Bức họa đồng quê trong 'Làng tôi'

10/08/2012 10:53 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối nay (10/8), vở Làng tôi được xây dựng lên từ hồn cốt Việt, tinh thần Việt, sau 7 năm “chu du” nhiều nước trên thế giới, một lần nữa được trình diễn trước công chúng Việt Nam. Lần này, các nghệ sĩ không biểu diễn trong rạp xiếc như lần đầu ra mắt năm 2005, mà tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Làng tôi thuộc thể loại “xiếc mới” trong đó 20 diễn viên (trong vai dân của làng) sẽ “vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa làm xiếc, ngoài biểu diễn sân khấu còn đóng vai trò như khán giả, nghe nhạc và xem các đồng nghiệp khác diễn…”. Trong Làng tôi, cây tre được sử dụng là đạo cụ chính. Các nghệ sĩ biểu diễn với tre này. Sân khấu Làng tôi được thiết kế giản dị với ánh sáng làm sao cho màu nâu chàm – sắc màu quen thuộc của người dân Việt - được nổi bật.  

Âm thanh trong vở diễn, được sáng tạo nên từ tiếng gà gáy, câu ca, tiếng gió rì rào của rặng tre, tiếng tụng kinh gõ mõ, lời ru của mẹ, điệu hò vu vơ của các đôi trai gái trong làng hay cả tiếng chổi quét sân khe khẽ đến những hạt mưa tưới mát ruộng đồng… Làng tôi sẽ mang tới Nhà hát Lớn một “bức họa đồng quê”.

Chân dung nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý. Ảnh: dep.com

Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý – đồng đạo diễn Làng tôi – chia sẻ:

- Năm 2005, việc lựa chọn nghệ sỹ cho Làng  tôi khá đơn giản vì lúc đó, chúng tôi chưa có áp lực của nhà sản xuất nước ngoài. Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã điều động được hơn 80 nghệ sỹ và bốn đạo diễn, trong đó có cả nghệ sỹ của NH Ca Múa Nhạc Việt Nam, NH Ca Múa Nhạc Bông Sen… cùng hợp lực để xây dựng chương trình thử nghiệm Xiếc mới.

Khi tuyển chọn nghệ sỹ để sản xuất chương trình Làng tôi theo đơn đặt hàng của đối tác, chúng tôi thương lượng với các đoàn trực thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chọn ra 30 diễn viên rồi tiếp tục giữ lại 14 nghệ sỹ để dựng vở. Phần âm nhạc, chúng tôi mời năm nghệ sỹ sử dụng các nhạc cụ dân tộc đặc trưng của nhiều vùng miền là nghệ sỹ chầu văn Văn Ty, nghệ sỹ trống chèo Minh Chí, nghệ sỹ đàn goong Y San, nghệ sỹ sáo trúc Phạm Doanh và nghệ sỹ đàn môi Đức Minh để cùng tôi sáng tạo ra các không gian âm nhạc mới, phù hợp với tiêu chí nghệ thuật của Làng tôi.

* Hành trình để có được Làng tôi như ngày nay chắc hẳn không hề đơn giản, nhất là với những chương trình mang tính thử nghiệm?

- Đúng vậy. Cuối năm 2008, bản nháp của Làng tôi đã được mời vào Đại sứ quán Pháp để biểu diễn. Ông Đại sứ trong bài diễn văn với các nhà kinh doanh của Pháp tại Việt Nam đã giới thiệu Làng tôi là một bằng chứng tốt đẹp của giao lưu văn hóa Pháp - Việt.

Tháng hai năm 2009, nhà sản xuất Pháp đã mời được 9 nhà báo Pháp về Hà Nội làm việc trong một tuần để lấy tư liệu, thông tin, viết bài giới thiệu và quảng bá Làng tôi tới công chúng Pháp. Sau đó, Tuấn Lê trở lại Việt Nam để tiếp tục dàn dựng chương trình. Lúc này, các nghệ sỹ đã tương đối thuần thục các động tác kỹ thuật mới với tre. Việc sử dụng tre để tạo phong cách và hình ảnh cho Làng tôi đã được Tuấn Lê cùng các nghệ sỹ khai thác tối đa.

Hình như mỗi người chúng tôi đều khóc khi chương trình kết thúc. Đối với tôi, đêm ấy là một đêm đẹp nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.  


Cảnh trong vở Làng tôi

* Nghệ thuật truyền thống Việt Nam được khán giả Việt đón nhận vì sự mới lạ, nhưng những gì mới lạ rồi đều trở thành quen thuộc. Vậy vì sao vở diễn được lưu diễn suốt nhiều tháng ở Pháp và châu Âu?

- Tôi chỉ tin rằng mọi thành công đều được trải qua một quá trình lao động và phải hội tụ được rất nhiều yếu tố thuận lợi chủ quan cũng như khách quan. Tôi cảm thấy chúng tôi đã quá may mắn để Làng tôi có được thành quả tốt đẹp như ngày hôm nay.

* Ông đã có ý định xây dựng một vở diễn mới chưa?

- Chúng tôi đang thực hiện chương trình Làng phố tại TP.HCM.

* Xin cảm ơn ông!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm