"Xóm chênh vênh" giữa lòng cố đô

26/02/2010 14:59 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Đi dọc bờ sông Đông Ba theo đường Huỳnh Thúc Kháng, chạy dài theo đường Đào Duy Anh, rẽ vào Cửa Trài, cạnh Ban chỉ huy Quân sự tỉnh TT- Huế và men theo con đường nhỏ chỉ vừa một chiếc xích lô đi, dọc bờ thành là nơi trú ngụ của hàng trăm người dân thuộc tổ 11, khu vực I, phường Phú Bình, thành phố Huế.

Gần 25 năm sống tạm

Không ai có thể hình dung, chỉ cách trung tâm thành phố không xa, chen chúc trong một con hẻm sâu, chật chội, 120 hộ với gần 800 nhân khẩu đã sống và tồn tại được trong gần 25 năm qua. Họ sống tạm bợ trong những ngôi nhà thấp lè tè, sập sệ, chênh vênh lại thuộc trong những nơi thấp trũng nhất của thành phố Huế, một bên là mảnh đất rộng chừng 4 - 5m ngay cạnh bờ khu di tích kinh thành Huế, còn một bên là bờ sông Ngự Hà.

Con đường vào “khu ổ chuột” rộng chỉ hơn 1m


Trước đây, họ là dân vạn đò. Cơn bão lịch sử năm 1985 đã đẩy hàng trăm người dân vạn đò tại phường Phú Bình phải sống trong cảnh vô gia cư. Con đò là nơi trú ngụ của họ hàng ngày đã bị cơn bão tàn phá tan hoang. Đang trong lúc khó khăn, chẳng biết đi đâu về đâu thì chính quyền phường Phú Bình đã có chính sách định cư lên bờ cho người dân vạn đò. Họ được tạm cư trên mảnh đất một bên với chiều rộng khoảng hơn 5m ngay cạnh bờ khu di tích kinh thành Huế, còn một bên là bờ sông Ngự Hà.

Ban đầu chỉ có 25 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu lên tạm cư, đến nay gần 25 năm qua tổ 11, phường Phú Bình có hơn 120 hộ dân với gần 800 nhân khẩu. Diện tích đất ở không tăng trong khi số hộ gia đình tăng lên một cách nhanh chóng đáng kể. Những nóc nhà cứ ngày một mọc lên như nấm, một số là của người dân vạn đò lên định cư, một số là do tách hộ. Đất chật nhưng người lại đông nên nhiều người gọi đây là “khu ổ chuột”, nhiều người gọi là “xóm chênh vênh” hay “xóm bờ thành”.

Ông Lê Viết Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Bình cho biết: “Những hộ dân khi đến xóm bờ thành để cư trú đều xin giấy tạm trú có xác nhận của chính quyền địa phương. Hiện nay, chúng tôi đang rất lo về tình trạng số nhà tạm tăng lên và hình thành khu ổ chuột. Trước đây, chúng tôi có chia cho mỗi gia đình từ 10 -15m2 để dựng nhà, nhiều gia đình có từ 2 đến 3 thế hệ sinh sống nên số nóc nhà cứ dần tăng lên. Mặc dù chính quyền thành phố và các cấp đã có nhiều quan tâm giúp đỡ nhưng đời sống người dân vẫn cơ cực…”.

Những ngôi nhà tạm bợ được dựng lên san sát nhau trong một con hẻm nhỏ


Vào “khu ổ chuột”, điều làm ta ấn tượng và chú ý nhất là những căn nhà có nền móng bằng cọc tre, được cắm sâu xuống sông Ngự Hà. Đường vào xóm là nơi sinh hoạt của cả xóm: Từ tắm giặt đến nấu ăn trông rất mất vệ sinh. Bà Trần Thị Lý, người dân sống nơi đây đã gần 25 năm vừa nói vừa than thở: “Cảnh sống như thế này đã diễn ra từ khi xóm này hình thành. Tuy nhiên, diện tích sử dụng cho sinh hoạt rất hạn hẹp nên người dân ở đây phải sống như vậy thôi chứ cũng chẳng biết làm thế nào nữa…”.

Sống chung với nguy cơ…bệnh tật

Sống trong tình cảnh “đi không nỡ, ở cũng chẳng xong”, gần 25 năm qua những người dân tổ 11 phường Phú Bình phải gồng mình sống chung với đủ loại nguy cơ dẫn đến bệnh tật.

Dưới chân bờ thành là những ngôi nhà tạm


Cả xóm có gần 1.000 người sinh sống, vậy mà họ chỉ có 3 nhà vệ sinh được đặt ở 3 điểm đầu, giữa và cuối xóm cho nên cảnh chờ đợi, xếp hàng đi vệ sinh diễn ra thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Long, người dân sống trong xóm nói: “Mấy nhà vệ sinh ni được xây dựng từ sự hỗ trợ của Đại học Huế từ năm 2000, còn trước đó người dân ở đây chỉ còn biết “giải quyết” xuống sông thôi…”.

Vệ sinh đã không đảm bảo nhưng vấn đề rác thải sinh hoạt tại đây cũng đang từng ngày tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân trong xóm đều được tuồn xuống sông, trôi nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối.

Đáng nói hơn nữa là, nhiều ngôi nhà “ cắm cọc” bên bờ sông Ngự Hà sống trong cảnh , bên trên là nơi sinh hoạt, ăn, ngủ, nghĩ còn bên dưới là rác thải. Đây chính là nguyên nhân của những căn bệnh như : sốt xuất huyết, tiêu chảy, loét da… Bà Nguyễn Thị Phi bức xúc nói: “Sống chỗ ni dù mưa hay nắng đều khổ. Về mùa mưa, vì xóm nằm chỗ trũng nên nước lên rất nhanh, mang theo cả rác thải vào nhà. Vào mùa nắng thì rác bốc mùi hôi kinh khủng, không thể nào mà chịu được…”.

“Cắm cọc” ở tạm bên bờ sông Ngự Hà


Sống tạm như  vậy đến bao giờ ?

Cuộc sống khó khăn như bám chắc lấy con người nơi đây từng ngày, từng giờ. Không đất đai, không nghề nghiệp nên cuộc sống luôn rơi vào tình trạng túng thiếu quanh năm. Người dân nơi đây đa số là trình độ dân trí thấp, thu nhập chủ yếu nhờ vào gánh hàng rong, đạp xe xích lô, bốc vác thuê ở các bến xe, các chợ…

Điểm chung nhất của “khu ổ chuột” là cảnh nghèo, cuộc sống sinh hoạt chật vật. Cả xóm hầu như không có ngôi nhà nào là không rách nát, vá víu, nơi này miếng bạt rách, nơi kia miếng tôn. Những căn nhà tre ọp ẹp dựng tạm bợ, thỉnh thoảng lại phải thay lại cột chống đỡ, lợp lại mái tôn, hàng ngày đang là nỗi lo của người dân. Theo thống kê, số hộ nghèo trong xóm chiếm khoảng 30 % và không nừng tăng lên.

Người dân ở đây phải sống trong cảnh, bên trên là nơi sinh hoạt, bên dưới là rác thải bốc mùi hôi thối


Tỉ lệ học sinh bỏ học đang là một vấn đề nan giải của chính quyền địa phương. Do hoàn cảnh quá khó khăn nên nhiều em đang ở độ tuổi đi học phải bỏ dở việc học hành để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cả xóm có khoảng hơn 40 em bỏ học để đi nhặt ve chai, bán vé số để kiếm ăn qua ngày.

Giờ đây mong ước của hơn 800 người dân tổ 11 phường Phú Bình là được chuyển tới một nơi ở mới, có điều kiện tốt hơn, có đất canh tác, không phải sống chung với nguy cơ bệnh tật đang rình rập từng ngày. Ông Lê Viết Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Bình cho biết: “Phường đã có văn bản đề nghị lên cấp trên về phương án hỗ trợ di dời, tuy nhiên vẫn chưa thấy phương án chỉ đạo từ trên xuống. Trong thời gian tới, phường sẽ có chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ dân trí cho bà con…”.

Khi nào người dân nơi này mới được chuyển tới nơi ở mới tốt đẹp hơn? Câu trả lời sẽ giành cho chính quyền nơi đây.

Xuân Trường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm