Van Geirt - Người gọi tên “Đường mòn Hồ Chí Minh”

19/05/2009 09:58 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nhà báo gốc Bỉ Van Geirt có câu nổi tiếng: “Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là con đường tiếp tế. Nó còn là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam...". Chính ông đã giúp cho tên gọi “Đường mòn Hồ Chí Minh” trở nên lẫy lừng thế giới hồi đầu những năm 1970. Ông cũng là một trong những tác giả phương Tây được trích dẫn nhiều nhất khi người ta viết về con đường huyền thoại này.

Trường Sơn: chỉ có con người mới có thể sống nổi!  

“Đoàn công tác quân sự đặc biệt” được giao nhiệm vụ bí mật mở tuyến đường tiếp viện xuyên Trường Sơn vào Nam, được thành lập vào ngày 5/5/1959 và chính thức hành quân vào giới tuyến đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1959, nên đơn vị này mang tên là “Đoàn 559”. Cũng vì thế con đường bí mật mà đoàn có nhiệm vụ mở được gọi là “đường 559” hay “tuyến giao liên 559”…và sau này được các tài liệu chính thống của ta đặt tên là “Đường Trường Sơn”.

Nhà báo Van Geirt ở tuổi ngoài 60


Vậy từ đâu có cái tên “Đường mòn Hồ Chí Minh”? Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương, tên này do người Mỹ đặt: Trong báo cáo gửi Tổng thống Kennedy năm 1961, tướng Taylor đã gọi tuyến giao liên vận tải này của ta là “Ho Chi Minh trail” (Đường mòn Hồ Chí Minh). Tuy nhiên cái tên đó thực sự được cả thế giới biết đến trước hết phải nhờ tới cuốn sách nổi tiếng của nhà báo người Bỉ viết tiếng Pháp Jean Pierre Van Geirt, nhan đề La piste Ho Chi Minh (Đường mòn Hồ Chí Minh) xuất bản cuối năm 1971. Cũng năm 1971, ở nước ta nhà văn Đào Vũ cho ra mắt tiểu thuyết “Con đường mòn ấy”… Từ đó, mới lan truyền cách gọi “đường mòn Hồ Chí Minh” ở cả trong và ngoài nước như ngày nay.

Jean Pierre Van Geirt sinh ngày 5/8/1945 ở Brussels, thủ đô nước Bỉ, từng là phóng viên của hãng tin Pháp AFP, sang Việt Nam năm 1968, từng viết cho những tờ báo Pháp nổi tiếng như tờ Le Monde (thí dụ phóng sự Chết ở Khe Sanh). Sau này ông làm việc cho Paris Match suốt 14 năm, làm cho đài truyền hình Sygma, TF1… và gần đây hồi năm 2005 ông sáng lập ra hãng tin mạng Atelier de Presse, nhưng không thành công v.v...

Cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh của ông kể lại những mưu toan của quân đội Mỹ và ngụy quyền nhằm phát hiện và cắt đứt con đường mà ông gọi là “đường mòn” này với tất cả sức mạnh và thủ đoạn, nhưng không thể nào ngăn chặn được đoàn quân vĩ đại cùng mạng lưới tiếp viện từ miền Bắc cho cuộc cách mạng giải phóng ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.

Trong cuốn sách của mình, Van Geirt đưa ra những lý giải về sức sống của con đường đó, để cho thấy người Mỹ vì sao lại thất bại: “Phải hiểu rằng đường mòn này không phải chỉ là một con đường được vạch ra trên bản đồ, mà nó là cả một luồng tư tưởng. Như thành phố La Mã hay cả thế giới này không phải được tạo nên trong một ngày hay một năm. Toàn bộ đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói đến hôm nay là sự hun đúc của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt. Vì nó là tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc...”

Cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh xuất bản năm 1971


Cần nhớ rằng, những dòng đánh giá này của Van Geirt được đưa ra vào năm 1971, tức là ngay sau giai đoạn đánh phá ác liệt nhất (1967 – 1971) của không quân Mỹ và những cuộc càn quét lớn của nguỵ quân miền Nam (như cuộc hành quân Lam Sơn). Nếu như trong mùa khô 1965 – 1966, địch mới huy động gần 12 ngàn lượt chiếc máy bay đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh cả ngày lẫn đêm thì đến mùa khô năm 1968 – 1969, số máy bay được huy động đã lên tới gần 170 ngàn lượt, tăng gần gấp 15 lần. Tổng số bom đạn Mỹ ném xuống dọc hai bên dãy Trường Sơn chưa thống kê hết cũng đã thật khủng khiếp: Hơn 7,5 triệu bom phá nổ; gần 45.000 bom từ trường; 22.000 bom nổ chậm; 17.000 quả bom cháy; gần 70.000 bom bi và nửa triệu loạt đạn rốc-két… Như vậy tính trung bình mỗi mét dài đường Trường Sơn phải hứng chịu khoảng 5 trái bom và loạt đạn rốc-két trong một năm!

Khắc nghiệt như thế, nhưng những người lính Trường Sơn vẫn sống, vẫn chiến đấu suốt 16 năm ròng rã. Khâm phục ý chí quật cường đó, Van Geirt viết: “Không có gì có thể sống ở đây được, ngay cả những con dế mèn. Chỉ có con người, con người mới chịu đựng nổi, cũng như họ đã từng chịu đựng bao nhiêu thế kỷ nay rồi...”

Như một thiên phóng sự

Van Geirt còn phân tích sự lan toả “cực kỳ hiệu quả” của Đường mòn Hồ Chí Minh, bởi nó không chỉ là một con đường, mà gồm nhiều trục đường lớn đi qua cả Lào và Campuchia. Ngoài những trục lớn ấy, thời bấy giờ ở khắp nơi trên miền Bắc còn rất nhiều những con đường nhỏ giăng khắp được mở và “được nối liền lại cùng nhằm về một hướng gọi là tiền tuyến, nghĩa là miền Nam…” Từ đó Van Geirt khẳng định: "Đối với Đường mòn Hồ Chí Minh, muốn chiếm được nó, phải chiếm đóng trên mỗi milimet vuông của Lào, Cao Miên và cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam bằng tất cả quân đội của thế giới này may ra mới đủ!...".

Cuốn sách giống như một thiên phóng sự của Van Geirt mô tả sự thất bại của Mỹ trong các mưu toan đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh qua những câu chuyện hết sức sinh động. Trong đó trước hết phải kể tới những ghi chép của ông về các phi vụ biệt kích của Mỹ nhằm vào con đường huyền thoại, thông qua lời kể của những người trong cuộc.

Thí dụ ông kể về một phi vụ của 8 tên biệt kích, “tất cả đều là những quân nhân cường tráng, sàng lọc kỹ càng”, gồm 5 lính Mỹ mà 1 trong đó là da đen, 3 còn lại là lính Nam Hàn. Bí mật xâm nhập từ Lào sang theo những lối mòn trong rừng rậm để tránh những buôn làng người thiểu số, nhóm biệt kích này cuối cùng trở nên bạc nhược vì bị rơi rụng dần, trong đó “hai người đầu tiên chết một cách lặng lẽ, không một tiếng kêu vì rơi đúng vào một cái hố bẫy hổ, bị xuyên dọc từ dưới lên”. Cho đến một đêm khi nghe thấy những tiếng ầm ầm của đoàn xe chạy, chúng lần đầu tiên mới tiếp cận được con đường huyền thoại. Để đảm bảo an toàn, chúng để một tên Nam Hàn ở lại bảo vệ phía sau. Do đó tên này thoát chết. Nhưng hắn chẳng bao giờ có dịp nhìn thấy đường mòn Hồ Chí Minh. Còn đồng bọn của hắn tuy một lần được nhìn thấy con đường, nhưng đều bị chết gục tại chỗ không một lời cảnh báo. Về phần tên thoát chết, hắn phải tháo chạy gần một tuần không lương ăn, nước uống mới tới được Làng Vây để báo cáo rằng: nhiệm vụ không hoàn thành được!

Một nhóm người Mỹ đến thăm cột mốc km số 0 của “Đường Hồ Chí Minh” ở Tân Kỳ (Nghệ An) - Ảnh: vietnamontrails.com


Riêng trong năm 1964, trong khoảng một chục nhóm biệt kích đi bộ hoặc nhảy dù được tung ra để tìm cách quan sát đường mòn Hồ Chí Minh, chỉ có 5 tên thoát chết trở về, chủ yếu vì được chỉ định ở lại gác. Cũng vì lẽ đó mà tướng Westmoreland phải tạm ngừng chiến dịch “Leaping Lena” (Vượt qua Lena), bởi những “sứ mạng tự sát” ấy chẳng mang lại điều gì thật hữu ích.

Một câu chuyện khác kể về James Christopher Brown, sinh ra ở Bronx, một khu phố bình dân của New York, gia nhập lực lượng “Mũ nồi xanh” chỉ vì say mê… nhảy dù. Đeo lon trung úy, hắn được tung sang Lào để từ đó cùng với lũ phỉ của Vàng Pao thâm nhập vào VN nhằm phát hiện và phá hủy đường mòn Hồ Chí Minh. Một lần hắn dẫn hơn trăm tên phỉ Lào đột nhập vào VN. Ban đầu, Brown định chia thành 3 nhóm, nhưng rồi gã nghĩ lại, thà đi một đám đông tập trung hoả lực để đụng quân “Bắc Việt” may ra còn có cơ thoát thân, chẳng việc gì phải “tằn tiện” với sinh mạng của đám phỉ đó cả. Chúng đã tiếp cận được con đường và cho nổ được một hố sâu, đường kính rộng khoảng 1,5 mét trên đường. Nhưng khi tháo chạy trở lại Lào, nhóm của hắn bị phục kích, đám phỉ Lào chết như rạ. Trở lại căn cứ, điểm lại gã thấy số chết nhiều hơn số sống.

Qua những câu chuyện như trên, tác giả cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh kết luận: “Người Mỹ coi mọi sự lo âu và thất bại của họ đều bắt nguồn từ con đường bất khả xâm phạm này”.

Van Geirt viết: “Với mục đích kể lại lịch sử con đường này, tôi phải nhắc lại cả lịch sử Việt Nam bởi không có lịch sử Việt Nam thì không có Đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng lịch sử con đường này lại làm sáng tỏ thêm lịch sử Việt Nam”. Có thể nói với cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh, Van Geirt – một nhà báo sắc sảo và có tài tổng hợp - đã dựng lên được một bức tượng đài báo chí về con đường huyền thoại theo nghĩa là một “biểu tượng” không chỉ cho cuộc chiến tranh Việt Nam, mà phần nào còn cho cả lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm giữ nước của dân tộc ta.

Việt Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm