Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung là “cứu cánh” cho phụ nữ

29/12/2008 16:05 GMT+7 | Thế giới

Việc cho phép lưu hành vắc xin phòng ung thư cổ tử cung vào Việt Nam, với chị em phụ nữ đó là tin mừng, bởi ung thư cổ tử cung là căn bệnh mà bất cứ người phụ nữ nào cũng có nguy cơ gặp phải. Tuy nhiên, hiện vẫn có những ý kiến khác nhau về tác dụng của loại vắc xin này đối với phụ nữ ở những độ tuổi khác nhau và với phụ nữ đã quan hệ tình dục. 
 
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phương Mai (Cố vấn, Vụ Bảo vệ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế), người đã nhiều năm nay tiếp cận với những phụ nữ bị ung thư cổ tử cung (CTC) và nghiên cứu khá sâu về vấn đề này.

*Thưa Giáo sư, vừa qua việc xác định được virus HPV là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung, làm cơ sở cho việc sản xuất vắc xin phòng ung thư cổ tử cung đã được trao giải Nobel 2008, đến nay trên thế giới đã có những chế phẩm nào để phòng căn bệnh ung thư CTC này, công dụng của các chế phẩm đó ra sao?

- Ung thư CTC là gánh nặng đối với chị em phụ nữ trên thế giới và Việt Nam vì hàng năm tỉ lệ tử vong do bệnh này rất cao, có được những giải pháp để ngăn ngừa ung thư CTC cho chị em phụ nữ là điều lý tưởng. Nhà khoa học người Đức Harald zur Hausen đã phát hiện ra mối liên quan giữa HPV và ung thư cổ tử cung, tạo nền tảng cho các hãng dược phẩm nghiên cứu và bào chế vắc xin phòng HPV (virus papilloma ở ngườI). Trên thị trường hiện nay có 2 loại vắc xin được cung cấp bởi 2 hãng là vắc xin Cervarix của hãng GlaxoSmithKline (Anh) phòng ngừa được ung thư do 2 tuýp HPV 16 và 18, và vắc xin Gardasil của hãng Merck Co. (Mỹ) sản xuất có tác dụng phòng ngừa với tuýp HPV- 6,11,16 và 18. Những loại vắc xin này ra đời là mang lại lợi ích rất nhiều cho người phụ nữ. Bản thân tôi là nhà phụ khoa, chuyên điều trị cho bệnh nhân thấy rằng những trường hợp ung thư nếu phát hiện sớm thì có thể cứu sống được nhưng nếu phát hiện muộn thì tỉ lệ cứu sống rất thấp, phòng và phát hiện sớm cho chị em phụ nữ là điều lý tưởng.

GS.TS Phương Mai (Cố vấn, Vụ Bảo vệ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế),  

Trong các tuýp phòng ngừa được bởi 2 loại vắc xin nói trên, tuýp HPV-16, 18 là nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, còn tuýp còn lại là HPV-6,11 là lành tính mà ta thường gọi là những mụn cóc, hạt cơm. Hiện nay, 2 vắc xin này được cấp phép sử dụng cho phụ nữ đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trong 2 loại thì Gardasil được chỉ định cho phụ nữ lứa tuổi từ 9 đến 25, còn Cervarix được chỉ định cho phụ nữ từ 10 đến 55 tuổi. Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy tỉ lệ phụ nữ ở lứa tuổi cao nhiễm HPV rất cao và đây là lứa tuổi cần thiết để tiêm vắc xin.

* Hiện nay đang có tranh luận rất nhiều về khả năng phòng bệnh ung thư CTC của loại vắc xin Cervarix dành cho lứa tuổi cao, hoặc có ý kiến cho rằng chị em đã quan hệ tình dục rồi thì tiêm vắc xin không có tác dụng. Ý kiến của GS về vấn đề này thế nào?

Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng khả năng phòng ngừa HPV với phụ nữ lứa tuổi trẻ (9-26 tuổi) và lứa tuổi cao (từ 26 tuổi trở lên) là có bằng chứng khoa học do vắc xin có thể sinh miễn dịch cao ở phụ nữ nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt có ý nghĩa với chị em phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Do vậy, theo tôi phụ nữ ở lứa tuổi cao cũng nên tiêm vắc xin này để phòng ung thư CTC. Thực tế, nhiều nước trên thế giới cũng đã sử dụng cho lứa tuổi cao thì chẳng có lí do gì những phụ nữ ở lứa tuổi cao ở nước ta (cụ thể là lứa tuổi từ 26 đến 55 tuổI) lại không thể sử dụng.

Tôi thấy nếu hiểu, đã có quan hệ tình dục rồi thì không nên tiêm vắc xin ung thư CTC là sai. Vấn đề ở đây là dự phòng mắc mới và dự phòng tái nhiễm. Những người đã có quan hệ tình dục thì lây nhiễm cao hơn so với người chưa quan hệ tình dục. Vì vậy, tiêm vắc xin để phòng ngừa HPV cho lứa tuổi đã quan hệ tình dục cũng vẫn rất tốt, ngay cả những trường hợp đã nhiễm rồi vẫn tiêm dự phòng được cho việc tái nhiễm lại.

* Tiếp xúc nhiều với phụ nữ bị ung thư CTC, Giáo sư có khuyến cáo như thế nào với chị em để phòng bệnh và sử dụng vắc xin phòng bệnh?

Vắc xin phòng ung thư CTC chính là vắc xin “cứu cánh” đối với phụ nữ. Theo tôi, chị em nào có điều kiện tiêm phòng thì rất tốt, tiêm để dự phòng không nhiễm mới, tiêm để dự phòng không tái nhiễm và tiêm để những tổn thương tiền ung thư sau điều trị không bị tái phát do tái nhiễm HPV các tuýp 16 và 18. Ở Việt Nam hiện nay, bệnh nhân đến với chúng tôi phần lớn là đã khá muộn do điều kiện kinh tế không cho phép họ thực hiện các chẩn đoán thường xuyên, vì vậy biện pháp tốt nhất để kiểm soát bệnh này là nên tiêm phòng vắc xin. Và để việc phòng bệnh được triệt để tôi khuyên phụ nữ sau khi tiêm phòng nên tiếp tục kiểm tra định kỳ bằng biện pháp soi tế bào cổ tử cung để tránh những trường hợp tổn thương tiền ung thư gây ra bởi những tuýp HPV khác ngoài HPV-16 và 18.

* GS nhìn nhận thế nào về những ý kiến, thông tin trái chiều xung quanh những loại vắc xin ung thư CTC trong thời gian qua?

Đây là những vắc xin mới có mặt trên thế giới được vài năm nên chắc chắn có những tranh cãi và ý kiến khác nhau. Đây là điều bình thường trong khoa học. Tôi cho rằng, vấn đề là cần cung cấp những thông tin một cách rõ ràng để người dân hiểu đúng lợi ích của các biện pháp dự phòng và không mơ hồ hay hoang mang khi quyết định tiêm phòng. Trên thực tế tuy khả năng sinh miễn dịch ở những người lớn tuổi có suy giảm theo quy luật sinh lý chung, nhưng khi được tiêm vắc xin thì vẫn tạo được kháng thể cao và đủ để bảo vệ, chứ không phải là không có tác dụng như một số bài báo đã nói.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm