Văn hóa dòng họ: Cái đích cuối cùng là phụng sự dân tộc!

10/02/2016 07:38 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong năm qua, thông tin Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon thắp hương tại nhà thờ họ Phan Huy (Sơn Tây, Hà Nội) khiến văn hóa gia tộc lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Tạm gạt đi những ồn ào bề mặt liên quan tới chuyện ông Ban có phải gốc Việt hay không, điều thú vị từ sự kiện là chuyến thăm ngắn của ông Ban Ki Moon khiến người ta có dịp hiểu sâu thêm về dòng chảy ngầm sau những lũy tre làng: Văn hóa dòng họ.

Văn hóa dòng họ giúp con người xích lại gần nhau nhờ điều thiêng liêng bậc nhất: Chung huyết thống. Song, đằng sau những cuộc chắp nối phả hệ đằng đẵng cả chục năm ròng không phải là sự cố kết cục bộ. Đó càng không phải đơn giản là thỏa mãn trí tò mò. Mà đó là cuộc hội ngộ lịch sử để thêm hiểu về cội nguồn huyết thống. Hiểu để mà yêu, để thêm gắn bó và chung tay xây dựng những giá trị chung của cộng đồng vững mạnh.

Từ cuộc đoàn viên trăm năm…

Cuối năm 1225, Trần Thủ Độ phế bỏ nhà Lý dựng Trần Cảnh lên ngôi, bắt đầu vương triều Trần. Để củng cố quyền lực của dòng tộc, Trần Thủ Độ đã tìm cách tận diệt tôn thất nhà Lý. Cuộc tàn sát này của Trần Thủ Độ đã khiến ông và gia tộc đạt được mục đích. Ngược lại, nhà Lý mất cơ đồ, người nhà Lý hoặc bị giết chết hoặc phải cải họ về vùng xa xôi sinh sống, hoặc phải vượt biển lưu vong.

Và, nhánh vượt biển do hoàng tử Lý Long Tường dẫn đầu đã tới Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay) để viết tiếp những trang sử chói lọi của nhà Lý nơi xứ người. Cụ thể, hoàng tử Lý Long Tường sau khi tới Cao Ly đã lãnh đạo nhân dân trong vùng đánh tan giặc Nguyên xâm lược. Với những chiến tích này, Lý Long Tường được vua Cao Ly phong là Hoa Sơn tướng quân. Vua Cao Ly cũng lập bia ca ngợi công trạng của Lý Long Tường.


Văn hóa dòng họ ở các làng quê đang vun bồi ý thức về lịch sử, lòng yêu nước. Ảnh: TTXVN

Năm 2010, nghĩa là gần 800 năm sau, dòng dõi nhà Lý đại diện là Lý Xương Căn đã trở về quê hương và được cấp quốc tịch Việt Nam. Ngày ông Lý Xương Căn nhập quốc tịch Việt cũng là ngày đất nước kỷ niệm 1.000 năm ngày vua Lý Thái Tổ dời đô. Trong ngày đó, ông Lý Xương Căn đã khóc. Khóc vì được công nhận là dân nước Việt, khóc vì gia tộc hoàng gia Lý đã không bị xóa sạch khỏi bản đồ gia tộc Việt. Còn giọt nước mắt nào hạnh phúc hơn thế?

“Trong văn hóa gia tộc Việt, cuộc đoàn viên của dòng họ Lý với Tổ quốc sau 800 năm phiêu bạt được coi là điển hình và truyền cảm hứng rất nhiều tới những người nghiên cứu phả hệ”- thạc sĩ Hán Nôm Minh Đức chia sẻ- “Từ câu chuyện, những người tìm hiểu gia phả như chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ có thêm nhiều cuộc đoàn viên lịch sử”.

Cũng theo thạc sĩ Đức, từ cuộc hội ngộ của dòng họ Lý, không khí chắp nối phả hệ ở làng, xã sôi động hơn. Một số dòng họ khác nhau về mặt chữ đã nhận được huyết thống sau quá trình đối chiếu văn bản, tài liệu lịch sử của các nhà khoa học.

Có những người đã thành kính trước bàn thờ gia tộc sau nhiều năm phiêu bạt. Những cuộc gặp gỡ nhỏ không được nhiều người biết đến song chúng đang tạo nên những sự chuyển dịch lịch sử đầy sống động. Không khí dịch gia phả, chắp nối phả hệ đang trở nên ngày một phổ biến và dần trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi con người, mỗi gia tộc.

Trước đó, trao đổi với Thể thao & Văn hóa, TS Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cũng cho hay: Trong xã hội hiện đại, ở thế kỷ 20, văn hóa gia tộc ở Việt Nam cũng như gia phả của các dòng họ có phần không được coi trọng do những khúc quanh của lịch sử (chiến tranh, phong trào bài phong)… Gần đây, việc truy tìm lại nguồn gốc là xu hướng được trở lại: Các gia tộc truy tìm dịch lại gia phả xưa, viết tiếp những nhánh mới hay thậm chí viết gia phả mới.


Chuyến thăm nhà thờ họ Phan Huy của ông Ban Ki Moon gợi nhắc nhiều điều về văn hóa dòng họ

“Hiểu cội nguồn để thêm yêu gấm vóc quê hương”

Trong cuộc trở về lịch sử, Lý Xương Căn có tặng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười câu đối: Thân dẫu ở xa muôn vạn dặm/ Hồn lưu Tổ quốc xứ Việt Nam. “Tôi nghĩ, đây không chỉ là thông điệp của riêng ông Lý Xương Căn hay dòng họ Lý mà đó là mục tiêu chung của bất cứ ai tìm lại cội nguồn. Bởi, nhiều người cho rằng, mặt trái của văn hóa dòng họ là sự cấu kết cục bộ. Nhưng qua kinh nghiệm thực tế, tôi thấy không phải vậy. Cái đích cuối cùng của mọi cuộc tìm kiếm là phụng sự dân tộc!”- ông Minh Đức chia sẻ.

Cụ thể, những cuộc sinh hoạt họ tộc khiến con người hiểu thêm trách nhiệm của mình với dòng tộc, tổ tiên. Và đó là cách dạy lịch sử hữu hiệu nhất. Lịch sử chỉ đi vào lòng người khi những biến động xưa cũ được trao truyền nhẹ nhàng, tự nhiên như lời mẹ kể lúc ru con, như lời cha dặn trong những ngày mưa gió. Nhờ gắn kết gia tộc, con người không quên lịch sử, không nhầm lịch sử mà hơn thế, con người sẽ có cảm hứng và cảm xúc với lịch sử.

Quan trọng hơn hết thảy, con người hiểu mình là một phần của dòng chảy lịch sử. Họ sẽ là người cầm bánh lái định mệnh của dòng họ, của dân tộc mà bao lớp người đi trước đã gắng công chèo lái qua những khúc quanh co, nguy hiểm. “Hay nói khác đi, hiểu cội nguồn để thêm yêu gấm vóc quê hương”- TS Mai Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phả học Việt Nam chia sẻ.

Tản mạn chuyện ông Ban Ki Moon đến thăm dòng họ Phan Huy...

Tản mạn chuyện ông Ban Ki Moon đến thăm dòng họ Phan Huy...

Hồi tháng Bảy mới đây, người dân Kenya nô nức đón Tổng thống Mỹ Obama, một người mà họ coi là đồng bào. Cha của ông Obama là người Kenya.


Cũng theo TS Mai Hồng, thời gian gần đây, ở Việt Nam, nhu cầu nghiên cứu và chắp nối phả hệ đang nở rộ. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được coi trọng xứng đáng. Cụ thể, 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thành lập Hội Phả học quốc tế. Hội đã họp 2 lần ở Hàn Quốc. Song thật tiếc, nước Việt với nhiều biến thiên lịch sử, nhiều tư liệu phả hệ lại chưa có mặt trong hệ thống này.

“Cần nhắc lại, ở phương Tây, việc ghi phả hệ bắt đầu ở thời Phục Hưng (thế kỷ 15). Nước ta, từ thế kỷ 12, ý thức lưu giữ cội nguồn, huyết thống qua gia phả đã xuất hiện và mau chóng phổ biến. Những tư liệu bề dày này là di sản vô giá. Song, nếu không hòa chung vào hội phả học thế giới, những cuộc đoàn viên xuyên quốc gia như dòng họ Lý là rất khó khăn” - ông Mai Hồng chia sẻ.

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm