Vi phạm giảm, tình hình giao thông vẫn phức tạp

28/06/2010 10:59 GMT+7 | Pháp luật

Sau hơn một tháng tập trung xử lý và tuyên truyền thực hiện Nghị định 34/CP, bước đầu người dân đã nắm được những quy định mới, nhất là chế tài tăng nặng đối với các lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông tại đô thị.

*

Xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN).
Ý thức của người tham gia giao thông được nâng lên


Kể từ ngày Nghị định 34/CP có hiệu lực, quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông; hạ tầng giao thông... đều tăng, nhất là với các khu vực trong nội thành của đô thị đặc biệt.

Theo Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt-Công an thành phố Hà Nội, qua hơn một tháng tập trung xử lý và tuyên truyền, kết hợp với triển khai thực hiện một số chuyên đề chống ùn tắc giao thông như dừng đỗ sai quy định, ý thức người dân đã chuyển biến rõ rệt. Một số hành vi vi phạm của người điều khiển ôtô có chiều hướng giảm.

Về những khó khăn đang tồn tại, như việc xác định căn cứ trẻ em trên 6 tuổi, ông Ngọc cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp để sao cho tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý vi phạm đồng thời vẫn tạo được sự đồng thuận trong dân.

Cũng theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt-Công an thành phố Hà Nội, thời gian vừa qua, mặc dù các phương tiện thông tin, báo chí tích cực tuyên truyền nhưng trên địa bàn thành phố vẫn liên tục xảy ra các vụ chống đối cảnh sát giao thông.

Theo thông tin từ Phòng cảnh sát giao thông đường bộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh, sau một tháng thực hiện xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông theo Nghị định 34 tại Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt tổng cộng 128.000 trường hợp vi phạm với số tiền lên đến hơn 16 tỷ đồng.

* Phóng nhanh, vượt ẩu là nguy cơ lớn nhất dẫn đến các vụ tai nạn

Theo kết quả thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Bộ Công an, sau hơn 1 tháng triển khai Nghị định 34/CP, những lỗi vi phạm trên các tuyến đường quốc lộ, nhất là đối với xe khách vẫn diễn biến phức tạp.

Có tới 9/12 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách xảy ra trên đường quốc lộ.

Nguyên nhân được xác định là đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ quy định và thiếu chú ý quan sát. Phóng nhanh, vượt ẩu là nguy cơ lớn nhất dẫn đến các vụ tai nạn trên các tuyến giao thông.

Theo Đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (Bộ Công an), mỗi ngày bình quân cả nước lại có 30 người chết vì tai nạn giao thông và hàng chục người khác bị thương.

Ngoài những mất mát của gia đình nạn nhân, xã hội cũng phải dành nhiều chi phí để chăm sóc, chữa trị cho những người bị tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, việc nhận thức các vấn đề này đối với những người tham gia giao thông vẫn còn rất nhiều hạn chế. Thiếu ý thức chấp hành luật, vi phạm các quy định về an toàn giao thông là những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn.

Thống kê của Cục cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt cho thấy, sáu tháng đầu năm 2010 toàn quốc đã xảy ra 6.559 vụ tai nạn giao thông khiến 5.610 người bị chết và 4.885 người bị thương. Điều đáng nói là so với thời gian trước, số vụ tai nạn giao thông có yếu tố đường sắt diễn ra rất phức tạp, trong số đó, có 63 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 185 người chết và 115 người bị thương.

Thượng tá Trần Sơn - Phó Trưởng phòng hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông-Cục cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt cho biết so với cùng kỳ năm 2009, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giảm cả ba mặt, cụ thể là giảm 21 vụ, giảm 29 người chết và giảm 111 người bị thương.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, 12 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách đã xảy ra, làm chết 35 người, bị thương 55 người. Đáng chú ý, có tới 9/12 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách là do xe tư nhân gây ra.

* Những bất cập cần tháo gỡ

Từ một góc độ khác, có thể thấy sau một thời gian áp dụng Nghị định 34/CP, bên cạnh những kết quả ban đầu về tỷ lệ vi phạm giảm cũng phải nhìn nhận những tác động xã hội từ văn bản mới này, nhất là tại các thành phố lớn.

Kể từ khi Nghị định 34 có hiệu lực, không chỉ có những lái xe taxi mà rất nhiều người có ôtô riêng thường xuyên “đau đầu” trong việc tìm chỗ đỗ xe mỗi khi phải đi làm hay đi chơi. Theo văn bản mới, lỗi đỗ xe sai quy định bị phạt rất nặng.

Một lái xe taxi của hãng Mai Linh than thở: "Taxi hấp dẫn khách chính là bởi sự thuận tiện đỗ, dừng của nó. Nếu tất cả các lái xe taxi đều chỉ đỗ, dừng ở những tuyến đường cho phép thì sẽ không thể trả, đón khách trong trường hợp khách muốn lên, xuống. Nghị định mới đang “hành” đội ngũ taxi, chỉ một lần vi phạm, số tiền nộp phạt gần bằng cả tháng thu nhập, một số người đã bỏ nghề."

Ngay cả những người dân trước đây thường đi lại bằng ôtô cá nhân, giờ cũng kêu khổ khi đi ôtô bởi rất khó để tìm được một chỗ đỗ xe an toàn, đúng luật và thuận tiện cho công việc, giải trí mà không bị cảnh sát giao thông “sờ gáy.”

Rõ ràng, Nghị định 34/CP được ban hành đã tạo ra sức mạnh để xử lý những vi phạm Luật Giao thông đường bộ và ý thức chấp hành của người dân được tốt hơn.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cần lưu ý đến những tác động xã hội từ văn bản mới này để có những sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, giảm tải cho những bức xúc của người dân, góp phần đạt được yêu cầu giữ gìn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm