27/09/2013 23:45 GMT+7 | Giáo dục
(Thethaovanhoa.vn) - GS Hoàng Như Mai sinh ngày 3/8/1919 (vài tài liệu ghi 1918) tại Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), lớn lên tại Thanh Trì (Hà Nội) đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15h45 ngày 27/9/2013 tại bệnh viện 175 (TP.HCM), thượng thọ 95 tuổi. Nếu chỉ dùng một cụm từ để nói về GS này, có thể viết: Nhà giáo của cảm hứng bất tận.
Theo học ĐH Y khoa, ĐH Luật trước 1945, nhưng khi còn là sinh viên (năm 1943) ông đã là giáo viên tại Trường Trung học tư thục Đông Hải (Hải Dương). Từ đó đến nay, đúng 70 năm, ông không rời con đường chính mà mình đã chọn: giảng dạy. Thế nhưng Hoàng Như Mai không trở thành nhà giáo mô phạm, ít chấp nê vào chuyện bằng cấp, học hàm học vị... Dù khả năng và cơ hội để ông có những điều này thì chẳng có gì ngăn trở.
Có thể dùng chữ “xả thân” để chỉ cuộc đời dạy học không ngừng nghỉ của ông. Xả thân vì khi giáo dục cần, nơi nào ông cũng đi. Thế hệ của ông còn nổi bật bởi tinh thần tự học, dù điều kiện để tự học rất khó khăn, không xả thân thì bất thành. Xả thân vì luôn trăn trở, nghiên cứu, đổi mới các phương pháp giảng dạy... đến những ngày cuối cùng. Từ năm 1988 đến nay, ông là Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, nơi có nhiều đóng góp thiết thực cho nền giáo dục Việt Nam.
Các công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông là Văn học Việt Nam hiện đại (1961), Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986), Thơ một thời (1989)...
Song hành công việc nghiên cứu, giảng dạy, ông là nhà thơ thấm đẫm suy tư. Khi nhìn về cái chết, ông khá thong dong: “Cuộc đời vinh nhục vui buồn/ Sắc - không, không - sắc há còn vấn vương/ Bao giờ đến lượt lên đường/ Thì như một chiếc lá vàng gió bay”. Năm 1193, ông từng in tập thơ Trao cho nhau cuộc đời, gồm 52 bài.
Ông còn là nhà biên kịch xuất sắc, những vở như Tiếng trống Hà Hồi (1948), Dòng sông biên giới (1957), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (1982)... là minh chứng sinh động. Sau 1945, có một quãng thời gian dài ông còn là diễn viên kịch được nhiều khán giả yêu mến.
Những ai đã từng học GS Hoàng Như Mai (ông dạy rất nhiều chuyên đề từ văn học đến sân khấu, cho cấp đại học và sau đại học) thì đều dễ nhận thấy hai điều: Thứ nhất, niềm cảm hứng và cái duyên chia sẻ trong ông gần như bất tận, nên dạy học luôn là niềm vui, người học cũng thấy vui. Thứ hai, khả năng liên ngành rộng rãi, dẫn chứng sinh động, xác đáng nên tiết học không bao giờ nặng nề, khô cứng.
Ông được phong chức danh Giáo sư năm 1982; danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1990; và được tặng Huân chương lao động hạng Nhất. “Việc làm ngay thẳng lòng trong sáng/ Sống giản đơn và chết giản đơn” là hai câu thơ GS Hoàng Như Mai viết cho bạn, nhưng có lẽ, cũng đúng với cuộc đời của ông.
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất