Xử lý nghiêm hành vi sơn thếp nham nhở đền thờ Thánh Gióng

03/04/2017 18:53 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến việc tu bổ đền Phù Đổng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), chiều 3/4, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Cơ quan này vừa đề nghị UBND huyện Gia Lâm đề xuất biện pháp xử lý những nội dung không đảm bảo yêu cầu của việc bảo quản, tu bổ di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (hay còn gọi là đền Gióng, thuộc xã Phù Đổng). 

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị huyện Gia Lâm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng tu bổ của các gói thầu đang thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của công trình; thực hiện việc nghiệm thu theo quy định tại Điều 15 Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả kiểm tra, đề xuất của UBND huyện Gia Lâm gửi về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội để xem xét giải quyết theo quy định trước ngày 10/4. 


Đền Gióng là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Hanoi.gov.vn

Dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư gồm các hạng mục: Đình Hạ Mã, cụm đền Thượng (gồm thủy đình, giếng gạch, kè ao sau đền), chùa Kiến Sơ (gồm tam quan, kè ao), cụm đền Hạ (gồm nhà Mẫu, nhà từ đền, kè ao trước đền), Miếu Ban (gồm cổng miếu Ban, miếu Ban, kè ao miếu Ban), sơn thếp (gồm đền Thượng, đền Hạ, Miếu Ban) và hạ tầng, hệ thống chiếu sáng trong và ngoài nhà, phòng cháy chữa cháy. 

Tuy nhiên, trong quá trình tu bổ, việc sơn thếp hai bức chạm nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVII-XVIII hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã sơn đỏ, thếp vàng, không được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt tại Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 14/4/2014. 

Ngay sau nhận được thông tin, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm, UBND xã Phù Đổng kiểm tra tại di tích. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội khẳng định: Đền Phù Đổng là di tích quốc gia đặc biệt nên việc tu bổ phải được phép của các cơ quan chức năng và thực hiện phải đúng quy trình. 

Tại thời điểm kiểm tra, di tích đền Thượng (nằm trong cụm di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng) đang được hoàn thiện việc sơn thếp cột, vì kèo nhà tiền tế, hậu cung. Tuy nhiên, tại các chân cột, vị trí tiếp giáp các cấu kiện khác hình thức sơn không đều, chưa kín mặt gỗ, tạo sự nham nhở, không đảm bảo về mỹ thuật. Hai bức chạm nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVII-XVIII hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã sơn đỏ, thếp vàng, không giữ được màu sắc như màu sắc được ghi nhận tại hồ sơ xếp hạng di tích. 

Ông Đinh Minh Tỉnh, Phó ban Quản lý di tích đền Phù Đổng cho rằng: "Trong quá trình tu bổ, đơn vị thi công sơn tất cả kèo cột nhưng các mảng chạm trước cửa đền không sơn, nhìn không đồng đều, trông như tấm áo vá. Vì vậy, chúng tôi đã xin ý kiến các cụ trong đội tế của đình và đội bảo vệ di tích nhân tiện đã tu bổ thì sơn luôn cho đồng bộ. Chúng tôi thấy sơn như vậy đẹp hơn nhưng các cơ quan chức năng bảo không phù hợp”. Ông Đinh Minh Tỉnh cũng chia sẻ, các mảng chạm cũng đã được sơn, các cơ quan chức năng xử lý, phê bình Ban quản lý di tích đền cũng... đành chấp nhận. 

Hiện nay, Ban Quản lý di tích đền Phù Đổng và UBND xã Phù Đổng cũng đã có báo cáo giải trình với các cơ quan chức năng và xin ý kiến về hướng giải quyết cho phù hợp. 

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm