Từ 1/1/2018 'khai tử' xăng RON 92, thu hồi ô tô hết hạn

01/01/2018 11:42 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Ngừng lưu thông xăng RON 92, ô tô hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi, áp dụng công thức tính lãi suất mới là những chính sách kinh tế quan trọng có hiệu lực ngay ngày đầu tiên của năm mới 2018.

Xăng RON 92 bị “khai tử”

Chú thích ảnh
PVOIL đã triển khai bán xăng E5 từ 15/12. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Hôm nay, xăng RON 92 đã chính thức bị “khai tử”. Như vậy, hiện nay trên thị trường có hai loại xăng là xăng E5 và xăng RON 95.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ không có chuyện đại lý "găm" xăng RON 92 để bán tiếp từ ngày 1/1/2018. Lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra trên toàn quốc, bảo đảm các doanh nghiệp, đại lý không còn tích trữ, buôn bán xăng RON 92 mà phải bán xăng E5 theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra.

Ôtô hết hạn sử dụng sẽ bị thu hồi

Quyết định 16/2015 năm 2015 của Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ có hiệu lực từ 15/7/2015, nhưng đến ngày 1/1/2018 thì mới thực hiện quy thu hồi ôtô và xe mô tô, xe gắn máy các loại hết hạn sử dụng.

Quy định nêu rõ trách nhiệm của nhà sản xuất phải tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam, thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định.

Chú thích ảnh
Từ 1/1/2018, ô tô hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi. Ảnh có tính minh họa.

Nhà sản xuất có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất. Tổ chức việc vận chuyển sản phẩm thải bỏ từ các điểm thu hồi đến các trạm trung chuyển (nếu có) và cơ sở xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
Đối với người sử dụng có thể tự chuyển sản phẩm thu hồi đến điểm thu hồi hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi...

Điều 4 của Thông tư 21/2010/TT-BGTVT quy định, các loại ôtô phải áp dụng niên hạn sử dụng gồm ôtô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái), ôtô chở người chuyên dùng, ôtô tải, ôtô tải chuyên dùng và các loại ôtô khác không nêu tại khoản 1 điều 2 của Nghị định 95/2009/NĐ-CP.

Theo Nghị định 95/2009/NĐ-CP quy định niên hạn đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người, quy định về niên hạn sử dụng như sau: Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng; Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người; Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 1/1/2002.

Các loại ôtô không phải áp dụng niên hạn sử dụng bao gồm xe chở người đến 9 chỗ ngồi (bao gồm cả lái xe); ôtô chuyên dùng; xe rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc.

Áp dụng công thức tính lãi suất mới

Điều 4, Thông tư số 14/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng quy định nguyên tắc tính lãi. Theo đó,  lãi suất tính lãi được quy đổi theo tỷ lệ %/năm (lãi suất năm); một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày.

Cụ thể, thời gian sử dụng để quy đổi mức lãi suất tính lãi theo tỷ lệ %/tháng, %/tuần, %/giờ sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày; quy đổi mức lãi suất theo tỷ lệ %/ngày sang mức lãi suất theo tỷ lệ %/năm và ngược lại được tính như sau: Một năm là 365 ngày; Một tháng là 30 ngày; Một tuần là 7 ngày; Một ngày là 24 giờ.

Đối với khoản tiền gửi, cấp tín dụng có thời hạn từ một ngày trở lên thì tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng về thời hạn tính lãi và thời điểm xác định số dư để tính lãi theo một trong hai cách sau: Thời hạn tính lãi được xác định từ ngày tiếp theo ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày tiếp theo ngày nhận tiền gửi đến hết ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là đầu mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.

Hoặc, thời hạn tính lãi được xác định từ ngày giải ngân khoản cấp tín dụng hoặc ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày thanh toán hết khoản cấp tín dụng, khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi;...

Bài phát biểu ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản

Bài phát biểu ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản

"Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Người dân cả hai nước chúng ta hàng ngày ăn cơm bằng bát nhỏ và dùng đũa, trong lao động luôn coi trọng sự cần cù, hợp tác giúp đỡ, cởi mở, hiếu khách trong giao tiếp..."

Theo Xuân Phong/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm