Có thể chim di cư đã mang virus H7N9 đến Trung Quốc

08/04/2013 10:39 GMT+7 | Trong nước


Một chuyên gia thú y thuộc Bộ Nông nghiệp trung Quốc (MOA) ngày 7/4 cho biết có thể chim di cư đã mang virus cúm H7N9 đến Trung Quốc.

Theo chuyên gia Yu Kangzhen, virus H7N9 hầu hết được tìm thấy trên các con gia cầm sống bán ngoài chợ mà không phát hiện tại các trang trại nuôi gia cầm. Vì đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm và cách thức lây virus H7N9, không loại trừ khả năng chim di cư đã đem chủng virus cúm chết người này đến Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh rằng hầu hết các trường hợp lây nhiễm được phát hiện tại Thượng Hải, nhưng có khả năng virus H7N9 lây lan rộng hơn.

MOA đã điều một nhóm làm việc tới các khu chợ địa phương và các trang trại chăn nuôi để thu thập các mẫu phẩm về xét nghiệm. Bộ này khẳng định sẽ công khai kết quả một cách minh bạch và kịp thời.

Trong khi đó, Trung Quốc đã ghi nhận ca nhiễm virus H7N9 thứ 21, là một nam giới 55 tuổi, làm nghề buôn bán gia cầm sống tại tỉnh An Huy. Bệnh nhân này đã bắt đầu có các triệu chứng cúm từ ngày 28/3 và được đưa vào bệnh viện ở thành phố Hào Châu ngày 1/4. Ngày 7/4, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H7N9. Hiện, bệnh nhân này đang ở trong tình trạng ổn định. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân này không có dấu hiệu bị lây nhiễm.

Nhà chức trách Trung Quốc đang tiếp tục các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus cúm H7N9. Tại thủ đô Bắc Kinh, nơi chưa có trường hợp nhiễm virus H7N9 nào, chính quyền thành phố đã cấm buôn bán gia cầm sống bên ngoài chợ và cấm giết mổ gia cầm không có giấy phép. Chính quyền tỉnh Quảng Đông đã lập một quỹ ban đầu 30 triệu nhân dân tệ (4,76 triệu USD) để phòng chống cúm H7N9 cũng như hỗ trợ các bệnh nhân nghèo bị nhiễm virus. Ngoài ra, chính quyền trung ương đã phát thuốc thử phản ứng virus cúm H7N9 cho 409 trung tâm kiểm soát gia cầm trên cả nước. Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Trung Quốc (CCDCP) cũng đã cung cấp các dụng cụ thử phản ứng và các chỉ dẫn thử phản ứng với virus H7N9 cho các các bệnh viện và cơ sở nghiên cứu chính về bệnh cúm này. CCDCP đã tham gia các cuộc hội thảo từ xa do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức và thông báo về tình hình nhiễm virus cúm H7N9 tại Trung Quốc. Ngoài ra, trung tâm này cũng liên hệ với các cơ quan y tế của Mỹ và nhiều nước khác nhằm hợp tác kỹ thuật.

Trước đó, ngày 6/4, chính quyền Trung Quốc đã phê duyệt thuốc "Peramivir", một loại thuốc chống cảm cúm mới được cho là có khả năng điều trị hữu hiệu virus cúm gia cầm H7N9. Đây là thuốc ức chế neuraminidase mạnh, được dùng dưới dạng tiêm.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm