Vẫn nuôi hy vọng về tê giác ở Việt Nam

27/10/2011 10:45 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 25/10, Quỹ bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF) và Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF) khẳng định: xác cá thể tê giác Java được tìm thấy ngày 29/4/2010 tại Cát Lộc (Đồng Nai) là tê giác cuối cùng ở Việt Nam.

TT&VH đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam về vấn đề này.

GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh

* Thời điểm xác tê giác bị sát hại tháng 4/2010, GS có nghĩ đó là con tê giác cuối cùng của Việt Nam, hay đợi đến khi WWF chính thức công bố GS mới có thể khẳng định rằng đó là con tê giác cuối?

- Từ những năm 2001 - 2002, tôi cùng các chuyên gia động vật học tiến hành đi khảo sát loài tê giác ở khu vực Cát Lộc, Cát Tiên thì thấy có rất nhiều dấu chân. Các dấu chân đều được đúc thạch cao để lưu giữ tại Vườn quốc gia. Căn cứ vào dấu chân, thì chúng tôi đều nhận định chúng ta còn 3 đến 5 con tê giác.

Khi WWF công bố con tê giác chết năm 2010 là con cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam, thú thực tôi vẫn cứ hy vọng. Con tê giác bị giết tháng 4/2010 bởi vết đạn găm vào chân, đã bị cưa sừng. Nhưng căn cứ vào các dấu chân mà chúng tôi khảo sát được từ 2001 thì thấy có cả dấu chân của tê giác con, mà có tê giác con thì chắc sẽ có tê giác mẹ, tê giác bố, nên tôi vẫn cứ hy vọng...

* Như vậy, hy vọng vẫn còn tê giác ở Việt Nam?

- Mấy tháng trước tôi cũng đã vào Cát Tiên, và khi làm việc với các anh ở Vườn quốc gia, rồi với WWF, tôi vẫn mong thuyết phục họ chưa xem nó là tuyệt chủng mà cố gắng điều tra theo kiểu “còn nước còn tát” xem còn cá thể tê giác nào không. WWF cũng nói với tôi “cực chẳng đã” mới phải tuyên bố.

Các chuyên gia quốc tế của IRF, WWF và Vườn quốc gia đã làm việc rất khoa học. Họ đã giải thích, các dấu chân đã được đúc thạch cao có kích thước khác nhau có thể do tác động của môi trường, thời tiết. Ví dụ dấu chân tê giác để lại sau trận mưa, hoặc tại khu vực đất ẩm, bùn nhão có thể biến dạng, thu nhỏ lại, không như hình dạng ban đầu. Đây là một giải thích hợp lý.

Hơn nữa, họ có cả chó nghiệp vụ từ bên Mỹ sang, đánh giá với các phương pháp hiện đại nhất.

Theo tôi, kể cả khi chúng ta công bố, vẫn nên tiếp tục tìm kiếm, như nhiều loài động vật công bố tuyệt chủng tại khu vực nào đó sau đó lại được bất ngờ phát hiện bởi người dân. Chúng ta có thể nhờ người dân, đồng bào dân tộc sống trong khu vực vườn quốc gia giúp đỡ, tất nhiên có cơ chế động viên họ.

Như chúng ta đã biết, tê giác ở VQG Cát Tiên phân bố trong một khu vực tương đối rộng khoảng 5.500 ha, với độ cao từ 200 đến 400 mét so với mực nước biển nên có thể nhờ sự giúp đỡ của người dân, đồng bào, vì họ rất giỏi đường rừng, thông thạo địa bàn...

Họ tuyên bố “tuyệt chủng” thì mình chấp nhận, nhưng tôi vẫn đề nghị với Bí thư huyện ủy Cát Tiên có thể nhờ bà con dân tộc tiếp tục để ý, tìm kiếm, nếu thấy dấu vết phải báo lại ngay. Coi như “còn nước còn tát”.

* Là nhà khoa học đầu ngành về bảo vệ động vật, ông nghĩ gì khi con tê giác cuối cùng trên đất nước ta bị sát hại?

- Không những tôi, mà rất nhiều anh em đồng nghiệp khác cũng rất đau buồn về việc này. Đã mấy chục năm nay, chúng tôi hoạt động không ngừng chỉ để mong bảo tồn đa dạng sinh học cho đất nước, bảo vệ sự giàu có của thiên nhiên cho con cháu, lưu giữ nguồn gen quý cho mai sau.

Với người như tôi đã 80 tuổi, có 60 năm bảo vệ động vật, thì điều ấy rất đáng buồn. Càng buồn hơn, khi các nỗ lực đưa các loài động vật vào sách đỏ được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng vẫn tiếp tục bị giết hại.

Người ta giết nó vì giá trị kinh tế, vì cái sừng. Nhưng sâu xa nhất là từ những kẻ có nhu cầu. Những kẻ thích dùng sừng tê giác này hẳn là đại gia có rất nhiều tiền, chứ lương của những người bình thường, những giáo sư như chúng tôi đây cũng không bao giờ đủ tiền để mua.

Hình ảnh Tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam

* Hẳn sừng tê giác có giá trị rất cao. GS đánh giá thế nào về tác dụng của sừng tê giác?

- Thực ra, trong y học truyền thống sừng tê giác được các lương y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đề cập đến, tuy nhiên nó rất chung chung và bình thường như mọi thứ khác. Xét cho cùng thì tất cả các loài động thực vật trong thiên nhiên, kể cả loại có độc đều có tác dụng về một mặt nào đó.

Tuy nhiên, giá trị của sừng tê giác hoàn toàn là đồn thổi, không có ghi chép giấy tờ văn bản cụ thể để chứng minh. Nhưng không chỉ ở Việt Nam, ở châu Phi, Trung Quốc sừng tê giác có giá trị cao vì quan niệm sai lầm. Có thể, vì tê giác sống trong một khu vực nhất định, ăn các loại lá và uống nước có khoáng chất nhất định nên có sức đề kháng rất cao nên họ ngộ nhận như vậy.

* Không chỉ tê giác, mà nhiều loài khác ở Việt nam đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo giáo sư, chúng ta phải làm gì?

- Năm 2004 tê giác hai sừng tuyệt chủng ở Việt Nam, bây giờ là tê giác một sừng. Đây là bài học vô cùng đắt giá với chúng ta. Dù các tổ chức bảo tồn, Vườn quốc gia, kể cả WWF đã rất nỗ lực trong nhiều năm trời, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng tê giác vẫn bị tuyệt chủng.

Hiện loài hươu vàng gần như đã biến mất tại Việt Nam do mất sinh cảnh sống và mức độ săn bắn quá cao. Sao la cũng là một loài cực kỳ nguy cấp, hiện số lượng không đến vài trăm cá thể; voọc mũi hếch chỉ còn lại ở một số khu vực thuộc miền Bắc với số lượng khoảng 250 con do nạn phá rừng và săn bắn.

Các loài có phân bố rộng hơn cũng đang trên bờ vực suy giảm như loài voi, ngoài số voi ở bản Đôn hiện đang giảm đi, chỉ có 53 con, ngoài tự nhiên, loài này cũng chỉ còn dưới 100 cá thể.

Loài hổ hiện nay tại Việt Nam ước tính chỉ còn dưới 30 cá thể, nếu không có biện pháp quyết liệt thì khoảng 10 năm nữa thôi, loài hổ sẽ biến mất ở Việt Nam. Bò tót cũng đang bị biến mất khỏi những nơi trước đây chúng từng tồn tại.

Theo tôi, dù có tổ chức nào đi chăng nữa, nếu không có chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương cộng tác chặt chẽ thì khó mà thành công được.

* Xin cảm ơn GS!

Thảo Vy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm