Bệnh glaucoma - cườm nước

08/10/2020 20:08 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn)- Bệnh glaucoma (trong dân gian còn gọi là bệnh cườm nước, cườm ướt…) là bệnh về mắt gây mù lòa do làm tổn thương thần kinh thị giác. Tổn thương xảy ra thường là hậu quả của gia tăng áp lực trong mắt, hay còn gọi là tăng nhãn áp.

Chuỗi tầm soát bệnh mắt miễn phí cho 2.500 sinh viên

Chuỗi tầm soát bệnh mắt miễn phí cho 2.500 sinh viên

Với chủ đề hoạt động “Đôi mắt khỏe, ngời sáng tương lai”, trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ đã thăm khám và phát thuốc miễn phí cho 2.500 sinh viên tại các trường Đại học An Giang và Đại học Nam Cần Thơ, tổng giá trị chương trình lên đến 100 triệu đồng.

Triệu chứng của glaucoma

Người bị bệnh glaucoma có thể không có triệu chứng. Diễn biến âm thầm và kéo dài, nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi thấy khoảng không gian nhìn của mình bị thu hẹp lại, nhìn mờ hoặc bệnh nhân đi thăm khám định kỳ mới được phát hiện. Tuy vậy, cũng có những trường hợp triệu chứng xảy ra rầm rộ hơn, bao gồm:

- Đau mắt, nặng mắt hoặc nhức mắt.

- Có những trường hợp đỏ mắt.

- Thị lực giảm (nhìn mờ).

- Một số bệnh nhân tăng nhãn áp nhìn thấy cầu vồng hoặc quầng sáng xung quanh đèn sáng.

- Bệnh nhân cũng có thể bị buồn nôn và nôn.

Chú thích ảnh
Dấu hiệu mắt bị mắc phải Glaucoma (cườm nước)

Nguyên nhân của glaucoma

Phần lớn xảy ra không có nguyên nhân (cườm nước nguyên phát). Một số có thể là do biến chứng của các bệnh về mắt khác như đục thủy tinh thể, viêm màng bồ đào, chấn thương mắt… (cườm nước thứ phát).

Một số xảy ra khi sinh (bẩm sinh). Tuy nhiên, đa phần bệnh xuất hiện sau tuổi 40 và gia tăng theo tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh như nhau ở nam và nữ.

Bệnh glaucoma góc mở là loại thường gặp ở các bệnh nhân da trắng hay có gốc Phi.

Bệnh glaucoma góc đóng thì phổ biến hơn ở những bệnh nhân gốc Á.

Chẩn đoán và điều trị bệnh glaucoma

Để xác định bệnh, cần khám thị thần kinh, đánh giá mức độ lõm gai thị, đo nhãn áp, soi góc tiền phòng, đo độ dày giác mạc, đo thị trường, chụp OCT… Có nhiều dạng glaucoma nên cần phải được chẩn đoán chính xác mới có phương pháp điều trị thích hợp.

Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như sử dụng thuốc, sử dụng laser hoặc phẫu thuật… Mục đích chính là hạ nhãn áp, tránh làm tổn thương thêm thần kinh thị giác và ngăn chặn tiến triển của bệnh. Việc chẩn đoán và điều trị cụ thể sẽ do bác sĩ chuyên khoa mắt thực hiện.

Phòng ngừa bệnh glaucoma

Bệnh glaucoma cần phải được phát hiện sớm và điều trị sớm trước khi thị trường thu hẹp hoặc mất thị lực trầm trọng. Việc điều trị hạ nhãn áp trong giai đoạn sớm sẽ làm chậm tiến triển bệnh và giúp bảo tồn thị lực.

Vì là bệnh kéo dài, diễn biến âm thầm nên bệnh nhân ít quan tâm đến điều trị hoặc dễ bị bỏ sót, cần tuân thủ khám và điều trị tích cực để tránh mất thị lực.

Một số người thuộc nhóm nguy cơ cao (nhóm dễ mắc bệnh cườm nước) như: Người trên 60 tuổi, trong gia đình có người mắc bệnh glaucoma, bị viễn hoặc bị cận nặng thì nên quan tâm đi khám mắt hằng năm ở bệnh viện chuyên khoa mắt để phát hiện sớm bệnh.

BS Nguyễn Trọng Đức
(Bệnh viện Mắt Sài Gòn Cần Thơ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm