Không để bùng phát dịch sốt xuất huyết

07/08/2018 08:05 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù mới là những cơn mưa đầu mùa, song số người phải nhập viện do mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) có dấu hiệu gia tăng ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Do đó, để phòng, chống SXH một cách chủ động và hiệu quả, nhất là tránh tâm lý chủ quan, Bộ Y đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát.        

Đã có gần 35 nghìn người mắc SXH kể từ đầu năm       

Thành phố Hồ Chí Minh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do SXH. Đây là trường hợp đầu tiên tử vong đầu tiên do SXH trong năm nay tại địa bàn Thành phố. Trước đó đã có 8 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang...    

Là quốc gia có khí hậu nhiệt đới, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh truyền nhiễm do virus Arbo, trong đó điển hình là bệnh truyền từ muỗi vằn Aedes như SXH Dengue. Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay cả nước có gần 35 nghìn người mắc SXH, trong đó có 9 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 48,6%, số ca tử vong giảm 12 trường hợp. Tuy nhiên, số ca mắc SXH trong những tuần gần đây đang có xu hướng tăng theo diễn biến mùa dịch SXH hằng năm.

Chú thích ảnh
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Điển hình là Hà Nội, tuần từ ngày 16 đến 22-7, có 13 người mắc SXH mới, thì sang tuần từ ngày 23 đến 29-7, số người mắc SXH đã tăng lên 26 trường hợp. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Ðức Hạnh: Hà Nội là trọng điểm về SXH ở khu vực các tỉnh phía Bắc, trung bình mỗi năm có từ 3.000 đến 5.000 trường hợp mắc SXH, trong đó năm 2017 là năm đỉnh điểm về dịch bệnh SXH, với số ca mắc SXH lên tới hơn 37 nghìn trường hợp, làm bảy người chết. Ðến cuối tháng 7-2018, Hà Nội mới có 272 trường hợp mắc, giảm khoảng 96,7% so với cùng kỳ năm 2017 và không có trường hợp tử vong. Tuy vậy, hiện nay các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân số cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ; thời tiết mùa hè lúc này nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời...    

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá SXH là một bệnh truyền nhiễm, vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Theo thông báo của WHO, năm 2018 tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh, số trường hợp mắc bệnh SXH hiện giảm so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên đến thời điểm này đã bắt đầu có dấu hiệu gia tăng so với các tuần đầu năm.

Không để bùng phát dịch SXH  

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm trong cả nước; cấp hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống SXH cho các địa phương... Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống SXH một cách kịp thời và hiệu quả, nhất là tránh tâm lý chủ quan tại không ít địa phương hiện nay khi SXH giảm nhiều so với năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống SXH với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Hằng tháng các xã, phường, thị trấn tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường và căn cứ diễn biến dịch bệnh SXH để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan y tế...   

Ngành y tế, nhất là khối y tế dự phòng có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật phòng, chống SXH cho trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện, thị xã; nâng cao năng lực dự báo dịch, giám sát phát hiện sớm yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch để có biện pháp dự phòng hiệu quả; bảo đảm đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hóa chất để xử lý dịch; thường xuyên cập nhật thông tin về dịch SXH, chia sẻ, hợp tác trong lĩnh vực phòng chống SXH với các địa phương chung quanh. Các bệnh viện thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh SXH, thông tin kịp thời ca bệnh cho các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, quận, huyện, thị xã để chủ động giám sát tại cộng đồng. Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần chủ động hơn nữa trong tham mưu cho ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống SXH; tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại cộng đồng...

Các biện pháp phòng, chống hiệu quả

SXH là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu virus có tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách…, chích hút máu người cả ngày lẫn đêm. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:  

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngoài ra, cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết gia tăng bùng phát ở Hà Nội

Cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết gia tăng bùng phát ở Hà Nội

Bộ Y tế nhận định, khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa, miền Bắc vào mùa hè. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh.

TTXVN/Đàm Trung (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm