Xin đừng “gật đầu cái rụp”

03/12/2010 10:10 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua, 2/12, Cục Quản lý dược Bộ Y tế thông báo, đến thời điểm này Cục và Sở Y tế các địa phương đã nhận được hơn 1.600 hồ sơ của các doanh nghiệp xin kê khai lại giá thuốc. Các hồ sơ này có một điểm chung là cùng xin... tăng giá.

Việc đồng loạt xin tăng này chỉ sau hai tuần kể từ khi Cục có công văn yêu cầu các doanh nghiệp: “Rà soát, thực hiện các biện pháp cân đối, tiết giảm chi phí ảnh hưởng tới giá thuốc, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tăng giá thuốc đến hết năm 2010, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ”.


Giá thuốc tăng sẽ thêm gánh nặng cho người bệnh. (Nguồn: Internet)
 

Đi ngược xu thế tăng giá, có hai doanh nghiệp dược phẩm lại làm hồ sơ xin giảm giá thuốc. Cụ thể, Công ty Servier của Pháp xin giảm giá thuốc đặc trị đái tháo đường ở mức 7% và thuốc trị cơn đau thắt ngực mức 10%. Công ty Ebewe Pharma của Áo xin giảm giá 16 loại thuốc trị ung thư với các mức từ 5% đến 12%.

Vẫn biết hiện nay, trên 50% số thuốc thành phẩm và trên 90% số nguyên liệu để sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu. Vì vậy, giá thuốc trong nước phụ thuộc nhiều vào biến động tỷ giá. Các doanh nghiệp cho rằng, giá USD tăng, kéo theo giá nguyên liệu đầu vào, giá bao bì và giá nhập khẩu phải tăng. Nhưng tại sao doanh nghiệp này tăng, doanh nghiệp khác lại xin giảm? Phải chăng, hai doanh nghiệp này “chơi ngông”, hay đó là chiêu PR đánh bóng tên tuổi?

Không bàn đến mức giá trước đó của hai doanh nghiệp trên cao như thế nào, và lợi nhuận họ thu lớn ra sao. Nhưng từ việc giảm giá trên có thể rút ra những yếu tố cơ bản: Thứ nhất, các loại thuốc trên đều là thuốc đặc trị, phân phối độc quyền, không nằm trong danh mục hoạt chất generic (tức là thuốc còn bản quyền phát minh). Vì vậy, có thể thấy doanh nghiệp tự nguyện cắt giảm phần lợi nhuận họ đang có chứ không phải do sức ép cạnh tranh thị phần.

Thứ hai, họ cũng chịu chung biến động tỷ giá với các doanh nghiệp khác. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trình bày chiều qua, thì tỷ giá tháng 11 tăng 3%. Tuy nhiên, trong hồ sơ xin tăng giá, có doanh nghiệp đề xuất mức tăng tới hơn 10%. Như vậy, có hay không hiện tượng “té nước theo mưa”?

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, ai cũng phải dùng, dù người giàu người nghèo cũng không thể “đừng ốm”. Người dân đi mua thuốc, dược sĩ nói giá bao nhiêu, mua bấy nhiêu, không thể biết giá thuốc thế nào thì hợp lý. Giá thuốc phụ thuộc rất nhiều vào lương tâm của những “nhà” bán thuốc.

Hãy nhìn thực tế, thuốc ở Việt Nam bị đội giá do mức chiết khấu kinh doanh, chi phí trình dược viên, chi phí quảng cáo, hoa hồng cho bác sĩ kê toa... ở trên trời. Các nhà thuốc có lương tâm, hãy giảm các chi phí “nhẫn tâm” kia trước đi, rồi hãy nói đến tăng giá thuốc. Đó cũng là điều Bộ Y tế phải làm, thay vì gật đầu cái rụp trước hơn 1.600 hồ sơ kia.

Thành Tâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm