Nhà báo Nguyễn Đăng An: Nhớ thời làm 'đặc phái viên' tin nhanh

19/08/2022 09:09 GMT+7 | Văn hoá

“Tôi yêu bóng đá và lao vào công việc suốt ngày đêm. Tìm được ý hay là tôi lập tức ngồi vào viết, bất kể lúc đó là mấy giờ”- nhà báo Nguyễn Đăng An chia sẻ với chúng tôi những kỉ niệm về thời kỳ làm "đặc phái viên tin nhanh" tại France 98 và EURO 2000.

Báo Thể thao & Văn hóa: Từ Tin nhanh Espana 82 đến TT&VH

Báo Thể thao & Văn hóa: Từ Tin nhanh Espana 82 đến TT&VH

Tháng 6/1982, một cột mốc lịch sử trong làng báo chí nước nhà được xác lập khi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khai sinh ra Tin nhanh Espana 82 - tờ Tin nhanh World Cup đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là nền tảng cho sự ra đời của Báo Thể thao & Văn hóa (TT&VH)...

Ở đó, ông cực kỳ xông xáo theo cách riêng của mình, chẳng hạn như tìm cách xin vào làm "đầu bếp" cho đội tuyển Pháp; hoặc xông lên xe ô tô của cảnh sát Bỉ để phỏng vấn, để rồi bị... còng tay.

Về hưu năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 40 năm báo TT&VH, ông chia sẻ:

- Tôi có 3 giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời làm phóng viên TTXVN, giai đoạn đầu tiên là làm phóng viên ở địabàn Campuchia, giai đoạn thứ 2 là ở Pháp và giai đoạn thứ 3 ở Italy.

Riêng ở Pháp, tôi đặc biệt có một thời gian được TTXVN và báo TT&VH giao cho trọng trách đặc phái viên cho tờ Tin nhanh France 98 và tôi coi đấy là một trong những kỉ niệm đẹp và rất đáng nhớ của tôi. Lúc đó phân xã Paris có 3 người, anh Văn Hào trưởng phân xã, anh Đỗ Hưng và tôi là phóng viên. Hai anh đặc biệt dành riêng cho tôi toàn tâm toàn ý làm France 98 và chỉ vì như thế nên tôi có đầy đủ thời gian đi đây đi đó tiếp xúc, đọc báo, nghiên cứu, tìm hiểu và viết những bài về France 98.

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Đăng An (bìa trái) mặc bộ đồ đầu bếp để "phụ tá" cho ông Andre Bisson- đầu bếp của Đội tuyển Pháp tại EURO 2000

Trong quá trình tác nghiệp, tôi thích những câu chuyện bên lề sự kiện mà tôi gặp được dọc đường. Chẳng hạn như chuyện tôi đưa Như Phong – phóng viên nổi tiếng của báo CAND ra sân bay về nước (anh sang đưa tin về France 98 nhưng không may mất đồ nghề nên về sớm). Ở sân bay, tôi gặp một cô gái Ấn Độ, trẻ, đẹp. Khi nghe câu chuyện không may của anh Như Phong, cô ấy cũng kể cho tôi câu chuyện của chính cô. Rằng cô thù ghét và coi France 98 như một tội đồ. Cô yêu một anh chàng người Pháp say mê bóng đá và "trong khi anh ấy thức trắng đêm để xem bóng đá thì tôi ngủ quên trong lòng anh" - cô kể - "Có lần anh đẩy tôi xuống đất và đứng dậy vỗ tay hoan hô. Người tôi ê ẩm nhưng anh không biết và vẫn tiếp tục ngồi xem bóng đá. Tôi quyết định ra về...."

Tôi viết câu chuyện đó lúc đang ở sân bay và gửi về ngay cho báo TT&VH và được anh em biên tập khuyến khích viết những bài như thế để thấy mặt trái của môn thể thao được gọi là hấp dẫn nhất hành tinh này.

* Vì sao ông lại được tiếp tục theo dõi EURO 2000?

- Khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi chuẩn bị về nước và người sang thay tôi đã sang rồi nhưng lúc đó tôi lại nhận được một quyết định của TTXVN rằng tôi ở lại sang Bỉ đưa tin về EURO 2000.

Tình cờ trên chuyến đi, tôi gặp một chị Việt kiều tên là Mỹ Anh, chị kể cho tôi biết rằng chồng chị là anh Kim Quan - là đầu bếp chính cho khách sạn Lâu đài bên hồ, nằm ở phía Nam thủ đô Brussel, nơi đội tuyển Pháp ở. Thời gian này, anh cũng kiêm thêm nhiệm vụ phụ tá cho bếp trưởng của Đội tuyển Pháp. Mừng quá, tôi quyết định chưa về phân xã vội mà về nhà anh chị. Tôi nói chuyện với anh Kim Quan và tha thiết muốn nhờ anh giúp đểđược gặp những cầu thủ bóng đá.

Chú thích ảnh
Một số bài báo "dấn thân" của Nguyễn Đăng An tại France 98 và EURO 2000

Sáng hôm sau, tôi đi theo anh đến khách sạn, và sau khoảng 10 phút thì anh ấy dẫn tôi đi vòng qua lối cửa đặc biệt. Tôi hơi bất ngờ trước khu nấu ăn cho ĐT Pháp bởi nó hoành tráng vô cùng.

Bếp trưởng của Đội tuyển Pháp năm 1998 là Andre Bisson. Biết tôi là người Việt Nam, ông vui vẻ cho tôi biết là ông từng ở Việt Nam và làm việc trong khách sạn Thắng Lợi... Tôi bày tỏ nguyện vọng muốn được gặp và phỏng vấn vài cầu người Pháp. Ông nói rằng: Ở nhà ăn cấm chụp ảnh, nhưng nếu anh muốn thì tôi sẽ giúp, tôi sẽ cho anh ăn mặc giống như một đầu bếp. Anh muốn gặp ai, tôi sẽ cho anh bưng đồ ăn vào cho cầu thủ đó.

Quả là cơ hội hiếm có, tôi bắt đầu tập dượt... Rồi tôi chọn bê mâm đầu tiên cho Zidane, sau đó là Blanc và Henry... Sau khi các cầu thủ ra về, tôi đã chụp ảnh với đội ngũ trực tiếp nấu ăn cho ĐT Pháp.

* Nghe nói ông còn tìm cách thâm nhập vào sân tập của đội Pháp?

- Sau vụ làm đầu bếp, anh Kim Quan nói rằng ở cạnh nhà anh có một sân tập của ĐT Pháp và sáng nào họ cũng tập. "Anh đến đây, tôi sẽ đưa anh vào". Thế là mỗi buổi sáng tôi túc trực ở đấy, cũng đã tiếp xúc được với Zidane, Blanc và cả ĐT Pháp. Sau đấy tôi cũng làm một loạt phỏng vấn như mọi người đều biết ở trên báo.

* Còn chuyện ông bị cảnh sát Bỉ còng tay?

- Khi tôi và anh Đặng Hiến - phóng viên ảnh của TTXVN - thấy một đội xe của cảnh sát rú còi, chạy rầm rầm bởi họ nghe tin lượng có cuộc biểu tình quanh khách sạn nơi có một số đội tuyển đang ở. Chúng tôi gặp một đội cảnh sát đang đóng chốt ở ngã tư đường. Trong khi anh Đặng Hiến nói chuyện với họ, tôi leo tót lên thùng xe cảnh sát tính làm cuộc phỏng vấn. Ngay lập tức, tôi bị hai viên cảnh sát bẻ quặt hai tay, khống chế. Tôi vội nói với họ rằng tôi là phóng viên của TTXVN sang đây để đưa tin về EURO 2000 và tôi đã viết ca ngợi đất nước Bỉ nhiều lắm rồi, đã được đăng ở Việt Nam. Thế rồi họ cười rồi thả tôi và sau đó thì cho tôi phỏng vấn.

* Điều gì đã khiến ông lăn xả với những bài báo như thế?

- Tôi là một người đam mê bóng đá và rất thích kết hợp bóng đá với một ít văn chương bởi tôi cũng làngười học văn ra và giờ là một nhà văn. Với phẩm cách của một người yêu văn học và yêu thể thao được TTXVN tin cậy, tôi lao vào công việc suốt ngày đêm. Tìm được cái mới, phát hiện ra ý hay là tôi lập ngồi viết, bất kể mấy giờ.

* Ông có thể chia sẻ thêm về báo TT&VH?

- Phải nói rằng TT&VH là tờ báo tôi yêu thích nhất trong tất cả các tờ báo hiện nay. Bởi vì báo đã truyền tải được những thông tin đẹp, hay, sinh động, đáp ứng được mong muốn của đại bộ phận độc giả yêu thể thao ở Việt Nam.

Nhiều bạn bè trên thế giới bảo rằng ít đất nước nào yêu bóng đá như ở Việt Nam. Ở France 98 có hàng ngàn người xuống đường ăn mừng chiến thắng,nhưng khi Việt Nam chiến thắng thì cả nước xuống đường. Cách yêu bóng đá của Việt Nam là như thế, cho nên TT&VH có đất để sống.

*Xin cảm ơn ông!

Yên Khương -Trần Hoài Thương (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm