Xe buýt: Muốn được dân “yêu” phải có tiền!

29/04/2011 13:53 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nhiều ý kiến phát biểu trong cuộc hội thảo “làm thế nào để người dân TP yêu xe buýt nhiều hơn” do UBND TP tổ chức vừa qua, đều cho rằng: cần đổi mới và cải tạo mới hoàn toàn từ phương tiện đến con người.

Trong những năm qua, đối với việc phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), TP.HCM đã thực hiện khá nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư phương tiện, chính sách giá vé cho hành khách đi xe buýt, chính sách trợ giá cho hoạt động VTHKCC...

Xe buýt phạm 7.300 lỗi một năm

Theo kết quả điều tra về mức độ hài lòng của hành khách đi xe buýt do Trung tâm dự báo và nghiên cứu đô thị thực hiện vào tháng 9/2009, mức độ hài lòng của hành khách đối với thái độ phục vụ của lái xe, tiếp viên chỉ đạt trên mức trung bình. Đặc biệt, việc đảm bảo giờ giấc và chất lượng của các trạm chờ xe cho hành khách là 2 yếu tố bị đánh giá thấp nhất.

Ngoài ra, có đại biểu cho rằng, thời gian qua, tình trạng chạy nhanh, vượt ẩu của các xe buýt đã để lại một ấn tượng không tốt đối với người dân khi tham gia giao thông, các xe buýt đua nhau trên đường, chèn ép các phương tiện lưu thông khác và gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Chất lượng phục vụ của xe buýt hiện nay còn nhiều điều cần cải thiện


Ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC TP.HCM cho biết: Theo phản ánh của hành khách, năm 2010 có hơn 7.300 trường hợp vi phạm các lỗi như: Phân biệt đối xử với hành khách, bỏ trạm không đón khách, không cho hành khách xuống trạm và văn hóa ứng xử của tài xế, tiếp viên chưa phù hợp. Trong đó, 2 lỗi bỏ trạm không đón khách và văn hóa ứng xử được khách hàng phản ánh nhiều nhất.

Về nguyên nhân hoạt động VTHKCC hiệu quả không cao trong thời gian qua, bà Hoàng Thị Kim Chi, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố nhận định: Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC TP.HCM là một tổ chức điều hành khá lớn, nhưng chưa hoạt động hiệu quả và sẽ càng khó khăn hơn khi qui mô VTHKCC sẽ mở rộng trong thời gian tới. Một mặt là do còn tồn tại nhiều đơn vị khai thác, đến nay còn 17 đơn vị VTHKCC bằng xe buýt, chính vì vậy đã gây khó khăn cho công tác quản lý điều hành, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Mặt khác, tổ chức mạng lưới tuyến xe buýt phức tạp, trùng lắp... Cự ly tuyến chưa hợp lý, chiều dài của một số tuyến xe buýt lớn, không phù hợp với đặc điểm khai thác các tuyến xe buýt đô thị. Chính vì vậy, từ tuyến dài đã kéo theo những bất cập khác như: số lượng trạm dừng nhiều, thời gian làm việc liên tục của lái xe kéo dài, mất thời gian cho hành khách... gây ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Ngoài ra cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu bến bãi, thiếu các trạm bảo dưỡng, dẫn đến nhiều phương tiện xe buýt bị xuống cấp.

“Hiện đại hóa” xe buýt

Xe buýt TP.HCM mới đáp ứng 5% nhu cầu

Tính đến cuối năm 2010, trên địa bàn TP có 111 tuyến xe buýt trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Tuy nhiên dù tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng vai trò của VTHKCC bằng xe buýt vẫn còn rất hạn chế, chưa hiệu quả, hiện chỉ mới thu hút được khoảng 5% nhu cầu đi lại của người dân TP.

Từ nay đến 2015, khi chưa có tuyến đường sắt đô thị (metro) thì hệ thống xe buýt vẫn đóng vai trò chủ lực và sau khi hoàn thành tuyến metro, hệ thống xe buýt vẫn đóng vai trò quan trọng trong giao thông đô thị, kết nối giữa các loại hình vận tải đô thị. Do đó, việc hoàn chỉnh mạng lưới tuyến xe buýt là rất cần thiết để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Theo ông Văn Công Điểm, Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC TP.HCM, với đặc thù, phân bố dân cư và đường sá TP.HCM, mô hình “tuyến trục chính - tuyến nhánh” là có tính khả thi cao nhất vì sẽ mở những tuyến xe buýt đến các khu dân cư. Và việc có thể làm ngay là phân luồng giao thông ở những tuyến đường rộng trên 7m để xe buýt được lưu thông 2 chiều, tổ chức một vài tuyến đường dành riêng cho xe buýt để hình thành tuyến xe buýt chạy nhanh. Về lâu dài, nhất thiết phải thực hiện biện pháp hạn chế xe ô tô cá nhân lưu thông trên một số tuyến đường nội ô.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển một hệ thống VTHKCC hiệu quả, thu hút được người dân chọn xe buýt là phương tiện giao thông chính phải cần có một “bộ giải pháp”. Ngoài việc tổ chức lại mạng lưới xe buýt hợp lý, thì hệ thống giá vé phải linh hoạt, đẩy mạnh công tác thông tin về tuyến xe buýt đến tận người dân trên nhiều phương tiện. Đặc biệt là tại các trạm chờ phải có bảng thông tin điện tử để hành khách truy cập. Tạo hình ảnh dễ nhận dạng xe buýt bằng cách thay đổi màu sơn xe có tính đặc trưng theo từng khu vực, đầu tư nâng cấp chất lượng xe buýt, tăng cường kiểm tra giám sát đối với đội ngũ nhân viên phục vụ, đảm bảo an toàn, an ninh cho hành khách, tiến tới việc sử dụng thẻ xe buýt cho hành khách...

Và... tiền

Tuy nhiên, trong hội thảo vấn đề nguồn vốn để thực hiện các giải pháp này, là điều mà các đại biểu dự hội thảo chưa đề cập đến. Có một thực tế, chỉ riêng việc thực hiện đề án thay mới 1.680 xe buýt của Sở GTVT TP.HCM vì các xe đang khai thác đã xuống cấp, thì các doanh nghiệp VTHKCC đã cảm thấy... “ngại” vì phải bỏ thêm một số tiền không nhỏ. Vậy để thực hiện được mục tiêu làm cho người dân “yêu” xe buýt, vấn đề cơ bản nhất lúc này là phải có... tiền.

Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm