Văn hóa 'biển hiệu quảng cáo' ở Hà Nội: Gỗ và nước sơn, cần rành mạch!

24/05/2016 07:02 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Con đường kiểu mẫu trên phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) là tâm điểm công kích của dư luận. Đáng nói, mọi công kích đổ dồn về những tấm biển quảng cáo “đồng bộ” xanh đỏ. Hẳn, những tấm biển đó đi ngược lại hoàn toàn quy luật marketing toàn cầu.

Dẫu biết, sai sót trong trường hợp nào cũng nên cầu thị nhìn nhận để thay đổi, song, người viết vẫn muốn nhấn mạnh, đây là tuyến phố “thí điểm”. Thí điểm không đồng nghĩa được quyền sai sót, nhưng thí điểm có nghĩa là còn thời gian để sửa chữa. Cũng vì vậy, bên cạnh việc chính quyền cầu thị, cũng cần lắm sự bình tâm của dư luận.

Thêm nữa, giới kiến trúc, mỹ thuật đều coi biển quảng cáo chỉ là phần nổi của vấn đề quy hoạch đô thị. Sở dĩ, dư luận tạo thành “cơn bão” bức xúc vì tấm biển quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn bởi hai nhẽ. Thứ nhất, biển quảng cáo là thứ đập vào mắt, dễ nhìn thấy nhất, dễ phân biệt đẹp-xấu, tốt- dở. Điều này khiến người ta tự tin vì quan điểm của mình khi đánh giá tổng thể một công trình.


Phố Lê Trọng Tấn với các nhà mặt tiền chỉnh trang đồng bộ màu sơn và biển quảng cáo. Ảnh: Nguyễn Hưởng - NLĐ

Thứ hai, biển quảng cáo đồng bộ vô hình “động vào miếng cơm” của những người thiết kế. Mà những người thiết kế trẻ sáng tạo và nhanh nhạy vô cùng. Một cuộc khủng hoảng “ảo” đã xảy ra khi những người thiết kế liên tiếp làm thành trào lưu trên mạng xã hội: đổi hình đại diện kiểu mẫu, đổi ảnh bìa kiểu mẫu, viết những câu dí dỏm trên nền tấm biển quảng cáo kiểu mẫu… Không lạ, những tấm hình hài hước được chia sẻ với tốc độ khủng khiếp, phần nhiều là cho vui. Còn những bài phân tích các yếu tố kỹ, mỹ thuật chuyên sâu chìm nghỉm giữa biển thông tin.

Hơn thế, chúng ta cần rành mạch giữa chuyện “gỗ” và “nước sơn”. Thứ mà dư luận đang lên án cả một hạng mục công trình lớn chỉ là một phần của lớp vỏ bề ngoài. Ngoài biển quảng cáo, về diện mạo, phố Lê Trọng Tấn về cơ bản là ổn.

Tuyến đường dài 1,5 km có mặt đường rộng 15m, vỉa hè rộng chừng 12 - 15m, thảm bê tông nhựa theo công nghệ mới. Dọc tuyến đường trồng nhiều cây xanh và hoa. Một vài tiểu cảnh nhỏ cũng được sắp đặt gọn và hài hòa. Bên cạnh đó, tuyến đường cũng sử dụng 104 cột đèn Led chiếu sáng, hạ cáp điện ngầm.

Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta không nên và không thể phủ nhận hoàn toàn những thành tựu mà Hà Nội làm được trên tuyến phố Lê Trọng Tấn chỉ vì những tấm biển quảng cáo. Người viết vẫn nhấn mạnh rằng việc đồng bộ quảng cáo là rất sai so với quy luật thị trường, cùng các yếu tố nhận diện thương hiệu. Nhưng, chúng ta cần bình tâm để nhìn tổng thể công trình thí điểm, điều được và điều chưa được. Được thì phát huy, chưa được thì khắc phục, thay đổi.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm