạc dân tộc nhưng chưa thực hiện được. Một lần Hai Sáng tham dự đám tang của một nghệ sĩ, dự định đám kéo dài trong bốn ngày nhưng Ban Ái hữu Hội nghệ sĩ TP.HCM (quận 1) chỉ chấp nhận cho hai ngày. Hai ngày còn lại biết đưa quan tài đi đâu trong khi nhà của người nghệ sĩ quá cố quá chật hẹp? Tình cảnh đó cùng với nguyện vọng của người cha khiến ông Sáng suy nghĩ nhiều. Trở về hỏi ý kiến những bạn chơi tài tử lâu năm, ông củng cố quyết tâm xây dựng nhà thờ tổ. Vốn liếng không nhiều, số tiền hỗ trợ từ bạn bè cũng không đủ, ông Sáng phải bán miếng đất của gia đình để chi trả. Năm 2002, nhà thờ tổ khánh thành, ngày 23/12 âm lịch hàng năm được chọn làm ngày giỗ chung. Đã mấy năm nay, ngày này trở thành ngày hội của những người mê đờn ca, cả trăm người từ các tỉnh lặn lội đến họp mặt, cúng giỗ. Những cuộc chơi ĐCTT mỗi chiều Chủ nhật cũng thành nếp sinh hoạt của nhiều ông bà già “mê chơi”. Theo lời ông Bá Hương, đã góp mặt ở cuộc chơi này từ những ngày đầu, thì hiện nay ở TP.HCM và các tỉnh lân cận chỉ còn bốn nơi chơi “rặt” ĐCTT, là các nhóm nhà ông Hai Sáng (Hóc Môn), nhà ông Quách Tĩnh (quận 8), nhà ông Bá Hương (Củ Chi) và ông Năm Châu (quận 7). Các vùng phụ cận cũng có, nhưng chủ yếu hát cải lương, vọng cổ, thỉnh thoảng mới có vài bài bản tài tử.

Nghệ nhân Hai Tấn, vốn là luật sư, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, hoài niệm về cái thời mà cả xóm nhà ông (Bình Chánh, trước kia thuộc Cần Giuộc) anh em bà con đều là học trò của ông Ba Đợi, con nít chưa học chữ đã biết ca, bập bẹ đờn kìm: “Trong vùng, nhà giàu nào cũng rước thầy về dạy con đờn ca, ngay cả con gái cũng được học đàn tranh. Lúc cha tôi rước thầy về dạy mấy ông anh, bà chị thì tui còn nhỏ quá, mới 5 - 6 tuổi nên chỉ học lóm. Mới vô thì học xướng âm, phải thuộc được bài Bình bán vắn cái đã. Con nít trong xóm đi giữ trâu, chân chạy theo trâu mà miệng cứ ca xướng âm “liu - cồng - liu - ú - xang...”. Nhuyễn xướng âm rồi thì rớ tới cây đàn nó dễ lắm”.

Năm 1957, anh sinh viên Viện Đại học Sài Gòn Nguyễn Tấn Nhì (tên thật của ông Hai Tấn) đã trình diễn đàn kìm bản Tây Thi trước đông đảo sinh viên trong trường (đa số là người Tây) trong một chương trình văn nghệ. “Đàn mình thô sơ, lên dây phải vặn tay, đang vặn dây đờn tuột cái “ột”, tụi Tây cười quá trời. Tui mặc kệ, vặn lại rồi đờn tiếp. Khi hành nghề luật sư thì ngày nào cũng họp mặt anh em ĐCTT chơi ngay tại văn phòng...”, ông Hai Tấn kể. Sau giải phóng, ông phụ trách mảng “xúi người ta chơi ĐCTT” ở nhà nghệ thuật quần chúng (Trung tâm Văn hóa TP.HCM), đã mở không biết bao nhiêu lớp ĐCTT, tổ chức không biết bao nhiêu buổi thuyết trình, nói chuyện về nhạc cổ truyền để âm nhạc dân tộc có thể đến gần giới trẻ hơn. Từ lúc bị tai biến, tiếng nói bị nghẹn, chân đi có tật, ông ít xuất hiện, thỉnh thoảng mới đến vui đờn ca với bạn bè. “Mấy đứa con tui lúc nhỏ cũng học đờn. Có gia đình rồi thì bỏ. Mấy người lớn chết hết rồi chắc tụi nhỏ cũng không còn quan tâm nữa”, ông Tấn cười buồn.

Những người “giữ lửa”


Ông Hai Sáng (phải) và con trai ông, anh Tiến - người “giữ lửa” cho đờn ca tài tử

Trong nhóm chơi ĐCTT ở nhà ông Hai Sáng, có Quách Tĩnh, còn trẻ, hiện cũng đang gây dựng những cuộc chơi ĐCTT tại nhà (chơi vào chiều thứ ba). Anh tự hào cho biết mình là người trẻ nhất trong những người yêu mến và “rành” ĐCTT. Quả thật trong nhóm những ông lão ở đây thì anh còn quá trẻ khi chỉ mới... 51 tuổi. Theo cách nói của anh thì “máu đờn ca” đã có sẵn trong người. Lúc nhỏ có học qua đàn nhưng không chuyên tâm theo vì chuyện cơm áo. Kinh tế gia đình đã ổn định, anh mới có thời giờ nghĩ đến niềm đam mê của mình và quyết “tầm sư học nghệ”. Ông thầy đầu tiên đưa anh 20 bản tổ được ký âm và một băng hòa nhạc của các nghệ nhân rồi bảo “cứ theo đó mà tập”. Vài tháng sau, thầy về “trả bài” thì anh vẫn chưa đàn được bản nào vì “không hiểu một cái gì hết”. Anh nhờ một người bạn là nhạc sĩ Hoàng Thành chỉ dẫn. Nhạc sĩ Hoàng Thành đồng ý chỉ cho anh đàn tất cả các bài bản cải lương với giá hai triệu đồng. Không sắp xếp được thời gian, anh bèn chọn những bài bản mà mình cần nhờ nhạc sĩ Hoàng Thành đàn rồi mướn người quay phim lại. Về nhà, anh mở băng lên trả đi trả lại xem nốt bấm, nghe tiếng nhạc mà tập theo. Tập đến lúc đã hòa điệu được theo băng thì mới ngã ngửa ra mình “chọn lầm thầy” vì sao đàn khác những tụ điểm ĐCTT quá. Một lần đến chơi ở một tụ điểm, anh mê mẩn tiếng đờn của một nhạc sĩ tên Tâm liền xin theo học. Suốt hai năm trời, ngày nắng cũng như mưa cứ bảy giờ tối là anh rước thầy về nhà học, xong đưa thầy về, khi kết thúc bao giờ kim đồng hồ nhà anh cũng chỉ 12h đêm. Lân la ở các tụ điểm, anh lại “cảm” tiếng đờn của ông Chức. Lần này thì không quay video mà học qua... băng cassette. “Kỳ này chỉ nghe thôi chứ đâu có thấy cần đờn. Tôi phải sao ra 10 bản nghe đi nghe lại mà mò mẫm theo. Tôi vừa học vừa trau dồi thêm bên ngoài thêm ba năm nữa. Đến nay đã năm năm nhưng tôi có thể khẳng định khả năng của mình hoàn toàn có thể ngang ngửa những người đã chơi mấy chục năm”, anh Quách Tĩnh tự tin nói.

Bàn về việc bảo tồn ĐCTT, anh Quách Tĩnh khá bức xúc: “ĐCTT vẫn bị thờ ơ trong khi liên hoan này liên hoan nọ được tổ chức liên tục. Mỗi lần thành phố tổ chức Liên hoan ĐCTT, lại gởi công văn xuống các quận huyện đề nghị ngày giờ đó phải có đội đi thi. Thực tế không phải quận, huyện nào cũng có đội ĐCTT, đến giờ thi thì mướn người thi cho có phong trào. Còn BGK thì có người chưa thuộc hết 20 bản tổ thì làm sao chấm?”.

ĐCTT là môn nghệ thuật của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Vì thế BGK phải là người xuất phát từ phong trào ĐCTT trong nhân dân, hiểu được nhân dân và ĐCTT của nhân dân. Nhiều khi người giỏi về âm nhạc (là tiến sĩ âm nhạc, nhạc sĩ nổi danh) nhưng không gần với cuộc sống người dân, không “lê la” ở các cuộc chơi ĐCTT thì không thể đánh giá chính xác. Thêm nữa, giải thưởng quá thấp (chỉ chừng 100.000đ - 200.000đ/người) trong khi công sức bỏ tập luyện rất cực nhọc. Vì vậy không mấy người hào hứng tham gia - ông Bá Hương cho biết thêm.

“Nhưng nhất định không để lửa tài tử lụi tàn đâu”- ông Hai Sáng thổ lộ. Ông bảo: “20 bản tổ thằng Tiến con tui nó đờn qua hết rồi. Từ hồi có vợ chắc bị cằn nhằn quá nên bỏ. Nhưng từ hồi tui bị tai biến, nó cũng lo và bắt đầu học lại. Nó cũng đã xác nhận trách nhiệm kế thừa vốn liếng của tôi, sẽ tiếp tục chăm lo cho nhà thờ tổ”...

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam. Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.


Ninh Lộc - Anh Đức - Tiến Lực

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm