Văn hóa đặt tên của người Việt: Những cái tên chẳng giống ai

18/05/2015 12:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Đặt tên là hiện tượng văn hóa phổ biến trên toàn thế giới từ xưa đến nay và còn phát triển tự nhiên với nhiều xu hướng khác nhau trong thời gian tới. Vừa qua, đề xuất quy định đặt họ tên không được quá 25 chữ cái ngay khi được đưa ra, Báo Thể thao & Văn hóa đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận, chia sẻ những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Mở đầu cho loạt bài Văn hóa đặt tên của người Việt, xin giới thiệu đến độc giả việc đặt tên của người Việt xưa và nay.

Quyền đặt tên và có tên

Theo tác giả cuốn Nhân danh học Việt Nam của Lê Trung Hoa, họ và tên của người Việt Nam bắt đầu có từ thế kỷ II trước Công nguyên. Ý kiến  khác lại cho rằng, họ và tên của người Việt có từ thời Lạc Long Quân và Âu Cơ, nhưng việc đặt tên trở nên liên tục bắt nguồn từ việc các nhà vua lập ra "sổ điền" để kiểm kê dân số hàng năm. Về sau thêm "sổ đinh" hoặc "sổ bộ", ghi họ tên chính thức về hộ tịch từng cá nhân và gia đình. Rồi từ "sổ bộ", mỗi gia đình lập một sổ riêng để ghi họ tên và ghi chú những việc như cưới hỏi, sinh đẻ, tang ma…

Sự hình thành của mỗi họ tên luôn song hành với tiến trình hình thành của lịch sử dân tộc. Chẳng hạn, nhà Trần bắt con cháu đổi tên thành họ Nguyễn. Vua Gia Long đã sản sinh ra các họ Tôn Thất, Tôn Nữ. Còn vua Minh Mạng lại quy định việc đặt tên con cháu bằng những bài thơ của mình… Nhưng chung quy thì cái họ sinh ra là để phân biệt huyết thống, còn cái tên, bao gồm cả tên chính và tên đệm (nếu có) là để phân biệt người này với người khác hoặc để phân biệt giới tính (“thị” dùng cho nữ, “văn” dùng cho nam.…).


Một số tên Việt Nam được đặt hiện nay

Tuy nhiên ngày nay, để phân biệt giới tính dựa vào tên chính hay tên đệm đã "không còn cơ sở" khi mà nhiều tên của người nam nghe rất "nữ" như Hoa Quỳnh, Mai Hồng… và ngược lại, nhiều phụ nữ có tên mà nếu không "tận thấy dung nhan" hoặc xem lại phần giới tính ghi trong các giấy tờ cá nhân, sẽ rất dễ nhầm là nam giới.

Khác với họ, tên không có tính kế thừa, nhưng mang tính liên tục và tính truyền thống trong chính mỗi gia đình. Một đứa trẻ ra đời, thường những người như ông bà hoặc người có vai vế trong dòng tộc sẽ đặt tên cho trẻ. Tuy vậy, ngày nay, tính liên tục và truyền thống ấy đã dần thay đổi. Nhiều cặp vợ chồng sau khi đi khám thai, biết được giới tính của con trẻ đã ngay lập tức "nghiên cứu" đặt tên cho con trước khi nó chào đời . Hoặc có người vì  lý do nào đó đã giao quyền đặt tên con cho các nhà sư, cha xứ hoặc… cha mẹ đỡ đầu. Nhưng dù ai được đặt tên cho ai thì điểm đặc biệt và độc đáo của tên người Việt so với các nước phương Đông khác là luôn xưng hô bằng tên chính chứ không phải bằng họ.

Không còn truyền thống "coi mặt đặt tên"

Xưa kia, trước khi đặt tên cho con cái, các bậc cha mẹ thường căn cứ vào đặc điểm của con trẻ, hoàn cảnh gia đình và ước vọng của bản thân để chọn một cái tên phù hợp. Thế mới có câu: "Coi mặt đặt tên" là vì thế.

Nhưng ngày nay, xu hướng đặt tên đã thay đổi, trong đó một số đáng lưu ý là đặt tên "hướng ngoại" và chủ nghĩa thần tượng. Nghĩa là họ vẫn là họ Việt nhưng tên có thể là theo tên một vĩ nhân, một siêu sao bóng đá, một diễn viên nước ngoài nổi tiếng mà phụ huynh yêu thích. Điển hình cho xu hướng lấy tên "tây" ghép với họ ta ở Việt Nam phải nhắc đến Xã Ia Dơk ở Gia Lai. Hầu hết phụ huynh ở 10 thôn của xã này đều đặt tên con giống với tên của những diễn viên nổi tiếng trong phim Hàn Quốc và danh thủ bóng đá thế giới như Messi, Ronaldo, Yang Dong Gun…

Ngoài hướng ngoại, người Việt ngày nay còn có những xu hướng đặt tên rất đa dạng, thậm chí chưa thấy nơi nào có. Không còn "Cái Hĩm, Cái Bướm, Cái Bèo/ Cu Mần, Cu Bóp, Cu Teo, Cu Tèo" như các cụ xưa nữa, giờ đây nhiều cha mẹ đặt tên cho con mà khi nhắc đến, nhiều người đã phải kinh ngạc, chẳng hạn đặt tên con là binh khí như : Côn, Thương, Kiếm. Một gia đình ở  Huế đặt tên cho ba con nghe "cực lạ": Võ Ê Vo, Võ Ghi Ta và Vivien Võ; 4 anh em Sắt , Thép, Điện, Nước ở Hà Nội; Ở xóm Bát, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình có gia đình bà Đinh Thị Chó đặt tên con là Quê, Ục với quan niệm đặt tên xấu thì… ma không bắt.

Ngoài những xu hướng đặt tên độc, lạ còn có xu hướng đặt tên vô tình hay hữu ý gây sốc, thậm chí được gọi là "bá đạo" như Lường Thị Bướm, Quách Quan Tài, Trần Như Nhộng, Đinh Bằng Thép, Hồ Hận Tình Đời, Lò Vi Sóng, Phan Bá Đạo, Đồng Hồ Thụy Sỹ…

Một thời gian dài, những xu hướng đặt tên của người Việt đã là một vấn đề tranh luận thú vị. Có người chỉ trích vui những bậc sinh thành đặt tên xấu cho con cái mình là "dìm hàng thế hệ tương lai", là biến tướng, là đua đòi phản với truyền thống của người Việt. Thế nhưng, đến nay, chưa ai đưa ra được một định nghĩa chính xác tên thuần Việt  là tên phải đáp ứng những tiêu chí như thế nào? Và khi câu chuyện văn hóa đặt tên của người Việt vẫn còn được xới lên thì những xu hướng đặt tên vẫn không ngừng phát triển một cách tự nhiên.

Khổng Tử nói "Mỹ tại kỳ trung". Cái tên chỉ như những bộ quần áo của con người, là cái vỏ của cuộc đời chứ không phải là cái để làm nên phẩm chất hay tài năng của con người. Dù tên xấu hay tên đẹp thì người được đặt tên cũng phải mang theo nó đến mãn đời…

(Còn tiếp)

Phạm Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm